ĐNO – Từ chiều 22-1 và sáng 23-1 (28 - 29 tháng Chạp), hệ thống ATM của các ngân hàng thương mại vận hành tương đối ổn định. Lượng giao dịch ước tăng 200% so với ngày thường, song chỉ tập trung một số nơi.
Người dân xếp hàng chờ giao dịch tại cây ATM trên đường Điện Biên Phủ (quận Thanh Khê) chiều 22-1 (28 tháng Chạp). Ảnh: MAI QUẾ |
16 giờ chiều 22-1 (28 tháng Chạp), khoảng chục người dân đang đứng xếp hàng trước cây ATM trên đường Điện Biên Phủ (quận Thanh Khê). Một số người cho biết, họ đã đứng đợi hơn nửa giờ vẫn chưa rút được tiền.
Chị Nguyễn Thị Ngọc Trâm (phường Thanh Khê Tây, quận Thanh Khê) cho biết, vì cây ATM của ngân hàng này có thể nạp tiền, rút tiền trên cây ATM, không phải vào ngân hàng để giao dịch nên dù đông người xếp hàng chị vẫn chờ thay vì vào quầy giao dịch vì ngại đợi lâu hơn.
28 tháng Chạp là ngày làm việc cuối cùng trước khi nghỉ Tết của các doanh nghiệp, nên tình trạng quá tải của các cây ATM là dễ hiểu, đặc biệt là những cây ATM có hệ thống CDM (thiết bị điện tử cho phép chủ tài khoản nộp tiền vào tài khoản của mình).
ATM trên đường Nguyễn Văn Linh (quận Hải Châu) không có ai giao dịch chiều 22-1 (28 tháng Chạp). Ảnh: MAI QUẾ |
Ghi nhận sáng 23-1 (29 tháng Chạp), tình trạng chung của các ATM là vắng vẻ vì người dân đã nghỉ Tết và tranh thủ rút tiền từ những ngày hôm trước.
Các cây ATM cạnh Trường Đại học Sư phạm - Đại học Đà Nẵng trên đường Tôn Đức Thắng (quận Liên Chiểu) vắng vẻ sáng 23-1. Ảnh: MAI QUẾ |
Tuy nhiên, các cây ATM của Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam Vietcombank vẫn còn tình trạng xếp hàng.
Người dân xếp hàng chờ giao dịch tại ATM Vietcombank trên đường Điện Biên Phủ (quận Thanh Khê). Ảnh: MAI QUẾ |
Đặc biệt là ATM Vietcombank trên đường Nguyễn Lương Bằng (phường Hòa Khánh Bắc, quận Liên Chiểu), có 2 máy ATM nhưng chỉ có 1 máy hoạt động, 1 máy gặp sự cố không rút tiền được.
Chỉ có 1 trong 2 máy ATM hoạt động, nên nhiều người dân phải xếp hàng chờ giao dịch tại ATM Vietcombank đường Nguyễn Lương Bằng (quận Liên Chiểu) sáng 23-1. Ảnh: MAI QUẾ |
Trước tình trạng lượt giao dịch tăng đột biến vào dịp Tết, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam - chi nhánh Đà Nẵng cho biết, đơn vị vừa tiếp nhận Công điện số 01/CĐ - NHNN ngày 22-1 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Theo nội dung của Công điện số 01, trước tình hình gia tăng đột biến về số lượng giao dịch rút tiền mặt qua ATM (tăng trên 200% so với những ngày thường), để đáp ứng nhu cầu rút tiền mặt qua hệ thống ATM, chuyển tiền và thanh toán hàng hóa dịch vụ của người dân, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam yêu cầu các đơn vị thuộc Ngân hàng Nhà nước nghiêm túc triển khai văn bản 330/NHNN-VP ngày 17-1-2020 về bảo đảm an toàn hoạt động ngân hàng trong dịp Tết Canh Tý 2020.
Cụ thể, các ngân hàng tiếp tục chủ động phòng ngừa, bảo đảm tuyệt đối an toàn kho quỹ; bố trí cán bộ trực để kịp thời xử lý các tình huống phát sinh trong dịp Tết; theo dõi tồn quỹ và tiếp quỹ kịp thời, bảo đảm hệ thống ATM hoạt động an toàn, thông suốt; chủ động kịp thời các tình huống xảy ra khi nhu cầu rút tiền lớn tập trung vào thời điểm giáp Tết nguyên đán.
Theo Nghị định số 96/2014/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng, trong trường hợp ngân hàng không giám sát mức tồn quỹ tại máy giao dịch tự động, không bảo đảm máy giao dịch tự động có tiền để đáp ứng nhu cầu rút tiền của khách hàng sẽ bị áp dụng mức phạt từ 10-15 triệu đồng. Cụ thể, không được để ATM hết tiền quá 4 giờ làm việc (đối với ATM nằm trong trung tâm thành phố), quá 8 giờ làm việc (đối với ATM ở xa trung tâm) và 24 giờ nếu ngoài giờ làm việc. |
MAI QUẾ