Tại hội thảo lấy ý kiến phương án quy hoạch cảng biển trên địa bàn Đà Nẵng diễn ra vào chiều 7-11, các đại biểu cho rằng, cần có những đánh giá chi tiết về đất đai, chi phí, môi trường… để lựa chọn phương án quy hoạch phát triển cảng phù hợp.
Đà Nẵng đánh giá toàn diện quy hoạch phát triển cảng biển để lựa chọn phương án phù hợp. Trong ảnh: Một góc quận Liên Chiểu nhìn từ trên cao. Ảnh: ĐẮC MẠNH |
Tham dự hội thảo có đại diện Bộ Giao thông vận tải, Cục Hàng hải Việt Nam, lãnh đạo các sở, ban, ngành liên quan và các chuyên gia đến từ các hiệp hội, tổ chức trong và ngoài nước. Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Đặng Việt Dũng chủ trì hội thảo.
Hội thảo tập trung chủ yếu vào vấn đề Đà Nẵng nên phát triển cảng Liên Chiểu, hay chỉ mở rộng cảng Tiên Sa. Việc xây dựng cảng Liên Chiểu phục vụ vận tải hàng hóa vốn được xem là một dự án hạ tầng tạo động lực cho vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, được Bộ Chính trị đưa vào Nghị quyết 43-NQ/TW về xây dựng và phát triển Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Dự án cũng đã được Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Tiếp đó, Bộ Kế hoạch - Đầu tư cũng đã có kế hoạch đưa dự án này vào trung hạn, giai đoạn 2021-2025.
Tuy nhiên, qua triển khai nhiệm vụ điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, công ty Surbana Jurong (Singapore) - đơn vị tư vấn quy hoạch đề xuất không nên phát triển cảng Liên Chiểu, thay vào đó là mở rộng cảng Tiên Sa.
Tại buổi hội thảo, đại diện Công ty Surbana Jurong phân tích, cảng Tiên Sa hiện là một trong những cảng có vị trí thuận lợi nhất trong khu vực do được núi Sơn Trà bao bọc và chắn gió. Cảng này hiện có diện tích nhỏ, song theo đơn vị tư vấn, vẫn hoàn toàn có thể được mở rộng bằng cách giải tỏa, khơi thông âu thuyền Thọ Quang.
Đối với bài toán bảo đảm an toàn giao thông, tránh quá tải vận chuyển hàng hóa từ cảng Tiên Sa qua trung tâm quận Sơn Trà và quận Ngũ Hành Sơn, Surbana Jurong đề nghị xây dựng tuyến đường sắt và đường bộ trên cao dọc theo tuyến Điện Biên Phủ - Đống Đa - Vân Đồn và Nguyễn Tri Phương - Nguyễn Hữu Thọ, kết nối trực tiếp cảng và sân bay với đường cao tốc và đường sắt mà không làm ảnh hưởng giao thông thành phố. Cách tiếp cận quy hoạch này được triển khai thực hiện hiệu quả ở Singapore và Hồng Kông (Trung Quốc).
Theo đơn vị tư vấn, sau khi được mở rộng, cảng Tiên Sa sẽ trở thành cảng chính cho cả logistics và du lịch, với chiều dài cầu tàu là 5.800m cho cả du thuyền và tàu thủy.
Trong khi đó, việc xây dựng cảng Liên Chiểu bị Surbana Jurong đánh giá là dễ làm ô nhiễm môi trường. “Nếu làm cảng Liên Chiểu, sẽ có 2 kênh dẫn sâu cắt ngang vịnh Đà Nẵng, môi trường ở khu vực này sẽ không thể giữ được như cũ”, đại diện đơn vị tư vấn nói.
Theo ông Nguyễn Minh Khang, Giám đốc Công ty CP tư vấn Cảng- Đường thủy TEDIPORT, cảng Đà Nẵng là cảng tổng hợp quốc gia đầu mối khu vực loại 1, được Chính phủ quy hoạch trở thành cảng cửa ngõ quốc tế ở khu vực miền Trung loại 1A.
Vào thời điểm xây dựng cảng Tiên Sa, kích cỡ của tàu vẫn còn hạn chế nên cảng này không được xây đủ độ sâu. Ông Khang nói: “Nếu chọn phương án đề xuất của Surbana Jurong là mở rộng cảng Tiên Sa, cần xem xét 3 vấn đề: phải nạo vét vào phía trong đất liền với khối lượng lớn (-16m); tính toán lại cỡ cầu tàu để phù hợp với tàu cỡ lớn; nếu làm tuyến đường trên cao thì vẫn còn áp lực trên giao thông nội đô, bởi vẫn còn những điểm lên xuống, những nút xung đột”.
Đồng ý với nhận định của ông Khang, ông Lê Tấn Đạt, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Tư vấn xây dựng công trình hàng hải cho rằng, cảng biển Đà Nẵng là cảng tổng hợp của cả nước, là đầu mối khu vực, cửa ngõ miền Trung; do đó, phải hoạch định quy mô phát triển cảng cho phù hợp. Ông Đạt nói: “Trong báo cáo của nhà tư vấn chưa thấy đề cập đến kế hoạch mở rộng quỹ đất”.
Ông Nguyễn Minh Quý, Công ty Tư vấn Cảng Nhật Bản (JPC) cho rằng, để lựa chọn nên xây dựng cảng Liên Chiểu hay mở rộng cảng Tiên Sa, cần phải so sánh chi phí đầu tư, vòng đời dự án... Bên cạnh đó, ông Quý chỉ ra, vào mùa mưa, cảng Tiên Sa phải chịu tình trạng bùn loãng nhiều, lượng sa bồi lớn. Để nâng cấp cảng lên đáp ứng tàu trọng lượng 100.000 tấn sẽ phải tốn khoản chi phí khổng lồ.
Đà Nẵng đánh giá toàn diện quy hoạch phát triển cảng biển để lựa chọn phương án phù hợp. Trong ảnh: Một góc cảng Tiên Sa, Đà Nẵng. (Ảnh tư liệu) |
Ông Nguyễn Hữu Sia, nguyên Tổng Giám đốc Công ty CP Cảng Đà Nẵng cho rằng, cảng Tiên Sa được xây dựng từ năm 1965, đến nay có thể coi như “đã hoàn thành sứ mạng, vòng đời của mình”. Theo ông Sia, muốn phát triển kinh tế, phải có cơ sở logistics.
Phát biểu kết luận hội thảo, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Đặng Việt Dũng khẳng định, cảng Đà Nẵng là một cụm cảng, là cửa ngõ mang tính quốc tế. Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Đặng Việt Dũng đề nghị nếu nhà tư vấn tiếp tục đề xuất chỉ mở rộng cảng Tiên Sa, cần bổ sung thêm các dữ liệu, cơ sở, giải trình để thuyết phục người dân và các chuyên gia.
Việc phát triển cảng ảnh hưởng mạnh mẽ đến phát triển kinh tế khu vực, cấu trúc đô thị, mạng lưới giao thông; vì vậy cần đánh giá toàn diện để đưa việc phát triển cảng vào quy hoạch chung. Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Đặng Việt Dũng nhấn mạnh, mục tiêu của là tạo động lực kinh tế mới cho Đà Nẵng, dù dùng bất cứ giải pháp nào, xây dựng cảng như thế nào, thì cũng phải đạt được mục tiêu này.
KHANG NINH