Thị trường lao động: Thiếu trước, hụt sau

.

Thị trường lao động Đà Nẵng đang thiếu hụt nghiêm trọng nguồn cung, nhất là  lao động chất lượng cao, đòi hỏi những giải pháp kịp thời.

Chỉ sau hơn 1 tuần ra thông báo tuyển dụng lao động, Công ty Yachy Clup Lounge & Compass Sky Bar đã tuyển dụng đủ trên 150 lao động cho 21 vị trí việc làm từ phục vụ, bếp, an ninh, chăm sóc khách hàng đến bộ phận kỹ thuật. Đây được xem là hiện tượng “lạ” hiện nay ở Đà Nẵng, khi mà các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp lớn, đang rơi vào tình thế không tuyển đủ lao động.

Thợ ô-tô là một trong những nhóm ngành nghề đang có nhu cầu tuyển dụng nhiều hiện nay và dự báo là bùng nổ trong tương lai gần.
Thợ ô-tô là một trong những nhóm ngành nghề đang có nhu cầu tuyển dụng nhiều hiện nay và dự báo là bùng nổ trong tương lai gần.

Tuy nhiên, ý kiến của những người có kinh nghiệm, sở dĩ công ty trên nhanh chóng tuyển đủ chỉ tiêu lao động là do đơn vị chủ yếu tuyển các vị trí việc làm phổ thông. Tuy nhiên, không phải tuyển đủ là xong, bởi, ngay cả lao động phổ thông cũng liên tục nhảy việc.

Thường thì từ vị trí lao động bình thường, sau khi được cất nhắc lên tổ trưởng, quản lý một kíp trực thì những nguời này lại bị đơn vị khác lôi kéo và dĩ nhiên lựa chọn nơi làm việc có mức lương cao hơn.

Mới đây, tại tọa đàm “Sinh viên và doanh nghiệp” do Trường Cao đẳng nghề Đà Nẵng phối hợp với  Khu công nghệ cao và các Khu công nghiệp Đà nẵng tổ chức, cũng đã phát đi tín hiệu về việc thiếu hụt nghiêm trọng nguồn nhân lực có tay nghề.

Theo ông Phạm Trường Sơn, Trưởng Ban quản lý Khu công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng, chỉ riêng 6 khu công nghiệp và 1 khu công nghệ cao đang thu hút trên 77.000 lao động, chiếm 14,1% lao động thành phố, nhưng hầu hết các doanh nghiệp đều chung cảnh tuyển dụng không đủ lao động theo nhu cầu.

Tính đến tháng 6-2019, ở các khu công nghiệp, công nghệ cao vẫn đang thiếu hơn 5.000 lao động ở nhóm ngành nghề là lắp ráp điện tử, cơ khí, gò hàn, may mặc... Đây là nhóm ngành nghề phải qua đào tạo bài bản ít nhất từ 6 tháng đến 2 năm, vì vậy, khi doanh nghiệp có nhu cầu cũng không thể tuyển dụng ngay.

Không chỉ thiếu hụt lao động phổ thông, lao động có tay nghề, nguồn cung ứng lao động có tay nghề cao càng thiếu nghiêm trọng. Chính vì vậy mà hơn 2 năm qua, Trường Đại học Bách khoa (Đại học Đà Nẵng) liên tiếp nhận được đơn đặt hàng đào tạo từ các doanh nghiệp lớn đến từ nhiều quốc gia trên thế giới.

Mới đây, Tập đoàn Universal Alloy Corporation (UAC) Hoa Kỳ-chuyên sản xuất linh kiện hàng không vũ trụ đã ký kết với Trường Đại học Bách khoa về chương trình đào tạo theo đơn đặt hàng và sau đó “bao tiêu” sinh viên ra trường.

Theo đại diện của UAC, dự kiến cuối tháng 12-2019 hoặc chậm hơn là tháng 1-2020, nhà máy sẽ đi vào sản xuất những sản phẩm đầu tiên. Tuy nhiên, đến nay tập đoàn mới tuyển dụng được 200/2.000 kỹ sư, công nhân bậc cao.

Hiện nhà máy phải chạy đua với thời gian vì đơn đặt hàng của nhà máy đã ký đến năm 2030. Trong khi đó, gần 60 doanh nghiệp Nhật Bản đang hoạt động tại thành phố cũng đã có những bước đi chủ động nhằm “đối phó” với tình trạng thiếu hụt nguồn lao động chất lượng cao.

Ngoài việc tiến hành ký kết tiếp nhận sinh viên các trường nghề đến thực tập, để rút ngắn thời gian học nghề, một số doanh nghiệp chủ động bắt tay với trường nghề xây dựng giáo trình đào tạo.

Nhiều doanh nghiệp chấp nhận phương án đào tạo lại bằng cách gửi người lao động qua Nhật làm việc để rút ngắn thời gian. Mặc dù vậy, hầu hết cũng cho biết là gặp khó khăn trong việc tuyển đủ số lượng cũng như chất lượng cho các vị trí việc làm.

Dự báo về thị trường lao động tại Đà Nẵng của Sở Lao động-Thương binh và Xã hội thành phố cho thấy, các doanh nghiệp trên địa bàn đang thiếu hụt về nguồn lao động, đặc biệt là lao động có tay nghề cao.

Theo đó, đến năm 2025 thành phố cần tuyển dụng thêm 250.000 vị trí việc làm; trong đó, riêng lĩnh vực du lịch đã cần đến 160.000 vị trí; đến năm 2030  cần đến 300.000 vị trí việc làm mới; trong đó, riêng ngành du lịch cần khoảng 70.000 vị trí.

Bên cạnh lĩnh vực du lịch thì công nghệ thông tin, công nghiệp-xây dựng, cơ khí... cũng rất “khát” lao động. Hiện thành phố có 64 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, bao gồm 20 trường cao đẳng, 6 trường trung cấp, 11 trung tâm và 27 cơ sở khác đào tạo 260 ngành nghề khác nhau, với quy mô đào tạo trên 52.000 học viên mỗi năm.

Trong 5 năm qua, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp này đã đào tạo được 123.823 học viên, nhờ vậy đã nâng số lao động qua đào tạo từ 49,15% của năm 2017 lên 53% vào năm 2019. Đây là con số phản ánh khá rõ nét sự nỗ lực của thành phố trong công tác đào tạo nghề cho người lao động.

Tuy nhiên, việc vẫn còn 47% lao động chưa qua đào tạo cũng đặt ra bài toán khá nan giải cho thành phố trong việc đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của doanh nghiệp. Đó là chưa tính đến việc hàng năm có hàng chục ngàn học sinh cuối cấp THCS và cấp THPT học nghề cũng được tính luôn vào số người được đào tạo nghề của thành phố.

Tuy nhiên, với thời gian học chỉ một vài  tháng và nặng về lý thuyết nên gần như nhóm người này không thể tham gia ngay vào thị trường lao động mà phải cần tiếp tục qua đào tạo hoặc đào tạo lại sau khi được tiếp nhận vào làm việc.

Ngoài ra, còn một số lao động không nhỏ vốn là người ở các địa phương khác, sau khi được đào tạo nghề sẽ trở về quê hương để làm việc khiến số lao động được đào tạo thực sự tham gia vào thị trường lao động ở thành phố đã thiếu lại càng thiếu.

Theo Đề án điều chỉnh, bổ sung Quy hoạch phát triển các khu công nghiệp thành phố Đà Nẵng đến năm 2025, thành phố sẽ có thêm 3 khu công nghiệp nữa ra đời, thu hút khoảng 70.000 lao động. Nếu ngay bây giờ, thành phố không đẩy mạnh công tác đào tạo nghề thì tình trạng nguồn lao động vẫn bị “thiếu trước, hụt sau” là thực trạng không thể tránh khỏi.

Bài và ảnh: THANH VÂN

;
;
.
.
.
.
.