Phó Thủ tướng lưu ý: “Nhiệm vụ của năm 2020 là rất nặng nề, đòi hỏi sự nỗ lực, quyết tâm cao, đồng thời với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, doanh nghiệp và nhân dân cả nước."
Sáng 30-12, tại Hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương, thay mặt Chính phủ, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đã trình bày Báo cáo tóm tắt tình hình kinh tế-xã hội năm 2019.
Phó Thủ tướng nêu rõ nhờ sự vào cuộc quyết liệt của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân đã hoàn thành toàn diện các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội năm 2019, là năm thứ hai liên tiếp đạt và vượt toàn bộ 12 chỉ tiêu chủ yếu, trong đó bảy chỉ tiêu vượt kế hoạch.
Sau 50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, “cơ đồ đất nước ta chưa bao giờ có được như ngày hôm nay” - như lời Tổng Bí thư, Chủ Tịch nước đã phát biểu, góp phần quan trọng tạo sự phấn khởi, củng cố niềm tin của các tầng lớp nhân dân trong toàn xã hội và cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư trong nước, quốc tế.
Thủy sản là một trong các mặt hàng xuất khẩu tăng trưởng mạnh nhất của Việt Nam trong những năm đổi mới. (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN) |
Tăng trưởng kinh tế cao hàng đầu khu vực
Chính phủ đã thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế đồng thời với nâng cao chất lượng tăng trưởng. Kinh tế vĩ mô ổn định vững chắc hơn. Tốc độ tăng GDP cả năm đạt 7,02%, vượt mục tiêu của Quốc hội đề ra, thuộc nhóm các nước tăng trưởng cao hàng đầu khu vực và thế giới. Mô hình tăng trưởng chuyển dịch tích cực, giảm dần phụ thuộc vào khai khoáng và tăng tín dụng; đóng góp của khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo ngày càng tăng.
Chỉ số giá tiêu dùng được kiểm soát tốt, CPI bình quân năm 2019 tăng 2,79%, thấp hơn mục tiêu đề ra (là mức tăng bình quân năm thấp nhất trong ba năm qua). Thị trường tài chính, tiền tệ và tỷ giá được điều hành chủ động, linh hoạt; dự trữ ngoại hối khoảng 79 tỷ USD.
Tổng thu ngân sách nhà nước ước đạt trên 1.400 nghìn tỷ đồng; tỷ trọng chi đầu tư phát triển tăng, đạt 26,6%. Bội chi ngân sách nhà nước khoảng 3,44% GDP; nợ công giảm còn 56,1% GDP. Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội đạt 33,9% GDP; tỷ trọng đầu tư của khu vực ngoài nhà nước tăng lên 46%.
Đặc biệt, trong bối cảnh thương mại toàn cầu suy giảm, xuất nhập khẩu vẫn tăng, đạt mức kỷ lục 517 tỷ USD; xuất khẩu tăng 8,1%, trong đó xuất khẩu của khu vực kinh tế trong nước tăng mạnh; xuất siêu năm thứ tư liên tiếp và đạt 9,9 tỷ USD.
Bên cạnh đó, cơ cấu lại nền kinh tế thực chất hơn; các ngành, lĩnh vực chủ yếu vẫn phát triển ổn định, tích cực trong bối cảnh khó khăn. Sản xuất công nghiệp tăng mạnh; bảo đảm an ninh năng lượng; phát triển mạnh nguồn điện năng lượng tái tạo. Cơ cấu lại các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu đạt kết quả tích cực. Môi trường kinh doanh tiếp tục được cải thiện; tập trung đơn giản hóa, cắt giảm thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh, cải cách hoạt động kiểm tra chuyên ngành, tiết giảm chi phí, hỗ trợ tiếp cận thị trường và các nguồn lực...
Quang cảnh phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ gian lận thi cử tại Hà Giang sáng 14-10. (Ảnh chụp màn hình. Nguyễn Chiến/TTXVN) |
Xét xử nghiêm minh gian lận thi cử
Các lĩnh vực văn hóa, xã hội được chú trọng, cơ bản gắn kết hài hòa với phát triển kinh tế; chất lượng cuộc sống của nhân dân tiếp tục được cải thiện rõ rệt. Tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều giảm 1-1,5% (còn khoảng 3,73-4,23%); thành tích giảm nghèo của Việt Nam tiếp tục là một điểm sáng, được cộng đồng quốc tế đánh giá cao. Cơ cấu lao động tiếp tục chuyển dịch tích cực; tạo thêm 1,62 triệu việc làm; mở rộng bao phủ bảo hiểm xã hội lên 32,5%.
Chất lượng dịch vụ y tế tiếp tục được nâng lên; tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế đạt 89,3%, vượt mục tiêu đề ra. Chất lượng giáo dục đào tạo và dạy nghề được nâng lên; xếp hạng giáo dục đại học tăng 12 bậc (từ hạng 80 lên 68). Các địa phương tổ chức nghiêm túc kỳ thi trung học phổ thông quốc gia và xét tuyển đại học, cao đẳng; điều tra, truy tố, xét xử nghiêm minh gian lận thi cử đồng thời quan tâm thực hiện công tác giáo dục, đào tạo cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa.
Các bộ, ngành, địa phương đã tổ chức trang trọng, ý nghĩa các hoạt động kỷ niệm 50 năm thực hiện Di chúc thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh; chú trọng các cuộc vận động, phong trào toàn dân xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh và đời sống văn hoá. Thể dục, thể thao được chú trọng; thể thao thành tích cao đạt nhiều kết quả tích cực, ấn tượng (đứng thứ hai trong bảng tổng sắp huy chương tại Seagames 30 với 98 huy chương vàng)...
Vụ MobiFone mua AVG: Bị cáo Nguyễn Bắc Son (sinh năm 1953, cựu Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông) nghe Viện kiểm sát đề nghị mức án tại phiên tòa. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN) |
Quyết liệt phòng chống tham nhũng
Đáng chú ý, công tác xây dựng thể chế, cải cách hành chính được đẩy mạnh; phòng, chống tham nhũng, lãng phí được triển khai quyết liệt. Kỳ họp thứ 7 và thứ 8 của Quốc hội đã thông qua 18 Luật, Bộ Luật và 27 Nghị quyết là cơ sở pháp lý quan trọng tiếp tục góp phần tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng-an ninh, hội nhập quốc tế.
Năm 2019, quốc phòng, an ninh được tăng cường; trật tự an toàn xã hội được giữ vững; các hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế được đẩy mạnh. Chính phủ, các bộ, ngành quyết liệt đấu tranh phòng, chống các loại tội phạm; triệt phá nhiều vụ án ma túy, đánh bạc lớn. Tai nạn giao thông giảm trên cả ba tiêu chí.
Các hoạt động đối ngoại của lãnh đạo Đảng, Nhà nước và nhiều hội nghị, sự kiện quốc tế lớn được tổ chức tốt. Vị thế và uy tín của Việt Nam tiếp tục được khẳng định và giành được sự ủng hộ, đánh giá cao của cộng đồng quốc tế. Việt Nam đã trúng cử Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc với số phiếu gần như tuyệt đối; tiếp nhận vai trò Chủ tịch ASEAN năm 2020...
Bám sát thực tiễn, hành động quyết liệt
Phó Thủ tướng Thường trực cho rằng, bên cạnh kết quả đạt được, đất nước ta vẫn còn những hạn chế, yếu kém và tiếp tục gặp những khó khăn, thách thức. Kinh tế vĩ mô ổn định nhưng một số yếu tố chưa thực sự vững chắc. Tiến độ thực hiện, giải ngân vốn đầu tư công chậm. Đời sống của một bộ phận dân cư còn khó khăn, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng bị thiên tai. Ô nhiễm môi trường nhiều nơi vẫn diễn biến phức tạp, đặc biệt là ô nhiễm không khí tại một số thành phố.
Ngoài ra, công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật còn bất cập; thực thi pháp luật nhiều nơi chưa nghiêm. Cải cách thủ tục hành chính một số lĩnh vực chưa thực chất. Tình hình trật tự an toàn xã hội, tội phạm trên một số địa bàn diễn biến phức tạp...
Phó Thủ tướng nêu rõ năm 2020 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, kỷ niệm 90 năm thành lập Đảng, 75 năm thành lập Nước, 45 năm ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, 130 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh và là năm tiến hành Đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII. Dự báo tình hình thế giới, khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường.
Càphê là một trong các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD/năm. (Ảnh: TTXVN) |
“Ở trong nước, chúng ta được kế thừa thành tựu của hơn 30 năm đổi mới, thế và lực của ta ngày càng lớn mạnh; tình hình chính trị, xã hội ổn định; niềm tin của nhân dân được củng cố; tuy nhiên nền kinh tế vẫn còn những hạn chế, bất cập, tiếp tục gặp nhiều khó khăn, thách thức. Bối cảnh đó đòi hỏi các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân cả nước cần tiếp tục nỗ lực hơn nữa, vượt qua khó khăn, thách thức, bám sát thực tiễn, hành động quyết liệt trên các lĩnh vực," Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Theo Phó Thủ tướng, nhiệm vụ trọng tâm của năm 2020 là tập trung ổn định kinh tế vĩ mô; kiểm soát lạm phát; nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, tính tự chủ và sức cạnh tranh của nền kinh tế; hoàn thiện thể chế, khơi thông nguồn lực; tạo môi trường đầu tư, kinh doanh bình đẳng, thông thoáng, thuận lợi. Bên cạnh đó, đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng; đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án quan trọng quốc gia, công trình trọng điểm; phát huy vai trò của các vùng kinh tế trọng điểm, các đô thị lớn.
Một nhiệm vụ nữa là phát triển, đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực chất lượng cao gắn với phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; phát triển hài hòa văn hóa, xã hội, không ngừng nâng cao chất lượng đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân; tăng cường quản lý đất đai, tài nguyên, bảo vệ môi trường, phòng, chống thiên tai, dịch bệnh, ứng phó với biến đổi khí hậu. Việc sắp xếp, tinh gọn bộ máy; tinh giản biên chế; cải cách hành chính, cải cách tư pháp, nâng cao hiệu lực, hiệu quả chỉ đạo điều hành và thực thi pháp luật cần được chú trọng.
Ngoài ra, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương tăng cường kỷ luật, kỷ cương, phòng chống tham nhũng, lãng phí; củng cố quốc phòng, an ninh, nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế...
Phó Thủ tướng lưu ý: “Nhiệm vụ của năm 2020 là rất nặng nề, đòi hỏi sự nỗ lực, quyết tâm cao, đồng thời với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân cả nước. Phát huy kết quả đạt được của năm 2019, các cấp, các ngành cần tập trung khắc phục những hạn chế, bất cập, chung sức đồng lòng, thực hiện đồng bộ, hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp theo các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, phấn đấu hoàn thành thắng lợi, toàn diện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2020”.
Theo Vietnam+