Công nghệ - lợi thế cạnh tranh của khởi nghiệp Đà Nẵng

.

Sau gần 5 năm xây dựng nền tảng cho hệ sinh thái khởi nghiệp, thành phố Đà Nẵng đã chọn bước phát triển theo chiều sâu phù hợp. Khởi nghiệp trên nền tảng công nghệ thông tin, công nghệ cao là hướng đi nhiều tiềm năng của thành phố.

Năm 2020, các đơn vị ươm tạo khởi nghiệp tại Đà Nẵng sẽ có thêm nhiều chương trình hợp tác với các vườn ươm, chuyên gia trong và ngoài nước. (Ảnh do Trung tâm Ươm tạo khởi nghiệp Sông Hàn cung cấp)
Năm 2020, các đơn vị ươm tạo khởi nghiệp tại Đà Nẵng sẽ có thêm nhiều chương trình hợp tác với các vườn ươm, chuyên gia trong và ngoài nước. (Ảnh do Trung tâm Ươm tạo khởi nghiệp Sông Hàn cung cấp)

* Anh Võ Văn Chi, Phó ban phụ trách Ban Nghiên cứu ứng dụng và Phát triển công nghệ, ươm tạo công nghệ, ươm tạo doanh nghiệp (Ban quản lý Khu Công nghệ cao và các khu công nghiệp): Các startup công nghệ cao sẽ có cơ hội tiếp cận thị trường lớn

Giai đoạn 2025-2030, Khu Công nghệ cao (CNC) sẽ tập trung công tác nghiên cứu - phát triển, ươm tạo và đào tạo công nghệ cao, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Trong giai đoạn này, chúng tôi phải bắt đầu xây dựng một hệ sinh thái đổi mới sáng tạo “thu nhỏ” ngay trong Khu CNC. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ hợp tác với các vườn ươm khởi nghiệp để xây dựng chuỗi giá trị, hỗ trợ các startup phát triển, thương mại hóa sản phẩm.

Việc ươm tạo doanh nghiệp ở Khu CNC sẽ được hưởng nhiều ưu đãi theo quy định của pháp luật về CNC như hỗ trợ 50% tiền thuê nhà, xưởng; được tư vấn miễn phí, cung cấp thông tin về các vấn đề liên quan đến hoạt động ươm tạo; được thuê cơ sở hạ tầng và cung cấp các dịch vụ với điều kiện ưu đãi; được tạo điều kiện sử dụng các trang thiết bị của các phòng thí nghiệm do Nhà nước đầu tư trong Khu CNC, được hỗ trợ vay vốn các tổ chức tài chính và các quỹ đầu tư. Chúng tôi đang tiếp tục nghiên cứu để triển khai hiệu quả những chính sách trên và đề xuất những cơ chế, chính sách ưu đãi, hỗ trợ đặc thù khác.

Các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo tại Trung tâm Ươm tạo của Khu CNC có thể cung cấp sản phẩm, công nghệ, dịch vụ của mình cho các doanh nghiệp khác trong Khu CNC. Một số dự án trong Khu CNC là dự án cho thuê nhà xưởng có thể cung cấp mặt bằng cho các dự án khởi nghiệp công nghệ. Một khi ươm tạo thành công, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo có thể phát triển thành một dự án đầu tư trong Khu CNC. Trung tâm Ươm tạo đảm nhận một trong những vai trò của Khu CNC quốc gia đa chức năng duy nhất của khu vực miền Trung-Tây Nguyên nên có thị trường hoạt động rộng lớn.

* Anh Lý Đình Quân, Giám đốc Trung tâm Ươm tạo khởi nghiệp Sông Hàn (SHi): Nên có thêm những đơn vị chuyên ươm tạo các startup công nghệ mới

Những năm vừa qua, điều khiến chúng tôi tự hào nhất chính là việc lãnh đạo Đà Nẵng luôn có sự trân trọng, lắng nghe đối với cộng đồng khởi nghiệp. Từ con số 0, Đà Nẵng đã xây dựng được một hệ sinh thái khởi nghiệp với đầy đủ các thành tố có tên trên bản đồ khởi nghiệp cả nước và khu vực.

Hiện nay, Đà Nẵng có 4 trung tâm ươm tạo, hỗ trợ khởi nghiệp. Theo tôi, trong 4 trung tâm này, cần có ít nhất 1 trung tâm chuyên ươm tạo các startup với các công nghệ mới như chuỗi khối hay trí tuệ nhân tạo. Nếu cần thiết, thành phố nên thành lập thêm các đơn vị hỗ trợ khởi nghiệp mới chuyên mảng này. Đà Nẵng hiện đang thu hút nhiều nhân sự công nghệ thông tin giỏi trong nước và trên thế giới và cần tận dụng điều này để phát triển các startup công nghệ. Hơn nữa, các startup công nghệ mới có tiềm năng đi nhanh, đi xa và thu hút vốn, từ đó làm sôi động thị trường vốn cho hệ sinh thái khởi nghiệp của thành phố.

Thứ hai, Đà Nẵng nên nhanh chóng triển khai các chương trình giáo dục khởi nghiệp ở các trường đại học để tạo nguồn nhân lực; đồng thời, xây dựng các chính sách đột phá để thu hút nhà đầu tư, chuyên gia, đối tác. Chúng ta cũng cần có quy trình hỗ trợ các startup tốt tiến ra thị trường quốc tế. Muốn vậy, phải liên kết được với doanh nghiệp, đặc biệt là các tập đoàn, ngân hàng...

Trong năm 2020, SHi sẽ tiếp tục ươm tạo các dự án khởi nghiệp du lịch, dịch vụ và ẩm thực với mục tiêu trở thành đơn vị ươm tạo khởi nghiệp hàng đầu Việt Nam trong lĩnh vực này. Dự kiến năm nay, chúng tôi cũng sẽ tổ chức một sự kiện quốc tế về xây dựng thương hiệu khởi nghiệp địa phương. SHi đặt mục tiêu hỗ trợ 30 startup mỗi năm. Đến năm 2025, sẽ trở thành một trong những đơn vị ươm tạo khởi nghiệp hàng đầu châu Á.

* Anh Phạm Đức Nam Trung, Giám đốc Vườn ươm Doanh nghiệp Đà Nẵng (DNES): Nên tập trung nguồn lực cho các startup công nghệ và hướng đến khách hàng doanh nghiệp (B2B)

Những năm qua, thông qua các sự kiện, cuộc thi, hoạt động truyền thông... về khởi nghiệp, góc nhìn của công chúng ở Đà Nẵng về khởi nghiệp đã cải thiện đáng kể theo hướng tích cực. Các sự kiện, cuộc thi không nên là thang đo sự phát triển của khởi nghiệp, song chính nhờ những hoạt động này mà tại Đà Nẵng nhiều nhà khởi nghiệp để có thể sàng lọc dần; đồng thời, “dọn đường” cho những chính sách hỗ trợ thiết thực trong thời gian tới.

Bên cạnh đó, hệ sinh thái khởi nghiệp Đà Nẵng đã có sự hợp tác giữa chính quyền, một số trường đại học và các tổ chức hỗ trợ thúc đẩy khởi nghiệp. Các vườn ươm khởi nghiệp như DNES hay Trung tâm Ươm tạo khởi nghiệp Sông Hàn cũng đã thiết lập được những “đường dẫn” để kết nối nhà đầu tư, cố vấn với cộng đồng khởi nghiệp địa phương.

Theo tôi được biết, thỏa thuận gọi vốn thành công nhất của startup Đà Nẵng đến thời điểm này là 500.000 USD. Tôi nghĩ khoảng 1 - 1,5 năm nữa, Đà Nẵng sẽ có startup vào vòng gọi vốn series A (tức gọi vốn để tối ưu hóa dự án, thường vào khoảng 2 - 15 triệu USD tùy ngành), series B (tức gọi vốn để mở rộng thị trường, thường vào khoảng 7 - 10 triệu USD tùy ngành).

Sau khi đã xây dựng được hệ sinh thái khởi nghiệp nền tảng, bây giờ Đà Nẵng nên chọn tập trung nguồn lực vào 1-2 lĩnh vực phù hợp với vai trò của thành phố trong hệ sinh thái khởi nghiệp vùng. Kinh tế khu vực miền Trung - Tây Nguyên có khả năng phát triển về 4 lĩnh vực: du lịch, nông - lâm - ngư nghiệp, công nghiệp và logistics. Xung quanh Đà Nẵng có các trung tâm công nghiệp (Chu Lai - Quảng Nam, Dung Quất - Quảng Ngãi), du lịch (Huế, Quảng Nam), nông nghiệp.

Đây là những thị trường rất lớn cần nguồn cung công nghệ, con người và nguồn vốn - điều mà Đà Nẵng có thể giải quyết được. Các startup của Đà Nẵng có thể cung cấp các giải pháp công nghệ về quản trị, bán hàng, marketing... cho doanh nghiệp. Hãy xem thị trường kinh tế trong vùng là “vùng thử nghiệm” sản phẩm. Đây là điều mà các startup đã gọi vốn thành công của Đà Nẵng như Hekate (cung cấp giải pháp chatbot dựa trên trí tuệ nhân tạo), Cashbag (nền tảng tiếp thị liên kết)... đã làm.

Trong năm 2020, DNES sẽ tiếp tục đẩy mạnh chương trình đào tạo nhà sáng lập (FINC). Năm 2019, các cựu sinh của FINC đã gọi vốn được gần 800.000 USD, chúng tôi hy vọng sẽ có được con số tốt hơn trong năm 2020. FINC sẽ tập trung vào các startup công nghệ, ưu tiên cho thị trường B2B (“Business to business”, tức các doanh nghiệp hướng đến đối tượng khách hàng là các doanh nghiệp khác). Bên cạnh đó, DNES cũng sẽ phát triển hoạt động đào tạo để giải quyết vấn đề thiếu nhân sự, thí điểm 3 mảng là: kỹ năng mềm, huấn luyện lập trình và kỹ năng doanh nhân. Chúng tôi cũng sẽ mở thêm các chương trình hợp tác với Úc và Hàn Quốc để startup Đà Nẵng tiếp cận thị trường của họ và ngược lại.

PHONG LAN (thực hiện)

;
;
.
.
Liên kết hữu ích
.
.
.