Học từ thất bại

.

“Vị ngon đặc sản Việt” từng là một dự án khởi nghiệp tâm huyết của doanh nhân trẻ Nguyễn Minh Hoàng. Song dự án này đã thất bại sau khoảng vài tháng hoạt động, để lại nhiều bài học quý cho người sáng lập và những nhà khởi nghiệp khác.

Câu chuyện của những startup chưa thành công trở thành bài học quý cho các nhà khởi nghiệp. Trong ảnh: Những người sáng lập các doanh nghiệp khởi nghiệp chia sẻ kinh nghiệm tại một buổi giao lưu ở Vườn ươm Doanh nghiệp Đà Nẵng.
Câu chuyện của những startup chưa thành công trở thành bài học quý cho các nhà khởi nghiệp. Trong ảnh: Những người sáng lập các doanh nghiệp khởi nghiệp chia sẻ kinh nghiệm tại một buổi giao lưu ở Vườn ươm Doanh nghiệp Đà Nẵng.

Thuộc thế hệ 7x, anh Nguyễn Minh Hoàng là một nhân vật được nhiều người biết đến trong lĩnh vực du lịch, hàng không và bất động sản ở Đà Nẵng. Sau khi tốt nghiệp ngành Quản trị kinh doanh ở Trường Đại học Kinh tế (ĐH Đà Nẵng), anh có 15 năm làm việc tại Hãng hàng không Việt Nam Airlines và trải qua nhiều vị trí từ nhân viên đến quản lý cấp trung. Anh cũng từng tham gia giảng dạy tại Trường Cao đẳng Thương mại và một số trường đại học, cao đẳng khác tại Đà Nẵng.

Với bề dày kinh nghiệm và kiến thức, năm 2009, anh được tuyển làm giám đốc đào tạo tại một khu nghỉ dưỡng trên địa bàn thành phố, rồi sau đó là Giám đốc Công ty CP Phát triển và chăm sóc nhà. Anh chia sẻ: “Sau nhiều năm làm thuê, đến một lúc tôi khao khát làm điều gì đó của riêng mình. Với số vốn tài chính và kiến thức đã tích luỹ cùng mạng lưới quan hệ rộng được xây dựng qua bao năm, tôi từng tự tin rằng nếu khởi nghiệp, mình ắt thành công”.

Năm 2017 đánh dấu bước ngoặt trong sự nghiệp của anh Hoàng. Anh nghỉ việc làm thuê và bắt đầu xây dựng dự án khởi nghiệp “Vị ngon đặc sản Việt”. Vốn là người hay đi đây đi đó, anh Hoàng thường trăn trở về những món quà đặc sản ở quê hương mình.  “Hồi đó tôi đi dạo các chợ ở Đà Nẵng, thấy những món mực rim, cá bò tẩm... đặc sản được bày bán theo kiểu truyền thống. Khi có khách mua thì người bán bỏ vào bao nilon nên nếu khách du lịch muốn mang về nhà tặng sẽ rất bất tiện. Do vậy, tôi quyết tâm tạo dựng một thương hiệu đặc sản không chỉ ngon mà còn đẹp, quảng bá được nét văn hóa của quê hương nhưng cũng thật hiện đại”.

Với ý nghĩa dự án như vậy, cộng thêm kinh nghiệm thương trường của anh Hoàng, “Vị ngon đặc sản Việt” được chọn là 1 trong các dự án tham gia chương trình ươm tạo khóa đầu tiên của Vườn ươm Doanh nghiệp Đà Nẵng.

Vậy nhưng chỉ sau vài tháng, dự án đã không thể tiếp tục tồn tại bởi không kêu gọi được vốn. Anh Hoàng nhớ lại, ngay từ đầu, anh định làm một cửa hàng nhỏ ngay vùng “rốn” khách du lịch tại Hội An - nơi có nhiều khách vãng lai và có cơ hội bán lẻ tốt. Song được một thời gian ngắn, anh lại muốn phát triển dự án thành chuỗi để tạo ấn tượng thương hiệu cho khách hàng, nhanh chóng mở rộng quy mô thị trường. “Những người từng hứa rót vốn cho tôi không thích phương án ấy. Quả thực, làm chuỗi tốn rất nhiều tiền, nhất là chi phí mặt bằng. Hơn nữa, vào thời điểm đó, tôi chưa làm thành công ở một tiệm thì không ai dám tin rằng tôi có thể thành công với mô hình chuỗi. Tôi đã tiêu hết toàn bộ số vốn dành dụm ban đầu của mình và không thể gọi thêm nhà đầu tư, vậy là thất bại”, anh Hoàng tâm sự.

Không muốn “đứa con tinh thần” của mình “chết yểu”, anh Hoàng xoay xở bằng cách đưa sản phẩm vào các cửa hàng đặc sản nhưng cái khó mới xuất hiện. Nhiều cửa hàng chỉ chú trọng giá cả, tiền “hoa hồng” chia cho người lái xe hay hướng dẫn viên du lịch... thay vì chất lượng và tính thẩm mỹ của sản phẩm. Đến lúc này, “Vị ngon đặc sản Việt” buộc phải dừng hoạt động.

Hai năm sau ngày “đóng cửa” startup đầu tay, anh Hoàng cho biết anh đã nhận được nhiều bài học quý. Anh bảo: “Trước khi khởi nghiệp, tôi được xem là một người thành công trong công việc, có thu nhập cao, điều kiện sống thoải mái. Tôi cũng từng là nhà quản lý doanh nghiệp, chủ tịch hiệp hội doanh nhân... Chính những điều này khiến tôi bị… “ảo tưởng sức mạnh”, có phần chủ quan. Đi làm thuê - dù ở vị trí giám đốc - thành công, không có nghĩa là sẽ khởi nghiệp thành công.   Bên cạnh đó, khi khởi nghiệp, tôi phải đánh đổi nhiều thứ, đặc biệt là thời gian cho gia đình và nguồn thu nhập vốn ổn định. Tôi cũng đã phân tâm trong giai đoạn đó”.

Anh Hoàng chia sẻ, con đường anh chọn khi khởi nghiệp với “Vị ngon đặc sản Việt” chưa chính xác, đặc biệt ở khâu định vị khách hàng. “Tôi đã đặt tham vọng quá lớn mà không chia nhỏ ra để thực hiện. Muốn phát triển dự án hoành tráng, tốn nhiều tiền nhưng lại chưa thể chứng minh được với nhà đầu tư thông qua con số cụ thể. Tôi rút ra rằng, nếu chưa thành công ở những điều nhỏ thì khoan làm những điều lớn”, anh Hoàng nói.

Hiện anh Hoàng đã quay lại con đường sự nghiệp trước khi startup của mình với vị trí Giám đốc Công ty TNHH Bất động sản Blue Star (thuộc Tập đoàn Vàng bạc đá quý DOJI). Tuy vậy, anh vẫn ấp ủ ước mơ khởi nghiệp khi đã tích lũy thêm kinh nghiệm, kiến thức và mối quan hệ. Anh bảo, chính những bài học từ “Vị ngon đặc sản Việt” đã dạy cho anh biết cẩn trọng và cũng giúp anh tiếp tục nuôi dưỡng khát vọng của mình.

Chị Lê Mỹ Nga, Giám đốc Công ty TNHH Hermes Management và là đại diện Công ty CP Quản lý đầu tư khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam (ICM) tại miền Trung chia sẻ kinh nghiệm, 3 yếu tố quan trọng nhất mà các nhà khởi nghiệp cần làm rõ khi kêu gọi vốn là công nghệ (yếu tố tạo ra lợi thế cạnh tranh của startup, khiến đối thủ khó bắt chước), quản trị (thể hiện khả năng thực thi ý tưởng) và chiến lược (thể hiện khả năng sử dụng vốn hợp lý).

Theo chị Nga, để tăng tính thuyết phục đối với các nhà đầu tư, những người sáng lập dự án nên tự bỏ ra chi phí tài chính ban đầu để tạo ra những sản phẩm, dịch vụ có thể kiếm được tiền đủ để “tự nuôi” nó. Việc gọi vốn sẽ nhằm mục đích đẩy mạnh tốc độ phát triển, mở rộng thị trường. Chị Nga “bật mí” thêm, nên chọn nhà đầu tư trong lĩnh vực khởi nghiệp của mình, đồng thời phải tìm hiểu “khẩu vị” của họ kỹ.

“Đừng ngại tiếp cận những “ông lớn” như Grab, Zalo… nếu thấy phù hợp. Đối với các nhà đầu tư, việc đầu tư vào các startup có thể trở thành kênh sinh lợi khổng lồ khi startup phát triển. Nếu cần thiết, họ cũng có thể đầu tư vào con người, chiến lược để dự án đi lên nhanh nhất” - chị Nga nói.

Bài và ảnh: PHONG LAN
 

;
;
.
.
.
.
.