Tăng cường quản lý doanh nghiệp sau thành lập

.

Chỉ trong vòng 3 năm, từ đầu năm 2017 đến nay, số lượng doanh nghiệp (DN) thành lập mới trên địa bàn thành phố đã tăng lên gần gấp đôi, từ 16.000 lên gần 31.000 DN, qua đó, tạo việc làm cho người lao động, đóng góp vào sự phát triển của thành phố. Tuy nhiên, số lượng DN thành lập nhiều cũng đặt ra những khó khăn cho công tác quản lý.

Hoạt động sản xuất tại Công ty CP Đầu tư và Xây dựng Đại Thành Đạt. 								                  Ảnh: MAI QUẾ
Hoạt động sản xuất tại Công ty CP Đầu tư và Xây dựng Đại Thành Đạt. Ảnh: MAI QUẾ

Các thủ tục liên quan đến DN ngày càng được đơn giản hóa, tạo điều kiện cho DN phát triển kinh tế. Theo ông Trần Văn Hoàng, Chánh văn phòng Sở Kế hoạch và Đầu tư, việc đăng ký DN hiện nay không cần thẩm định địa chỉ, vốn, nhân thân… mà DN tự khai, tự chịu trách nhiệm cũng gây khó khăn trong công tác quản lý.

Số lượng DN ngày càng nhiều, nhưng nguồn nhân lực đối với công tác quản lý DN sau thành lập còn hạn chế; việc kiểm tra DN chưa được sát sao dẫn đến việc DN bỏ địa chỉ đăng ký kinh doanh, vi phạm các quy định về điều kiện kinh doanh… là không tránh khỏi.

Trước đó vào tháng 7-2019, đã xảy ra trường hợp một người dân vô tình xem trên hệ thống thông tin DN trên mạng Internet và phát hiện nhà ở của gia đình bỗng nhiên có công ty đặt làm trụ sở. Sau khi người dân tố giác lên Sở Kế hoạch và Đầu tư, Thanh tra Sở tiến hành xác minh thì chủ DN không chứng minh được địa chỉ đăng ký kinh doanh mà người dân tố giác thuộc quyền sử dụng hợp pháp của công ty. Thanh tra Sở đã tiến hành xử phạt vi phạm hành chính đối với công ty này, buộc đăng ký thay đổi và thông báo lại các thông tin DN đã kê khai không trung thực, không chính xác.

Người dân làm thủ tục đăng ký kinh doanh tại bộ phận “Một cửa” của Sở Kế hoạch và Đầu tư. 	                      Ảnh: MAI QUẾ
Người dân làm thủ tục đăng ký kinh doanh tại bộ phận “Một cửa” của Sở Kế hoạch và Đầu tư. Ảnh: MAI QUẾ

Ông Trần Văn Hoàng cho biết, hệ thống pháp luật chưa đồng bộ còn tạo khoảng trống trong việc quản lý cũng như chế tài xử phạt chưa đủ mạnh để răn đe. Ví dụ như Luật Doanh nghiệp không quy định thời gian bao lâu để người bị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh thành lập DN mới.

Do đó, có một số trường hợp sau khi bị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, người bị thu hồi liền nộp đơn thành lập DN mới và cơ quan đăng ký kinh doanh không có quyền từ chối.

Dưới góc độ của cơ quan tài chính thường xuyên làm việc với DN, ông Nguyễn Đình Ân, Cục trưởng Cục Thuế nhìn nhận, việc đại diện DN này đang nợ thuế, nhưng vẫn được thành lập mới gây thiệt hại về thu ngân sách Nhà nước cũng như không công bằng với các DN tuân thủ pháp luật thuế nghiêm túc.

Vì vậy, Cục Thuế thành phố phối hợp thường xuyên với cơ quan đăng ký kinh doanh để quản lý kịp thời người nộp thuế mới phát sinh, thực hiện các thủ tục đóng mã số thuế cho người nộp thuế đúng quy định. Trong năm 2019, Cục Thuế đã phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư đề nghị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký DN của 4.300 đơn vị bỏ địa chỉ kinh doanh trên một năm.

Một chuyển biến tích cực nữa là Cổng thông tin đăng ký DN quốc gia đã cập nhật kịp thời về tình trạng pháp lý của DN, các thông tin về hành vi vi phạm của DN… bước đầu góp phần nâng cao khả năng giám sát của cộng đồng DN và xã hội đối với hoạt động này.

Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố Trần Phước Sơn cho rằng, để công tác quản lý, giám sát DN sau thành lập chặt chẽ và hiệu quả, các ngành được phân công nhiệm vụ cụ thể trong quy chế phối hợp cần phát huy cao độ hơn trách nhiệm đã được phân công; kịp thời cung cấp thông tin để phát hiện, xử lý những sai phạm của DN, lành mạnh, minh bạch môi trường kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi cho các DN chân chính phát triển.

Thông qua công tác phối hợp giám sát DN, Thanh tra Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố đã kiểm tra việc chấp hành quy định phát luật về đăng ký đầu tư và đăng ký DN đối với 54 DN trong năm 2019, tiến hành xử phạt 57 DN với tổng số tiền xử phạt hơn 1,3 tỷ đồng.

MAI QUẾ

 
;
;
.
.
Liên kết hữu ích
.
.
.