Không gian "mềm", kết nối các vùng phụ cận

.

Sự phát triển đô thị Đà Nẵng được gắn trong bối cảnh phát triển của khu vực, bảo đảm hài hòa với yêu cầu chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển, phát triển thành phố thông minh.

Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ (thứ 5, từ trái) cùng Đoàn công tác của thành phố Đà Nẵng làm việc tại Riverlife (Hoa Kỳ) để thảo luận về cách thức phát triển và quy hoạch.
Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ (thứ 5, từ trái) cùng Đoàn công tác của thành phố Đà Nẵng làm việc tại Riverlife (Hoa Kỳ) để thảo luận về cách thức phát triển và quy hoạch.

Theo kế hoạch của UBND thành phố Đà Nẵng, tại sự kiện “Tọa đàm mùa Xuân 2020” sẽ công bố nội dung điều chỉnh quy hoạch chung thành phố đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Nội dung điều chỉnh quy hoạch cơ bản dựa trên “nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, đã được Thủ tướng phê duyệt vào tháng 2-2019. Theo đó, với phạm vi nghiên cứu trực tiếp gồm toàn bộ địa giới hành chính thành phố với tổng diện tích 128.543ha, đáp ứng cho dự báo đến năm 2030 dân số Đà Nẵng khoảng 2,5 triệu.

Thành tố đòn bẩy của quy hoạch đô thị Đà Nẵng xuyên suốt qua hơn 20 năm xây dựng và phát triển là khu vực ven biển và ven sông luôn được tích hợp vào các quy hoạch chung và quy hoạch phân khu. Tuy nhiên, với 3 trụ cột xây dựng từ Nghị quyết số 43-NQ-TW, là phát triển về du lịch, công nghiệp công nghệ cao và phát triển một thành phố cảng biển sẽ hình thành một hành lang “đô thị mềm” xuất hiện và phát triển mạnh mẽ trong 10 năm tới mà phạm vi địa giới hành chính trên đất liền của Đà Nẵng trở thành vùng lõi của đô thị.

Theo nội dung của đơn vị tư vấn về điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 về phát triển cấu trúc đô thị Đà Nẵng bao gồm 3 khu vực: ven biển, ven sông; khu vực trung tâm và khu vực đồi núi phía tây. Ý tưởng này nhận được nhiều sự tán thành của cơ quan, đơn vị chuyên ngành. Cấu trúc này làm cho Đà Nẵng trở nên mạch lạc, mạnh mẽ, phát huy được các điều kiện tự nhiên gắn liền cho mục tiêu phát triển bền vững. Đô thị Đà Nẵng trong 10 năm tới thống nhất thành một khối để tạo ra một không gian đô thị “mềm” lan tỏa về phía bắc, phía tây và đặc biệt là phía nam, trong đó đưa thành phố Hội An làm nên điểm nhấn của sự phát triển liên kết vùng đô thị.

Cao tốc La Sơn-Túy Loan tạo ra sự liên kết phát triển vùng và các khu đô thị phía tây thành phố Đà Nẵng. Ảnh: TRIỆU TÙNG
Cao tốc La Sơn-Túy Loan tạo ra sự liên kết phát triển vùng và các khu đô thị phía tây thành phố Đà Nẵng. Ảnh: TRIỆU TÙNG

Sự chuyển động của đô thị từ định hướng quy hoạch phát triển kinh tế bởi khả năng hình thành vành đai kinh tế công nghệ cao ở phía tây bắc (quận Liên Chiểu - huyện Hòa Vang); vành đai kinh tế đổi mới với hoạt động nghiên cứu khoa học, giáo dục - đào tạo, y tế ở phía nam (Hòa Vang - Ngũ Hành Sơn) nối với vành đai kinh tế cảng biển, dịch vụ logistics. KTS Phan Đức Hải, Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Đà Nẵng cho rằng đây là dư địa để đô thị “lớn lên”, tạo sức bật cho đầu tư phát triển kinh tế-xã hội. Hai mũi quy hoạch phát triển đô thị được xác định là phía đông nam và tây bắc thành phố. Sự phát triển về phía nam để kết nối đô thị Điện Bàn (tỉnh Quảng Nam); phát triển về hướng tây và tây bắc hình thành các đô thị vệ tinh, các khu sản xuất tập trung với các dự án đầu tư động lực để phát triển kinh tế. Không gian đô thị Đà Nẵng lan tỏa theo chiều rộng để có khả năng đáp ứng thu nạp quy mô dân số từ 2-3 triệu người.

Đến năm 2030, cơ sở hạ tầng của thành phố được đầu tư đồng bộ với hạ tầng giao thông đường bộ (đường quốc lộ, tỉnh lộ, đường đô thị và đường nông thôn); kết nối các trục giao thông đường bộ quốc gia, đường sắt cao tốc, đường ven biển; nâng công suất sân bay quốc tế Đà Nẵng; hình thành cảng biển mới như cảng Liên Chiểu, phát triển dịch vụ logistics. Các tuyến đường giao thông nội thị xuất hiện những loại hình giao thông hiện đại như đường sắt trên cao; tàu điện ngầm, xe buýt công cộng phát triển mạnh và bao phủ. Đến năm 2030, những điểm nghẽn trong quy hoạch sẽ được khắc phục để Đà Nẵng phát triển thành đô thị đang có đủ tầm, đủ sức đón tương lai với đòn bẩy là đầu tư hạ tầng đô thị, trong đó hạ tầng giao thông phát triển theo chiều sâu. Khi đó, cấu trúc không gian đô thị ở Đà Nẵng sẽ chuyển sang giai đoạn phát triển mới hướng về tầm nhìn 2050.

Dự án khu đô thị One World Regency khu vực Khu đô thị Điện Nam- Điện Ngọc, thị xã Điện Bàn là “vùng đệm” kết nối đô thị Đà Nẵng với thành phố Hội An. Ảnh: TRIỆU TÙNG
Dự án khu đô thị One World Regency khu vực Khu đô thị Điện Nam- Điện Ngọc, thị xã Điện Bàn là “vùng đệm” kết nối đô thị Đà Nẵng với thành phố Hội An. Ảnh: TRIỆU TÙNG

Đây là giai đoạn phát triển thành phố môi trường, thành phố thông minh. Để thực hiện mục tiêu chiến lược này, thành phố Đà Nẵng đã công bố danh mục 7 dự án kêu gọi đầu tư theo hình thức PPP (hợp tác công-tư) gồm: cảng Liên Chiểu; khu liên hợp xử lý chất thải rắn; ga đường sắt mới và tích hợp đô thị tích hợp; phát triển hạ tầng và công nghệ về giải pháp giao thông phi cơ giới; tàu điện Đà Nẵng - Hội An; xây dựng thành phố thông minh và dự án xây dựng mới các khu công nghiệp.

Kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn nhận định, từ sau năm 2020, Đà Nẵng tập trung mọi nguồn lực để tái thiết đô thị hướng đến hiệu quả kinh tế cao, mà cụ thể là hỗ trợ cho các hoạt động kinh tế đa dạng lấy khu vực ven biển và ven sông làm trụ cột. Chẳng hạn, khu vực ven biển không chỉ có khu đô thị du lịch biển, mà còn có khu đô thị công nghiệp kết hợp cảng biển, khu đô thị Vịnh Đà Nẵng, khu đô thị sinh thái, khởi nghiệp và sáng tạo, khu đô thị công nghệ cao, khu đô thị sân bay, khu đô thị đại học, khu đô thị danh lam thắng cảnh Ngũ Hành Sơn…

Hầm đường bộ Hải Vân 2 đưa  khu kinh tế Chân Mây cùng vùng đô thị Lăng Cô về gần hơn với Đà Nẵng.  TRONG ẢNH: Công tác chuẩn bị lao lắp dầm nhịp 4.Ảnh: NAM PHƯƠNG
Hầm đường bộ Hải Vân 2 đưa khu kinh tế Chân Mây cùng vùng đô thị Lăng Cô về gần hơn với Đà Nẵng. TRONG ẢNH: Công tác chuẩn bị lao lắp dầm nhịp 4.Ảnh: NAM PHƯƠNG

Đô thị Đà Nẵng 10 năm đến hướng đến là đô thị trung tâm vùng đô thị Quảng Nam, Quảng Ngãi với tổng dân số khoảng 5,8 triệu người. Không gian đô thị Đà Nẵng được cấu trúc cao dần từ đông sang tây, trong đó khu vực ven sông, biển hạn chế nhà cao tầng, xây đô thị nén, phía tây đồi núi sẽ phát triển nhà cao tầng tạo chỗ ở cho dân cư trẻ tương lai. Trục giao thông đường Hoàng Văn Thái là trục xuyên tâm đô thị theo hướng đông tây, hình thành những vệt nhà ở đô thị mới. Đô thị Đà Nẵng sẽ được tổ chức thành 24 khu đô thị trong 5 quận ở đất liền, mỗi khu đô thị có trung tâm riêng, các quận nối với nhau bằng các hành lang xanh để hòa nhập giữa đô thị và thiên nhiên.

Một hành lang đô thị “mềm” vượt qua ranh giới hành chính tạo ra sức lan tỏa của đô thị Đà Nẵng với khu vực Lăng Cô-Chân Mây-Phú Bài (Thừa Thiên Huế); thị xã Điện Bàn và thành phố Hội An (tỉnh Quảng Nam) là vùng đô thị liên kết mà trong đó vùng phía đông thị xã Điện Bàn được ví tựa “khu sân vườn” của thành phố Đà Nẵng. Đến năm 2030, các khu đô thị “mềm” giáp Thừa Thiên Huế và tỉnh Quảng Nam bổ sung cho đô thị Đà Nẵng các nguồn lực phát triển về nhà ở, nguồn lực con người lẫn kết nối hạ tầng làm nên chuỗi liên kết đô thị, liên kết phát triển kinh tế.

TRIỆU TÙNG

 

;
;
.
.
.
.
.