Xuất khẩu cuối năm khởi sắc

.

Sau những tháng đầu năm có dấu hiệu chững lại, hoạt động xuất khẩu trên địa bàn thành phố trong quý 3 đã khởi sắc, tạo tín hiệu đáng mừng cho doanh nghiệp sản xuất các tháng cuối năm 2019.

Kim ngạch xuất khẩu của thành phố, nhất là ở các ngành chủ lực có nhiều kết quả khởi sắc qua 9 tháng đầu năm 2019. (Ảnh chụp tại Công ty CP Dệt may 29-3).
Kim ngạch xuất khẩu của thành phố, nhất là ở các ngành chủ lực có nhiều kết quả khởi sắc qua 9 tháng đầu năm 2019. (Ảnh chụp tại Công ty CP Dệt may 29-3).

Nhiều doanh nghiệp tăng trưởng cao

Tại Công ty CP Cao su Đà Nẵng (DRC), quý 3-2019 đánh dấu những chuyển biến tích cực cả về doanh thu và lợi nhuận khi hoạt động xuất khẩu của đơn vị đã có nhiều khởi sắc so với những tháng trước.

Xuất khẩu cao su thành phẩm sang các thị trường chính của công ty như Brazil, Mỹ, Malaysia, Ấn Độ tăng trưởng tốt. Theo báo cáo tài chính của DRC, quý 3-2019, doanh thu thuần của công ty đạt hơn 970 tỷ đồng, tăng 9% so với cùng kỳ năm trước.

Lợi nhuận gộp trong quý 3 cũng tăng mạnh, ghi nhận sự tăng trưởng hơn 49% so với cùng kỳ năm 2018, tương ứng với hơn 162 tỷ đồng. Lũy kế 9 tháng đầu năm, doanh thu của DRC đạt hơn 2.890 tỷ đồng, tăng hơn 13% so với cùng kỳ năm 2018; lợi nhuận tăng mạnh với hơn 26%.

Trong khi đó, ngành thủy sản cũng ghi nhận những kết quả khả quan trong quý 3, qua đó góp phần tạo ra những tín hiệu tích cực cho những tháng cuối năm 2019.

Ông Trần Văn Lĩnh, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thủy sản và Thương mại Thuận Phước cho biết, lũy kế 9 tháng đầu năm, sản lượng xuất khẩu của công ty vượt 14 - 15%, doanh thu ngoại tệ đạt 99,6% so với cùng kỳ năm 2018.

Theo ông Trần Văn Lĩnh, 3 tháng cuối năm, với các dịp lễ, Tết như Noel, Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán 2020, nhu cầu tiêu thụ mặt hàng thủy sản sẽ tăng mạnh nên công ty đã tăng tốc nhằm bù đắp lại cho những tháng đầu năm.

Dự đoán đến cuối năm nay, kim ngạch xuất khẩu của công ty sẽ tăng 12 - 20%, sản lượng tiêu thụ vượt 10 - 12% và doanh thu tăng từ 4 - 5% so với kết quả đạt được trong năm 2018.

Ông Nguyễn Xuân Sơn, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất, chế biến, kinh doanh xuất nhập khẩu Hương Quế cho biết, kết quả hoạt động kinh doanh quý 3 của công ty khả quan khi đơn hàng và sản phẩm xuất khẩu tăng tới gần 20% so với quý 2.

“Lượng đơn hàng nhiều nên chúng tôi đã phải từ chối bớt một số đơn hàng vì nếu nhận có thể không bảo đảm được tiến độ giao hàng như cam kết. Với tình hình sản xuất khá lạc quan như hiện nay, chúng tôi tin tưởng sẽ kết thúc năm 2019 với 1,35 triệu sản phẩm được xuất ra thị trường, tăng khoảng 15% so với năm 2018.

Bên cạnh đó, nhiều đối tác đang xúc tiến đơn hàng cho năm 2020, dự báo trong năm tới sẽ còn tăng trưởng mạnh hơn với nhiều đơn hàng xuất khẩu”, ông Sơn chia sẻ.

Chuyển biến tích cực

Theo khảo sát điều tra xu hướng kinh doanh các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong quý 3-2019 của Cục Thống kê Đà Nẵng, có tới 46,05% doanh nghiệp đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh quý 3 tốt hơn quý 2; 31,58% số doanh nghiệp cho rằng tình hình sản xuất kinh doanh ổn định, 75% các doanh nghiệp được khảo sát bày tỏ sự lạc quan về tình hình sản xuất kinh doanh quý 4 sẽ ổn định và tốt hơn so với quý 3-2019.

Phân tích kỹ về nguyên nhân hoạt động xuất khẩu, nhất là các ngành chủ lực có chuyển biến tích cực trong quý 3, ông Nguyễn Hà Bắc, Phó Giám đốc phụ trách Sở Công thương thành phố cho biết, do những tác động tích cực từ hiệu ứng của các hiệp định thương mại tự do mang lại như Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) có hiệu lực vào cuối năm nay hoặc đầu năm 2020 với những cơ hội lớn, góp phần kích thích doanh nghiệp đẩy mạnh hoạt động sản xuất kinh doanh.

Kim ngạch xuất khẩu của thành phố, nhất là ở các ngành chủ lực có nhiều kết quả khởi sắc qua 9 tháng đầu năm 2019. (Ảnh chụp tại Công ty CP Dệt may 29-3).
Kim ngạch xuất khẩu của thành phố, nhất là ở các ngành chủ lực có nhiều kết quả khởi sắc qua 9 tháng đầu năm 2019. (Ảnh chụp tại Công ty CP Dệt may 29-3).

Trong đó, ngành dệt may đang đứng trước cơ hội và triển vọng phát triển, mở rộng thị trường xuất khẩu, các đơn vị hiện duy trì mức tăng trưởng ổn định. Đối với ngành thủy sản, cuối tháng 8 vừa qua, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) vừa công bố kết quả cuối cùng của đợt rà soát hành chính lần thứ 13 (POR 13) về thuế chống bán phá giá tôm Việt Nam vào Mỹ, theo đó, 31 doanh nghiệp của Việt Nam sẽ được hưởng mức thuế 0% (Đà Nẵng có 2 doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản lớn là Công ty CP Thủy sản và Thương mại Thuận Phước, Xí nghiệp Đông lạnh 32).

Động thái này đã tác động tích cực đến tình hình xuất khẩu thủy sản cả nước nói chung, Đà Nẵng nói riêng trong quý 3 cũng như thời gian tới.

Bên cạnh đó, giá tôm nguyên liệu và giá tôm xuất khẩu có chiều hướng tăng. Nhu cầu thị trường (nhất là các thị trường nhập khẩu truyền thống) đã sôi động hơn cũng là yếu tố giúp hoạt động xuất khẩu tôm tăng trưởng tích cực. Việc Mỹ áp thuế lên lốp xe và các sản phẩm làm từ cao su của Trung Quốc cũng góp phần làm cho sản phẩm cao su của Công ty CP Cao su Đà Nẵng xuất khẩu thuận lợi sang các thị trường cạnh tranh với Trung Quốc.

Từ nay đến cuối năm, các doanh nghiệp tập trung cho mùa vụ sản xuất quan trọng. Tuy nhiên, các ngành xuất khẩu chủ lực của thành phố cũng phải đối mặt với những khó khăn như: thiếu lao động (nhất là các ngành sử dụng nhiều lao động như may mặc, gia công lắp ráp và các ngành có yêu cầu sử dụng lao động kỹ thuật cao như cơ khí, điện, hóa chất); thiếu mặt bằng sản xuất; thiếu vốn, khó tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi; chịu ảnh hưởng của cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung Quốc…

Ông Trần Văn Lĩnh, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thủy sản và Thương mại Thuận Phước cho biết, điều khiến đơn vị lo lắng nhất hiện nay đó là tình trạng khan hiếm nguồn nguyên liệu cũng như khó tuyển được số lượng lao động lớn (khoảng 500-700 người).

Trong khi đó, diễn biến khó lường từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung cũng khiến Trung Quốc, thị trường lớn của ngành thủy sản nước ta từ chỗ thu mua tiểu ngạch với số lượng lớn thì nay có chính sách chuyển sang thu mua theo đường chính ngạch với những quy định ngặt nghèo về kỹ thuật như xuất xứ hàng hóa, vùng nuôi trồng nguyên liệu... gây trở ngại cho nhiều mặt hàng xuất khẩu của nước ta, trong đó có thủy sản.

Tương tự, ông Nguyễn Hữu Vinh, Trưởng phòng Kinh doanh xuất nhập khẩu của Công ty CP Dệt may 29-3 cũng bày tỏ lo ngại khi nguồn cung lao động trên địa bàn thành phố, nhất là vào thời điểm cuối năm đang ngày càng khan hiếm, gây ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất kinh doanh của đơn vị trong thời điểm cuối năm này.

Theo Sở Công thương thành phố, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của thành phố tháng 9-2019 ước đạt 150 triệu USD, lũy kế 9 tháng ước đạt 1.286 triệu USD, tăng 6% so với cùng kỳ năm 2018. Trong đó, lũy kế 9 tháng đầu năm, khối doanh nghiệp trong nước ước đạt 687 triệu USD, tăng 4,5% so với cùng kỳ năm 2018; doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài ước đạt 699 triệu USD, tăng 7,3% so với cùng kỳ năm 2018.

Các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của thành phố có chuyển biến tích cực, cụ thể: kim ngạch xuất khẩu dệt may ước đạt 312,5 triệu USD, tăng khoảng 6,3% so với cùng kỳ năm 2018; kim ngạch xuất khẩu thủy sản ước đạt 145 triệu USD, tăng khoảng 5%; động cơ, thiết bị điện và sản phẩm điện tử ước đạt 404 triệu USD, tăng khoảng 7,2%; thủ công mỹ nghệ và sản phẩm gỗ ước đạt 12,8 triệu USD, tăng 8%; đồ chơi trẻ em ước đạt 58 triệu USD, tăng 3,8%... Đặc biệt, xuất khẩu cao su thành phẩm ước đạt 51,5 triệu USD, tăng khoảng 25% so với cùng kỳ năm 2018.

Bài và ảnh: KHÁNH HÒA

;
;
.
.
.
.
.