Khách du lịch tàu biển vẫn là một trong những thị trường tiềm năng của ngành du lịch Đà Nẵng. Do thời gian dừng tại điểm đến không nhiều nên các chương trình, sản phẩm tour phải được xây dựng phù hợp với thị hiếu của khách.
Năm nay, một số tàu biển đã khai thác dịch vụ lưu trú qua đêm tại các khách sạn trên địa bàn thành phố thay vì lưu trú trên tàu như trước kia. Điều này đã mang đến những tín hiệu vui, góp phần làm gia tăng giá trị dịch vụ từ dòng khách này.
Thị trường khách tàu biển đến từ châu Âu, Mỹ đang có sự gia tăng, vì thế cần có những sản phẩm phù hợp với thị hiếu của dòng khách này. |
Trong 9 tháng năm 2019, lượng khách du lịch tàu biển đến Đà Nẵng khoảng 82.930 lượt, giảm 8,2% so với cùng kỳ năm 2018 (năm 2018, Đà Nẵng đón 90.331 lượt khách; trong đó khách Trung Quốc khoảng 79.087 lượt, khách từ các thị trường châu Âu khoảng 11.244 lượt).
Các đơn vị đón 56 chuyến tàu, giảm 18 chuyến so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, lượng khách từ thị trường Trung Quốc, Hong Kong khoảng 57.892 lượt, chiếm 70% trong tổng lượng khách. Thị trường khách châu Âu, Mỹ khoảng 25.038 lượt, chiếm 30% trong tổng lượng khách.
Lượng khách tuy giảm nhưng có thể thấy, khách từ các thị trường châu Âu, Mỹ có sự tăng trưởng đột biến. Điều này cho thấy, các đơn vị lữ hành quốc tế đón khách tàu biển đã chú trọng mở rộng thị trường, khai thác thị trường Âu, Mỹ, là nguồn khách có chi tiêu cao, nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch.
Theo đại diện các đơn vị lữ hành chuyên khai thác khách tàu biển như Saigontourist, Pacific Legend, Destination Asia, Khang Huy Holiday…, các đơn vị đều đã chủ động xây dựng nhiều chương trình du lịch hấp dẫn để các đối tác chào bán cho khách hàng.
Bên cạnh đó, để thay đổi, làm mới dịch vụ, sản phẩm cho dòng khách tàu biển, một số đơn vị như: Công ty TNHH MTV Du lịch Khang Huy Holiday Việt Nam có khai thác tàu biển lưu trú qua đêm tại các khách sạn, cơ sở lưu trú trên địa bàn thành phố.
Theo ông Lý Đắc Nam, Giám đốc Công ty TNHH MTV Du lịch Khang Huy Holiday Việt Nam, thông thường các tàu biển cập tại cảng Tiên Sa sẽ lưu tại đây từ 8 đến 12 giờ để du khách có thể đi tham quan, mua sắm trước khi tiếp tục hải trình mới.
Việc khách lưu trú qua đêm sẽ tăng thời gian lưu tại điểm đến và có thêm thời gian vui chơi, mua sắm, khám phá. Từ tháng 9-2019 đến hết tháng 2-2020, cứ 4 ngày, tàu Chinese Taishan do công ty khai thác lại có một chuyến lưu lại qua đêm tại Đà Nẵng.
Công ty cũng đang có kế hoạch phục vụ du khách các sản phẩm trải nghiệm về đêm tại Đà Nẵng để tăng chi tiêu như: du ngoạn, ăn uống trên sông Hàn, xem các chương trình nghệ thuật Charming Danang hoặc chương trình của Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh…
Đồng quan điểm, ông Hồ Mai Linh, Giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ Du lịch Pacific Legend cho rằng, với khách chọn lưu trú qua đêm tại các khách sạn của thành phố, chi phí, giá tour sẽ cao hơn.
Theo đánh giá chung của ông Linh, số lượng tàu biển cập cảng Tiên Sa năm nay không nhiều bằng những năm trước nhưng những tàu lớn với lượng khách đông thì nhiều hơn trước. Xu hướng chung của các hãng tàu biển lớn là đầu tư những con tàu lớn từ 2.000 - 3.000 khách, thậm chí có những tàu lên tới 5.000 khách trở lên.
Tuy nhiên, những tàu từ 5.000 khách trở lên thường chọn cập cảng Chân Mây (Thừa Thiên Huế) do cầu cảng dài, thuận lợi cho việc lên xuống của khách. Còn những tàu từ 3.000 đến 4.000 khách trở lại thường chọn cập cảng Tiên Sa.
“Một trong những điều khiến những đơn vị khai thác khách tàu biển “đau đầu” là năm nào các hãng tàu biển cũng yêu cầu phải có các tour mới, sản phẩm mới nhưng thực tế việc xây dựng một sản phẩm tour mới cho khách tàu biển rất khó.
Điểm đến phải có sản phẩm mới bổ sung thì các hãng lữ hành mới có thể xây dựng được, chưa kể sản phẩm đó phải phù hợp với thị hiếu của thị trường khách này”, ông Linh bày tỏ.
Cần có thêm các sản phẩm dịch vụ, vui chơi giải trí để kích thích chi tiêu, mua sắm của dòng khách tàu biển. |
Tính toán sơ bộ của một số đơn vị khai thác khách tàu biển, trung bình mỗi khách tàu biển có mức chi tiêu dao động 100 - 150 USD/khách, điều quan trọng là nếu khách qua đêm trên bờ thì phải làm sao để du khách chi tiêu nhiều hơn nữa. Vì thế, ông Hồ Mai Linh gợi ý, bên cạnh các điểm đến tham quan, cái cần nhất với khách tàu biển chính là các điểm vui chơi giải trí, mua sắm, ăn uống, các khu phức hợp... để du khách có chỗ “tiêu tiền”.
Phó Giám đốc Sở Du lịch Nguyễn Xuân Bình cho hay, thành phố cũng đã chú trọng đầu tư phát triển các điểm tham quan, mua sắm giải trí như: Bảo tàng Điêu khắc Chăm, Bảo tàng Đà Nẵng, khu du lịch thắng cảnh Ngũ Hành Sơn, làng đá mỹ nghệ Non Nước, khu du lịch Bà Nà Hills, các bãi tắm công cộng, sân golf, các điểm mua sắm (chợ Hàn, siêu thị Big C, Lotte Mart...), làng quê cổ Phong Nam,...
Đặc biệt, các chương trình biểu diễn nghệ thuật như Charming Danang, Áo dài Story; các hoạt động vui chơi, giải trí thể thao biển..., góp phần đa dạng hóa sản phẩm, dịch vụ du lịch để du khách có thể lựa chọn; đồng thời tăng cường quảng bá các sản phẩm này đến các thị trường khách tàu biển.
Bên cạnh đó, Sở Du lịch cũng bố trí các quầy thông tin du lịch đón khách tàu biển bằng xe trung chuyển từ cảng Tiên Sa đến trước Nhà hát Trưng Vương, đáp ứng cơ bản nhu cầu thông tin và trợ giúp cho du khách khi tham quan khu vực trung tâm thành phố. Sở cũng phối hợp với các đơn vị liên quan bảo đảm an ninh trật tự, chống đeo bám, chèo kéo khách, giữ gìn hình ảnh điểm đến thành phố Đà Nẵng.
Mùa khách du lịch tàu biển Đà Nẵng thường kéo dài từ tháng 9 năm này tới tháng 4 năm sau và khách chủ yếu đến từ các thị trường Trung Quốc, Hong Kong. Theo thống kê của Sở Du lịch thành phố, khách tàu biển 10 tháng năm 2019 đạt 94.023 lượt, tương đương cùng kỳ 2018. Mùa tàu biển năm 2019, Đà Nẵng dự kiến sẽ đón 101 chuyến tàu với khoảng gần 130.000 lượt khách, tăng 13% về số lượng khách và tăng 8 chuyến tàu so với mùa tàu biển năm trước. |
Bài và ảnh: NHẬT HẠ