Ngày 1-11, tại Đà Nẵng diễn ra Ngày hội Khởi nghiệp sáng tạo Đà Nẵng - SURF 2019 với chủ đề “Phát huy nguồn lực địa phương, phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo”. Đây được xem là sự kiện khởi nghiệp lớn nhất trong năm 2019 được tổ chức ở Đà Nẵng, với sự tham dự của hơn 2.000 đại biểu là các doanh nghiệp khởi nghiệp, các nhà cố vấn, nhà đầu tư, diễn giả về khởi nghiệp... trong nước và quốc tế.
Các dự án khởi nghiệp giới thiệu sản phẩm đến nhà đầu tư và người tiêu dùng tại SURF 2019. |
Phát biểu khai mạc SURF 2019, Phó Chủ tịch UBND thành phố Lê Trung Chinh cho biết, dù tầm vóc, quy mô khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của Đà Nẵng vẫn còn một khoảng cách nhất định so với Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, nhưng khát vọng, niềm tin của người dân và sự cam kết của chính quyền thành phố về phát triển khởi nghiệp chưa bao giờ lan tỏa mạnh mẽ như hiện nay.
Theo Phó Chủ tịch Lê Trung Chinh, Nghị quyết 43-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa XII) về xây dựng và phát triển Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn 2045 đặt cho Đà Nẵng nhiệm vụ trở thành một trong những trung tâm kinh tế-xã hội lớn của cả nước và Đông Nam Á với vai trò là trung tâm về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Để làm được điều này, Đà Nẵng cần có những bước đi đột phá.
Trong phiên thảo luận chủ đề “Sandbox - Nơi của những điều có thể”, ông Nguyễn Hòa Bình, Chủ tịch Tập đoàn NextTech nói: “Không thể có khởi nghiệp đổi mới sáng tạo đột phá nếu cứ dùng các hành lang pháp lý truyền thống”. Trên thực tế, nhiều khía cạnh của khởi nghiệp vẫn chưa được đề cập trong luật pháp hiện hành của Việt Nam, điển hình như quỹ đầu tư mạo hiểm, cơ chế thu hút nhân lực khởi nghiệp…
TS Trần Du Lịch, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ và là người phụ trách nhóm đề án “Xây dựng Đà Nẵng thành trung tâm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (ĐMST) quốc gia tại miền Trung” cho hay, trở ngại lớn nhất trong phát triển khởi nghiệp hiện nay chính là tư duy “phải có khuôn khổ pháp lý trước rồi mới làm”. Trong khi đó, việc đổi mới, sáng tạo thuộc về tư duy, không nên bị hạn chế bởi các bộ máy hành chính. TS Trần Du Lịch nói: “Đà Nẵng nên trở thành một “vùng thí điểm”, hay một “sandbox” để áp dụng các chính sách mới.
Trong tiếng Anh, “sandbox” có nghĩa đen là cái hộp cát, mục đích chính là giữ cát trong hộp để khi chúng ta chơi sẽ không làm dây cát ra những chỗ khác. Chính phủ Singapore cũng dùng phương pháp sandbox này để “nhốt” những hạt cát – những doanh nghiệp khởi nghiệp với những sản phẩm, giải pháp, công nghệ hoàn toàn mới trong một khung thử nghiệm, với một chính sách ngắn hạn và đột phá dành riêng trong khuôn khổ này, trong thời gian và không gian và đối tượng áp dụng cụ thể. Những sandbox này là tiền đề cho các nhà làm chính sách có thể nghiên cứu, thử nghiệm và điều chỉnh dần chính sách cho phù hợp với sự phát triển mới. Đây là điều mà chúng tôi muốn Đà Nẵng hướng tới”.
Các đại biểu nhận định, Đà Nẵng đã từng có nhiều bước đi tiên phong để xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp từ con số 0, như việc thành lập Hội đồng Điều phối mạng lưới khởi nghiệp, xây dựng Vườn ươm Doanh nghiệp theo hình thức PPP (hợp tác công-tư, duy nhất trong cả nước), thành lập quỹ đầu tư mạo hiểm Flying Fish (đầu tiên của khu vực miền Trung - Tây Nguyên)... Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Văn Tùng cho rằng, Đà Nẵng đã và đang là một sandbox của khởi nghiệp trong khu vực. Trên thực tế, một số bài học từ Đà Nẵng đã được chuyển tải vào chính sách chung để hỗ trợ khởi nghiệp của Bộ Khoa học và Công nghệ.
Thứ trưởng Trần Văn Tùng nói: “Chúng ta không kỳ vọng Đà Nẵng có thể giải quyết toàn bộ các chính sách cần thiết cho khởi nghiệp. Ở thành phố Hồ Chí Minh hay Hà Nội cũng xuất hiện những vấn đề của riêng họ, Đà Nẵng có thể dựa vào những thử nghiệm chính sách của các thành phố đó để rút ra bài học rồi áp dụng cho mình. Bộ Khoa học và Công nghệ kỳ vọng Đà Nẵng sẽ có những chính sách đột phá để phát triển khởi nghiệp của thành phố, rồi đóng góp một phần vào sự phát triển khởi nghiệp ĐMST của cả nước”.
Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Văn Tùng tham quan các gian hàng triển lãm tại SURF 2019. |
Ngày hội SURF 2019 cũng là dịp chia sẻ các bài học khởi nghiệp. Ông Nguyễn Hòa Bình (thường được biết đến với tên gọi “Shark” Bình) chia sẻ với các startup những cách để tránh thất bại khi khởi nghiệp. Theo ông Bình, nguyên nhân thất bại phổ biến nhất của các startup là tạo ra những sản phẩm mà thị trường không cần, đi kèm với sự thiếu vốn, sai người, bị cạnh tranh khốc liệt, tiếp thị kém... Bên cạnh đó, startup cũng dễ thất bại khi... cô đơn, tức không có người cố vấn, khích lệ và đặc biệt là phản biện.
Để tránh khởi nghiệp thất bại, theo ông Bình, quan trọng nhất là các startup phải tập hợp đồng bộ các phương thức kinh doanh phù hợp với năng lực đặc thù của doanh nghiệp, có thể đem lại tăng trưởng và sinh lời. Đó có thể là một công thức đúng về sản phẩm, giá cả, cách tiếp cận thị trường, một đội ngũ phù hợp. Điều này phải do doanh nghiệp tự phát triển từ trải nghiệm thực tế. Tiếp đó, startup phải có một hệ sinh thái gồm các sản phẩm dịch vụ liên thông tương hỗ, mạng lưới khách hàng đủ lớn và cơ sở hạ tầng sẵn có (để tiết kiệm chi phí).
Được xem là “cha đẻ” của trò chơi Angry Birds nổi tiếng, tỷ phú người Phần Lan Peter Vesterbacka chia sẻ bài học: “Ở Phần Lan, chúng tôi thường đùa rằng chúng tôi là người có thể đi trên nước dễ dàng. Thoạt nghe qua thì tưởng khó, nhưng Phần Lan có mùa đông lạnh giá, lúc đó mặt nước đóng băng nên ai cũng có thể đi được trên nước”. Ông Vesterbacka cho rằng, khởi nghiệp cũng tương tự như đi trên nước, một khi đã tìm ra cách thì không khó.
Đà Nẵng đang xúc tiến xây dựng khu làm việc và đào tạo khởi nghiệp của thành phố trên diện tích gần 2.000m2 lồng ghép với việc thiết kế xây dựng Trung tâm Khởi nghiệp sáng tạo quốc gia tại Đà Nẵng. Đây là các cơ sở nhằm ươm tạo, đào tạo, tư vấn hoàn thiện ý tưởng, công nghệ và khu làm việc chung cho các startup. Bên cạnh đó, thành phố cũng nghiên cứu xây dựng, ban hành các chính sách để hỗ trợ hoạt động khởi nghiệp, đặc biệt là Đề án xây dựng Đà Nẵng thành Trung tâm Khởi nghiệp sáng tạo quốc gia tại khu vực miền Trung và Tây Nguyên theo tinh thần Nghị quyết 43-NQ/TW của Bộ Chính trị. (Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Đà Nẵng Trần Văn Hoàng). |
Kết quả cuộc thi thuyết trình gọi vốn (pitching competition) tại SURF 2019, giải nhất chung cuộc thuộc về dự án MultiGlass (kính thông minh giúp người mù sử dụng thiết bị điện tử). Dự án này nhận được 50 triệu đồng tiền mặt cùng các ưu đãi sử dụng không gian làm việc chung và dịch vụ trên nền tảng điện toán đám mây của Amazon. Giải nhì thuộc về dự án Advosights (giải pháp marketing), giải ba thuộc về dự án BotStar (giải pháp tạo chatbot - phần mềm trò chuyện tự động cho doanh nghiệp). |
Bài và ảnh: KHANG NINH