Ngày 17-1, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, hiện nay, trên địa bàn thành phố chuột đã gây hại trên các trà lúa và chủ yếu trên các chân ruộng gần khu dân cư, gò đồi, các kênh mương với tỷ lệ hại phổ biến từ 1 - 5%; đặc biệt, đã gây hại cục bộ đến 49ha lúa và có khả năng tiếp tục cắn phá mạnh những ngày trước, trong và sau Tết.
Ốc bươu vàng cũng đang phát sinh, gây hại rải rác tại các ruộng lúa, trong đó có 16ha bị ốc bươu vàng gây hại cục bộ. Ngoài ra, còn có một số bệnh, sâu bệnh khác như: bệnh vàng lá sinh lý (khô đầu lá), bệnh đốm nâu - nghẹt rễ, ngộ độc phèn, bọ trĩ, ruồi đục nõn, sâu keo, sâu cuốn lá nhỏ, sâu đục thân, sâu phao, rầy xanh... gây hại rải rác trên các loại cây trồng.
Dự báo, tình hình thời tiết những ngày trước, trong và sau Tết Nguyên đán Canh Tý sẽ tạo điều kiện cho sinh vật hại phát triển, gây hại cho cây lúa và các loại rau, hoa màu. Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật yêu cầu cán bộ kỹ thuật của đơn vị phối hợp với các xã, phường, hợp tác xã tăng cường kiểm tra diễn biến sinh vật hại trên đồng ruộng trước và sau Tết để chỉ đạo phòng trừ sâu bệnh, sinh vật hiệu quả, bảo vệ sản xuất vụ đông xuân; hướng dẫn sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật đúng quy định để bảo đảm an toàn thực phẩm; đồng thời, vận động nông dân thăm đồng thường xuyên, phát hiện sớm để xử lý kịp thời, tránh tình trạng phun thuốc phòng ngừa tràn lan tạo điều kiện cho sâu, rầy bộc phát gây hại mạnh, tốn kém chi phí và ô nhiễm môi trường.
HOÀNG HIỆP