Siết chặt quản lý sim rác

.

Theo chỉ đạo của Bộ Thông tin và Truyền thông, từ đầu tháng 10-2019, trên địa bàn cả nước sẽ triển khai các cuộc thanh tra diện rộng đối với công tác quản lý thuê bao di động trả trước. Dưới sự siết chặt của các cơ quan quản lý, sim rác cũng dần vắng bóng trên thị trường Đà Nẵng.

Sim rác vẫn đang được bán tràn lan trên các trang mạng xã hội.
Sim rác vẫn đang được bán tràn lan trên các trang mạng xã hội.

Sim thuê bao nhập sẵn thông tin, kích hoạt sẵn dịch vụ di động trả trước gọi là sim rác. Tại các cửa hàng trên tuyến đường Hoàng Diệu, Nguyễn Tri Phương, Trần Cao Vân..., các chủ cửa hàng cho biết họ đã ngưng nhập sim rác từ năm 2018. Chủ một cửa hàng trên đường Hoàng Diệu nói: “Trước đây loại sim này bán rất “chạy” vì giá rẻ lại tiện dụng. Với 100.000 đồng thì khách hàng đã có một chiếc sim có sẵn tiền, dung lượng Internet, gọi điện, nhắn tin miễn phí trong vài tháng. Nhưng từ năm 2018, cửa hàng đã không nhập hàng để bán do có sự kiểm tra của các cơ quan chức năng”.

Khu vực gần các Trường Đại học Kinh tế, Đại học Bách khoa, Đại học Sư phạm (ĐH Đà Nẵng) từng là “thiên đường” của sim rác. Song đầu tháng 10 vừa qua, khi đến tìm hỏi mua “sim sinh viên”, chúng tôi được yêu cầu phải có thẻ sinh viên mới được đăng ký. Tại một điểm bán trên đường Nguyễn Lương Bằng (quận Liên Chiểu), người bán tiết lộ: “Chỉ còn khoảng 5-7 sim kích hoạt sẵn của Viettel, chứ bữa nay không còn loại sim này nữa vì bị kiểm tra chặt lắm”.

Tuy nhiên, việc mua sim rác trên mạng lại tương đối dễ hơn. Gõ dòng chữ “sim rác Đà Nẵng” vào ô tìm kiếm Facebook, có thể tìm thấy nhiều bài quảng cáo sim thuộc đủ nhà mạng, đủ mức giá nghe rất “hấp dẫn”. Mô-típ chung của các bài quảng cáo này là “chỉ với vài chục ngàn đồng, bạn có thể mua được sim vào mạng chơi game, dùng Facebook, Youtube thoải mái, lại còn được giao hàng tận nhà”. Trong vai một người cần mua sim ngắn hạn cho khách du lịch, chúng tôi liên hệ với chủ một số điện thoại được đăng trong bài quảng cáo. Người bán “thành thật” cho biết: “Hiện các “sim rác” của Mobifone, Vinaphone, Viettel thì hay gặp trục trặc. Nhiều khi khách đang dùng thì... bị khóa mất”.

Song người này giới thiệu với chúng tôi sim Vietnamobile có giá 25.000 đồng/sim, miễn phí dung lượng và gọi nội mạng, mỗi tháng chỉ cần gia hạn 20.000 đồng cùng với cam kết “sim này không bị khóa”. Gọi đến một số điện thoại khác, người bán phân trần: “Lúc trước có nhiều khách mua sim chỉ để dùng 4G, nhiều nhất là sim Viettel với giá 90.000 đồng, mỗi ngày được dùng đến 2GB dữ liệu 4G, gọi miễn phí nội mạng. Song giờ sim này không còn nữa, chỉ còn khoảng 10-15 sim nhập từ đợt trước còn tồn hàng trước đây”.

Ông Nguyễn Nho Túy, Phó Giám đốc VNPT Đà Nẵng cho biết, VNPT xác định mục tiêu chuẩn hóa 100% thông tin khách hàng nên từ đầu năm 2019, đơn vị này đã triển khai nhiều biện pháp xử lý sim rác như: thu hồi sim kích hoạt sẵn trên các kênh phân phối, triển khai đăng ký thông tin thuê bao bằng trí tuệ nhân tạo, hoàn thiện và cập nhật thông tin thuê bao di động Vinaphone trả trước, thường xuyên thông báo và hướng dẫn các kênh phân phối về quy định đối với sim nghi ngờ kích hoạt sẵn cũng như chấm dứt hợp tác với các điểm cung cấp vi phạm.

Tuy nhiên, ông Túy nhìn nhận, vẫn còn tình trạng một vài kênh phân phối chưa tuân thủ đúng quy định, còn tồn tại tình trạng trữ sim để phục vụ nhu cầu khách hàng, đặc biệt là của các đơn vị lữ hành muốn bán sim data (sim chỉ dùng để vào mạng Internet) cho khách quốc tế đến Đà Nẵng. Trong khi đó, nhiều khách hàng chưa nhận thức đúng tầm quan trọng về việc phải sử dụng sim chính chủ, đặc biệt là các khách hàng có nhu cầu chỉ sử dụng 3G, 4G... trên thiết bị di động hoặc các thiết bị truyền số liệu như camera, giám sát hành trình…

Ông Nguyễn Hữu Bình, Phó Chánh Thanh tra phụ trách Sở Thông tin và Truyền thông cho biết, từ đầu tháng 9, đơn vị đã tiến hành thanh tra các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông trên địa bàn thành phố về việc phát triển, quản lý, chuẩn hóa thông tin thuê bao di động trả trước theo Nghị định số 49/2017/NĐ-CP; kiểm tra tính chính xác của thông tin thuê bao; tình trạng các sim hiện đang lưu giữ, bán tại điểm cung cấp dịch vụ viễn thông…

Liên quan đến chiến dịch ngăn chặn sim rác, đầu năm 2019, Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành văn bản nêu rõ, khi phát hiện tình trạng sim rác được bán, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ có công văn nhắc nhở chủ tịch, tổng giám đốc hai lần trước khi báo cáo Thủ tướng xem xét chỉ đạo xử lý hành chính, kỷ luật. Bên cạnh đó, lãnh đạo các nhà mạng không được xem xét tặng các danh hiệu nếu để xảy ra tình trạng sim rác.

Sim rác là những sim đã được các đại lý kích hoạt sẵn trước khi bán ra, được đăng ký với những thông tin cá nhân không đúng với thông tin người mua và sử dụng. Loại sim này rất dễ mua, không phải kê khai thông tin, khi dùng hết tài khoản có thể vứt bỏ để mua sim rác mới, hưởng khuyến mãi mới.

Sim rác thường được nhiều đối tượng sử dụng để gửi tin nhắn nặc danh, tin nhắn lừa đảo hoặc quấy rối. Sim rác là sim không chính chủ, nên người sử dụng sim rác sẽ không được pháp luật bảo vệ trong trường hợp phát sinh khiếu nại, khiếu kiện về viễn thông hay dịch vụ nội dung tin nhắn. Sim rác cũng sẽ bị khóa bất cứ khi nào nhà mạng phát hiện.

Bài và ảnh: KHANG NINH

;
;
.
.
Liên kết hữu ích
Ghé muasim.vn mua sim số đẹp kho sim lớn nhất việt nam
.
.
.