Tìm giải pháp thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghiệp giấy Đông Nam Á

.

ĐNO - Sáng 1-11, tại thành phố Đà Nẵng, diễn ra hội nghị ngành công nghiệp giấy và bột giấy Đông Nam Á lần thứ 34. 

Hội nghị đưa ra nhiều giải pháp nhằm thúc đẩy phát triển ngành giấy và bột giấy trong thời gian tới.
Hội nghị đưa ra nhiều giải pháp nhằm thúc đẩy phát triển ngành giấy và bột giấy khu vực Đông Nam Á và châu Á trong thời gian tới.

Tham dự sự kiện có khoảng 250 đại biểu đến từ các Hiệp hội Giấy và Bột giấy Đông Nam Á và châu Á như Nhật Bản, Trung Quốc, Myanmar, Indonesia, Philippines, Thái Lan, Hàn Quốc, Malaysia, Việt Nam và nhiều chuyên gia, đối tác của ngành công nghiệp này. 

Đây là sự kiện lớn, được tổ chức thường niên và luân phiên tại mỗi quốc gia thành viên nhằm thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghiệp giấy Đông Nam Á và các quốc gia châu Á.

Tại hội nghị, các đơn vị thành viên của Hiệp hội Giấy Đông Nam Á đã thông tin về tình hình phát triển ngành công nghiệp giấy của mỗi nước; cùng chia sẻ kinh nghiệm sản xuất, kinh doanh; đồng thời, nghe các chuyên gia đầu ngành trao đổi về xu hướng sản xuất, tiêu thụ cũng như đề xuất các khuyến nghị cho quá trình phát triển của ngành giấy.

Bên cạnh đó, các đại biểu chỉ ra những vấn đề mà ngành giấy đang gặp phải, đó là sự chênh lệch về nguồn cung-cầu nguyên liệu thô, tiết kiệm năng lượng, bảo đảm môi trường trong sản xuất...

Theo báo cáo của Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam, hiện Việt Nam là quốc gia có quy mô và năng lực ngành giấy và bột giấy lớn hàng đầu trong khu vực Đông Nam Á. Giai đoạn 2016 – 2019, ngành giấy có sự tăng trưởng mạnh và khá đồng đều ở các các mặt, cụ thể: năng lực sản xuất giấy và carton tăng trưởng bình quân 31%/năm; sản xuất các loại giấy và carton tăng 25,7%/năm; tiêu dùng tăng 12,3%/năm; xuất khẩu tăng 65,1%/năm; nhập khẩu tăng 3,1%/năm.

Tăng trưởng năng lực sản xuất chủ yếu là giấy bao bì, trong đó các doanh nghiệp FDI chiếm khoảng 70%; tăng trưởng sản xuất cũng chủ yếu từ giấy bao bì, tiếp theo là giấy in-viết và giấy tissue; xuất khẩu chủ yếu từ giấy bao bì và 1 phần giấy tissue; bao bì tráng, giấy in-viết có tráng phủ, giấy photocopy cao cấp, các loại giấy đặc biệt chiếm tỷ trọng lớn trong nhập khẩu. Tuy nhiên, sản xuất bột giấy mới chỉ đáp ứng được 35% nhu cầu trong nước, trong khi đó nhập khẩu bột giấy vẫn cao, chiếm tỷ trọng lên đến 65%.

Theo dự báo của Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam, trong 5-10 năm tới, nhu cầu tiêu dùng các loại giấy sẽ tăng 8-10%/năm, đặc biệt giấy bao bì có thể tăng tới 15-18%/năm. Năm 2019, dự kiến tổng sản lượng của ngành giấy Việt Nam ước đạt khoảng trên 5 triệu tấn, trong đó 85% là giấy đóng gói.

Tin và ảnh: KHÁNH HÒA

;
;
.
.
Liên kết hữu ích
.
.
.