Nhiều câu chuyện sinh viên dù học giỏi nhưng ra trường không đáp ứng yêu cầu tuyển dụng, tiếp tục đặt ra yêu cầu về sự liên kết giữa cơ sở đào tạo và doanh nghiệp, đòi hỏi thiện chí từ cả hai phía.
Trường Cao đẳng Hoa Sen giới thiệu ngành pha chế thức uống tại Ngày hội việc làm. |
Vừa lấy chứng chỉ nghề về bartender, cũng là lúc hãng cà-phê danh tiếng Starbucks thông báo tuyển dụng nhân viên cho tiệm cà-phê đầu tiên tại Đà Nẵng, không suy nghĩ nhiều, Huỳnh Thị Th. (trú quận Sơn Trà) nộp đơn ngay và tin chắc sẽ được tuyển dụng vì hồ sơ xin việc khá “nặng ký” của mình.
Tuy nhiên, Th. đã bị loại ngay vòng đầu tiên, vì không trả lời được câu hỏi “Bạn có chấp nhận làm việc luân phiên các vị trí ở quán?”...
Bây giờ thì Th. đã có việc làm khá ổn định ở một khách sạn trên địa bàn thành phố. Cô tâm sự: “Với bằng đại học Kinh tế loại giỏi, cộng với chứng chỉ nghề bartender loại giỏi, tôi nghĩ việc có một chân làm việc ở quán cà-phê là... đương nhiên. Tuy nhiên, tôi đã nhầm khi bản thân mới ôm một mớ lý thuyết và cũng chưa nghiên cứu kỹ triết lý kinh doanh của một hãng tên tuổi trên thế giới như Starbucks”.
Lê Thị Khánh Ch. (trú phường Hải Châu 1, quận Hải Châu) cũng để vuột mất cơ hội trong lần phỏng vấn tìm việc đầu tiên bởi lúng túng với câu hỏi xử lý tình huống phía tuyển dụng đưa ra.
Chia sẻ về vấn đề này, Ch. cho biết, một trong những nguyên nhân có lẽ là do ở trường nơi cô từng học thường chỉ tập trung dạy lý thuyết, nhưng thực hành và xử lý một tình huống cụ thể thì hoàn toàn không có. Vì vậy những sinh viên, học viên vừa ra trường, non kinh nghiệm như cô rất lúng túng khi gặp phải những vấn đề cụ thể.
Câu chuyện các ứng viên đi xin việc bị loại ngay từ vòng đầu tiên là khá phổ biến, với đủ tình huống gần như không có trong giáo trình giảng dạy ở nhà trường. Yêu cầu liên kết giữa cơ sở đào tạo và doanh nghiệp là không mới nhưng không thể không đặt ra.
Theo PGS. TS. Phan Cao Thọ, Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật (Đại học Đà Nẵng), với yêu cầu trên, cả bên đào tạo lẫn các doanh nghiệp đã nhìn thấy từ lâu và có khá nhiều nỗ lực phối hợp, tuy nhiên kết quả đưa lại chưa đáp ứng hết yêu cầu thực tế.
PGS. TS. Thọ cho biết, riêng trong năm 2019, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật tổ chức các hội thảo với sự tham gia của gần 100 doanh nghiệp; qua đó, đã ký kết được nhiều hợp đồng liên kết cho phép sinh viên của trường đến các doanh nghiệp thực tập.
“Đây thực sự là những phòng thí nghiệm, cơ sở thực hành tốt nhất mà trường không thể có được. Và dĩ nhiên, cái lợi cho phía doanh nghiệp là không tốn công sức trong việc đào tạo lại người lao động”, thầy Thọ nhìn nhận.
Đồng quan điểm, PGS.TS. Nguyễn Hồng Hải, Trưởng phòng Đào tạo Trường Đại học Bách khoa (Đại học Đà Nẵng) chia sẻ: “So với các trường ở khu vực miền Trung và Tây Nguyên, trường chúng tôi có hệ thống phòng thí nghiệm-thực hành khá hoàn chỉnh; trong đó, một số phòng thí nghiệm được trang bị khá hiện đại. Tuy nhiên, chừng đó vẫn chưa đủ phục vụ công tác học tập, nghiên cứu thực hành của sinh viên.
Chính vì vậy, trường rất chú trọng việc liên kết với các doanh nghiệp để sinh viên nghiên cứu thực hành; đặc biệt đối với một số lĩnh vực như xây dựng, thiết kế... bởi không chỉ sinh viên, ngay cả đội ngũ giảng viên cũng cần kiến thức thực tế. Đến nay, trường đã hợp tác với khoảng 200 doanh nghiệp để gửi sinh viên đến thực tập trong quá trình học”, PGS. TS. Nguyễn Hồng Hải cho biết.
Tuy nhiên, một số ý kiến chúng tôi ghi nhận được từ phía đào tạo lại cho rằng, việc gửi sinh viên đến các doanh nghiệp chưa bao giờ là thuận lợi, vì phía các doanh nghiệp luôn tiếp nhận một cách... nhỏ giọt và kèm theo đó là yêu cầu “hỗ trợ kinh phí đào tạo”. Một số trường nghề kỹ thuật còn cho rằng, một số doanh nghiệp sợ lộ công nghệ, thiết bị nên không cho sinh viên tiếp cận...
Tại các hội thảo về đào tạo nghề do Sở LĐ-TB&XH thành phố tổ chức thời gian qua, đã có nhiều ý kiến kêu gọi doanh nghiệp cần bắt tay với nhà trường ngay từ khâu soạn giáo trình để chương trình học-thực hành được liên tục và không bị vênh với thực tế. Tuy nhiên, theo đại diện của Sở LĐ-TB&XH thì đây là vấn đề vượt tầm của địa phương nên rất cần cái bắt tay từ cấp cao hơn.
Bài và ảnh: THANH VÂN