Quy hoạch Đà Nẵng thành đô thị thông minh, hiện đại, bền vững

.

Tại Hội thảo phản biện điều chỉnh quy hoạch chung Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 ngày 8-11, các đại biểu cho rằng thành phố cần hướng đến mô hình phát triển bền vững, liên kết chặt chẽ với các địa phương lân cận để thành hạt nhân phát triển kinh tế vùng.

Các đại biểu cho rằng Đà Nẵng nên đánh giá quỹ đất ở khu vực đô thị hiện hữu để xây dựng các “đô thị nén”, thay vì dàn trải vùng đô thị vì sẽ làm lãng phí tài nguyên. TRONG ẢNH: Trục đường Hàm Nghi.
Các đại biểu cho rằng Đà Nẵng nên đánh giá quỹ đất ở khu vực đô thị hiện hữu để xây dựng các “đô thị nén”, thay vì dàn trải vùng đô thị vì sẽ làm lãng phí tài nguyên. TRONG ẢNH: Trục đường Hàm Nghi.

Tham dự hội thảo có Phó Vụ trưởng Vụ Địa phương - Ban Kinh tế Trung ương Bùi Quang Trung, đại diện các Bộ, lãnh đạo một số địa phương lân cận cùng hơn 20 chuyên gia trong và ngoài nước. Về phía thành phố, Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Nho Trung, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Đặng Việt Dũng tham dự hội thảo.

Theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Đặng Việt Dũng, hội thảo lần này nhằm rà soát, xem lại nội dung nào trong đề án quy hoạch cần được khẳng định, nội dung nào cần tiếp tục tranh luận, làm cơ sở để UBND thành phố thông qua HĐND trình Chính phủ. Đây là quy hoạch đặc biệt quan trọng, có ý nghĩa quyết định trong giai đoạn phát triển mới của Đà Nẵng trở thành đô thị hiện đại, thông minh, bền vững mang tầm cỡ khu vực.  

Đối với lĩnh vực kinh tế, Đà Nẵng đã thống nhất cơ cấu 4 trụ cột gồm du lịch, công nghiệp công nghệ cao, logistics và kinh tế biển. Theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Đặng Việt Dũng, trọng tâm phát triển này tương đối phù hợp với điều kiện Đà Nẵng.

Về tốc độ tăng trưởng bình quân GRDP giai đoạn 2021 - 2030, cần phấn đấu đạt mức tăng trưởng cao theo tinh thần Nghị quyết 43-NQ/TW của Bộ Chính trị (GRDP đến 2030 là 12%, thu nhập bình quân đầu người đạt 8.700 USD/năm). Nghị quyết 43-NQ/TW đặt mục tiêu Đà Nẵng trở thành hạt nhân, trung tâm kinh tế - xã hội lớn, đầu mối giao thông và nút quan trọng trong mạng lưới sản xuất và logistics cả nước, kết nối tổng thể với các địa phương lân cận.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Đặng Việt Dũng đề nghị đơn vị tư vấn cần khẳng định mục tiêu này để có các phương án quy hoạch phù hợp. Bên cạnh đó, cần thống nhất tốc độ tăng trưởng dân số dự kiến (theo đơn vị tư vấn là 2,2%/năm, trong khi theo nhiều ý kiến khác là 2,45%/năm), bởi con số này đóng vai trò quan trọng để xác định tốc độ phát triển kinh tế, chỉ tiêu GRDP, mật độ dân cư, cấu trúc đô thị...

Về vấn đề cấu trúc đô thị, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Đặng Việt Dũng đề nghị đơn vị tư vấn gắn kết ngành du lịch vào vành đai phát triển kinh tế ven biển, gắn nông nghiệp công nghệ cao vào vành đai phát triển kinh tế phía tây.

Về vấn đề hạ tầng, thống nhất chủ trương phát triển và khai thác tối đa sân bay Đà Nẵng hiện nay, đồng thời nghiên cứu mô hình đô thị sân bay trong các giai đoạn tiếp theo. Song song với đó, thống nhất phương án chuyển đường sắt sát đường cao tốc để tận dụng hành lang, hạn chế chia cắt đô thị. Đối với cảng biển, Phó Chủ tịch đề nghị đơn vị tư vấn tập trung xây dựng quy hoạch xoay quanh tầm quan trọng của Cảng Đà Nẵng, có cơ sở đầy đủ để lựa chọn phương án đầu tư các cảng Liên Chiểu, Tiên Sa. Ngoài ra, cần xác định mô hình giao thông của Đà Nẵng trong tương lai là gì, đặc biệt là nêu thêm các thông tin về giao thông ngầm nội đô.

Tại hội thảo, ông Maysho Prashad (Công ty thiết kế, kiến trúc Callison RTKM - Mỹ) cho rằng quy hoạch kinh tế của Đà Nẵng không nên bỏ qua những người làm kinh tế nhỏ lẻ như ngưòi làm tiểu thủ công nghiệp, tiểu thương ở các chợ truyền thống, các hàng quán hộ gia đình... mà nên xem xét ở tầm chiến lược.

Ngoài ra, ông Prashad gợi ý Đà Nẵng bổ sung các cụm du lịch dọc bờ sông như vùng du lịch sinh thái ven sông Cu Đê, vừa thúc đẩy tăng trưởng, vừa nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân trong khu vực.

Ông Prashad nói: “Đà Nẵng hãy có những quyết định táo bạo hơn. Ví dụ như đối với cảng, đừng nghĩ nó phải là một khu tách biệt, nếu quy hoạch đúng, nó vẫn có thể hoà với cảnh quan thành phố như cảng Sydney (Úc). Hoặc khu vực sân bay, Đà Nẵng có thể làm thêm các không gian xanh, có vùng đệm mềm giữa khu vực sân bay và các dải đô thị xung quanh.”

Ông Shigeru Matsumura (Công ty Nikken Sekkei - Nhật Bản) cho rằng Đà Nẵng cần hết sức cẩn trọng khi phát triển đô thị ở những vùng nhạy cảm về môi trường sinh thái, giữ lại càng nhiều không gian xanh càng tốt. Bên cạnh đó, đô thị hóa phải cân bằng với phát triển hạ tầng giao thông, cấp thoát nước, xử lý chất thải…

Còn ông Olivier Soquet (Công ty tư vấn DESO - Pháp) cho rằng: “Nếu Đà Nẵng muốn hướng tới một thành phố có bản sắc thì phải giữ gìn “câu chuyện riêng” của mình. Với vai trò là nhà tư vấn quy hoạch đô thị và là du khách tại Đà Nẵng, tôi nhận thấy sông Hàn chính là linh hồn của thành phố này. Nếu điều chỉnh lại cảnh quan 2 bên sông thì sẽ rất thu hút.”

Xây dựng “đô thị nén” thay vì dàn trải

PGS.TS Trần Trọng Hanh (Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam) chỉ ra, trong số 5 thành phố trực thuộc Trung ương, quy mô kinh tế của Đà Nẵng (tính trong năm 2018) là nhỏ nhất. Để đạt mục tiêu tốc độ tăng bình quân GRDP 12%/năm theo Nghị quyết 43, phải có những nỗ lực lớn thông qua các đột phá chiến lược và đổi mới mô hình kinh tế để tăng trưởng nhanh, bền vững.

Theo ông Hanh, cần đánh giá quỹ đất ở đô thị hiện hữu để tái khai thác, tránh rơi vào xu hướng đô thị hóa dàn trải, lãng phí, làm mất khả năng phát triển nông nghiệp kỹ thuật cao. Ông Hanh nói: “Giải pháp “đô thị nén” cần được ưu tiên hàng đầu, bởi nó giúp tránh lãng phí tài nguyên, tiết kiệm thời gian đi lại cho người dân...

Tuy nhiên phải chỉ rõ “nén” ở vùng nào để tránh gây ra xáo trộn, áp lực về hạ tầng. Ngoài ra, nên hướng đến xây dựng đô thị tuần hoàn, kiểm soát chặt chẽ việc bảo vệ nguồn nước và các lưu vực sông Cu Đê, sông Hàn.”

Các đại biểu nhấn mạnh, quy hoạch Đà Nẵng phải được đặt vào bối cảnh liên vùng. KTS Ngô Viết Nam Sơn, Chủ tịch Công ty NgoViet Architects & Planner cho rằng, Đà Nẵng nên có hợp tác kết nối vùng thay cho tư duy quy hoạch theo địa giới hành chính. Ông nói: Ông nói: “Đà Nẵng có thể xây dựng mô hình đô thị đôi cùng với Huế để tương hỗ, trở thành hạt nhân vùng kinh tế trọng điểm miền Trung. Chẳng hạn đối với cảng biển, Đà Nẵng không phải chỉ có 2 lựa chọn là Tiên Sa hay Liên Chiểu, mà còn có thể liên kết với cảng Chân Mây (Thừa Thiên Huế) vốn là cảng lớn và còn nhiều tiềm năng, khoảng cách từ cảng này đến Đà Nẵng cũng không xa. Hay như đối với sân bay, có thể liên kết với Phú Bài (Thừa Thiên Huế), Chu Lai (Quảng Ngãi) để trở thành trung tâm logistics khu vực.”

Trong khi đó, KTS Nguyễn Tấn Vạn, Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam cho rằng nên khôi phục sông Cổ Cò, kết nối Đà Nẵng với Hội An. Theo ông Vạn, Đà Nẵng có những nét của một đô thị trẻ hiện đại, còn Hội An thì cổ kính và có bề dày lịch sử, văn hóa. Sự hòa hợp của 2 nét đẹp này rất thu hút du khách. Còn KTS Tô Kiên thì (Công ty tư vấn phát triển hạ tầng EJEC - Nhật Bản) đề nghị, Đà Nẵng cần tăng cường liên kết và tận dụng mạng lưới thành phố thông minh ASEAN. Đây là điều mà báo cáo của đơn vị tư vấn (công ty Surbana Jurong- Singapore) chưa đề cập đến.

Các đại biểu trao đổi bên lề hội thảo.
Các đại biểu trao đổi bên lề hội thảo.

Phát biểu kết luận hội thảo, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Đặng Việt Dũng đề nghị đơn vị tư vấn tiếp thu, sàng lọc các ý kiến đóng góp để đưa vào báo cáo. Nhằm giúp đề án bảo đảm tính khả thi và đáp ứng được những kỳ vọng của người dân đà nẵng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Đặng Việt Dũng cho biết cần bám theo Quyết định 147/QĐ-TTg ngày 1-2-2019 của Thủ tướng Chính phủ về điều chỉnh quy hoạch chung của Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Trong quá trình xây dựng đề án, Bộ Xây dựng sẽ đồng hành với thành phố để cùng tham gia, điều chỉnh, giúp việc phê duyệt về sau được thực hiện nhanh nhất có thể.  

Theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Đặng Việt Dũng, đơn vị tư vấn cần tiếp tục tiếp tục đánh giá về mối quan hệ, vị thế, tầm ảnh hưởng của Đà Nẵng đối với vùng lân cận, việc phát triển của Đà Nẵng sẽ tác động đến vùng như thế nào và ngược lại. Bên cạnh đó, phải đánh giá về phát triển không gian. So với quy hoạch chung Đà Nẵng năm 2013, thành phố đã làm được gì và chưa làm được gì, tại sao…

Ngoài ra, cần có đánh giá về hạ tầng xã hội, xây dựng các chỉ tiêu phát triển đô thị, quy mô dân số, chỉ tiêu cấp điện - nước, sử dụng đất, phát triển trong bối cảnh biến đổi khí hậu... Theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Đặng Việt Dũng, các đề xuất của đơn vị tư vấn cần có thêm tính định lượng chứ không chỉ định tính, phải xác định được nguồn lực cho các chương trình phát triển.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Đặng Việt Dũng cho biết, trong tháng 12, UBND thành phố sẽ trình đề án để HĐND thành phố thông qua, đến tháng 1-2020 sẽ trình lên Trung ương. Trong thời gian ngắn sắp tới, thành phố sẽ cùng đơn vị tư vấn hoàn tất các thành phần hồ sơ để chứng minh các cơ sở pháp lý, khoa học, thực tiễn của đề án.

Bài và ảnh: KHANG NINH

;
;
.
.
.
.
.