Đà Nẵng nỗ lực trong đầu tư phát triển

.

Sự chủ động trong thu hút đầu tư, đặc biệt tạo thế “chân kiềng” qua các kênh đầu tư bởi nguồn vốn Nhà nước, vốn đầu tư ngoài Nhà nước và vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đã giúp cho thành phố không “đứt đoạn” về đầu tư phát triển bởi tác động từ Covid-19.

Dù chịu tác động của Covid-19 nhưng Công ty CP Phát triển Khu Công nghệ thông tin Đà Nẵng (DITP) vẫn đầu tư hàng trăm tỷ đồng để hoàn thiện hạ tầng, khớp nối giao thông Khu Công nghệ thông tin tập trung trong quý 1-2020.  									        Ảnh: TRIỆU TÙNG
Dù chịu tác động của Covid-19 nhưng Công ty CP Phát triển Khu Công nghệ thông tin Đà Nẵng (DITP) vẫn đầu tư hàng trăm tỷ đồng để hoàn thiện hạ tầng, khớp nối giao thông Khu Công nghệ thông tin tập trung trong quý 1-2020. Ảnh: TRIỆU TÙNG

Tín hiệu tích cực trong đầu tư phát triển xã hội ở thành phố được Cục Thống kê công bố qua báo cáo tình hình phát triển kinh tế - xã hội quý 1-2020. Cục Thống kê cho biết, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn thành phố, nguồn vốn đầu tư phát triển xã hội có sự dịch chuyển giảm tỷ trọng vốn đầu tư Nhà nước và ngoài Nhà nước sang tăng tỷ trọng vốn đầu tư nước ngoài (FDI).

Cụ thể, quý 1-2020, tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội tại thành phố đạt trên 7.000 tỷ đồng; trong đó vốn đầu tư Nhà nước trên 1.200 tỷ đồng (giảm 18% so với cùng kỳ năm ngoái), vốn đầu tư ngoài Nhà nước chiếm trên 4.000 tỷ đồng (giảm 23%).

Tuy nhiên, vốn đầu tư FDI đạt giá trị gần 1.800 tỷ đồng (tăng 92% so với cùng kỳ năm ngoái). Vốn FDI tăng đột biến trong cơ cấu dòng vốn đầu tư phát triển trong quý 1-2020 tại thành phố là do một số dự án đã đi vào triển khai từ các năm trước và nay hoàn thành như: Nhà máy sản xuất linh kiện hàng không vũ trụ Sunshine (Tập đoàn UAC, Mỹ) và dự án Mikazuki Spa & Hotel Resort (Công ty CP Đầu tư du lịch Xuân Thiều và Tập đoàn khách sạn Mikazuki - Nhật Bản).

Cục Thống kê nhận định, đây là thành quả và định hướng xúc tiến thu hút đầu tư nước ngoài thực sự hiệu quả của thành phố với chủ trương chú trọng chất lượng thay vì số lượng dự án. Hoạt động thi công tại các dự án công trình trọng điểm trong thời điểm Covid-19 vẫn duy trì tốc độ thi công thông qua kết quả thực hiện vốn đầu tư qua 3 tháng đầu năm 2020.

Tại dự án Khu Công nghệ cao, trong quý 1-2020, Ban Quản lý Khu công nghệ cao và các khu công nghiệp đã thực hiện đầu tư hạ tầng 152 tỷ đồng, nâng tổng giá trị đầu tư dự án đã thực hiện 2.584 tỷ đồng, đạt 29,23% trên tổng vốn đầu tư; dự án Phát triển bền vững thành phố thực hiện là 40,8 tỷ đồng, tổng giá trị thực hiện 4.164 tỷ đồng, đạt 50,53% trên tổng vốn đầu tư.

Các dự án đầu tư trọng điểm sử dụng vốn ngoài Nhà nước có dự án Khu du lịch và giải trí quốc tế đặc biệt Silver Shores giai đoạn 2 thực hiện 71,2 tỷ đồng, nâng tổng giá trị thực hiện sau đầu tư  2.671 tỷ đồng/4.078 tỷ đồng, đạt 65,7%; dự án Tổ hợp Ánh Dương - Wyndham Soleil đạt 81,6 tỷ đồng, nâng tổng giá trị thực hiện 3.111 tỷ đồng, đạt đến 98,9% tổng vốn đầu tư.

Đối với dự án Khu phức hợp Danang Times Square dù tái khởi động lại dự án nhưng đã thực hiện 111 tỷ đồng vốn đầu tư, nâng giá trị thực hiện đầu tư lên 1.000 tỷ đồng, chiếm 20% tổng vốn đầu tư dự án. Dự án Khu du lịch Xuân Thiều mở rộng (Mikazuki Spa & Hotel Resort) thực hiện gần 232 tỷ đồng vốn đầu tư, nâng vốn đầu tư đã thực hiện đạt 657 tỷ đồng tương ứng 27% tổng vốn đầu tư dự án. Riêng đối với các dự án đầu tư từ nguồn vốn ngân sách Nhà nước đã được giải ngân trên 1.100 tỷ đồng.

Đây là kết quả ấn tượng về đầu tư giải ngân vốn đầu tư công sau nhiều năm thành phố mới đạt được. Như vậy, việc triển khai các dự án thông qua các nguồn đầu tư chuyển tiếp từ năm 2019 đã làm cho đầu tư phát triển xã hội quý 1-2020 ở thành phố có tính chất đòn bẩy, bất chấp những tác động mạnh mẽ từ Covid-19.

Cũng trong quý 1-2020, hoạt động thu hút đầu tư của thành phố có sự dịch chuyển linh hoạt. Tại hội nghị trực tuyến toàn quốc về “nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh; đẩy mạnh giải ngân đầu tư công; hỗ trợ người lao động; bảo đảm an sinh xã hội; bảo đảm trật tự an toàn xã hội ứng phó với Covid-19” vào ngày 10-4, Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ cho biết, do chịu tác động của Covid-19, thu hút vốn FDI giảm nhưng bù lại, thu hút vốn đầu tư trong nước của thành phố lại tăng mạnh.

Từ đầu năm đến nay, thành phố thu hút được 4 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đầu tư lên đến 8.612 tỷ đồng, gấp 4,72 lần so với cùng kỳ năm 2019. Lũy kế đến nay, Đà Nẵng có 335 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đầu tư hơn 112.600 tỷ đồng. Trong khi đó, quý 1-2020 thu hút gần 83,5 triệu USD vốn FDI, trong đó, có 31 dự án cấp mới với tổng vốn đăng ký 72,9 triệu USD.

Ông Araki Shinya, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Giải pháp an toàn tự động Hatsuta (là doanh nghiệp vừa đầu tư trên 5 triệu USD vào sản xuất tại Khu Công nghệ cao) nhìn nhận, môi trường đầu tư và cơ sở hạ tầng tại thành phố Đà Nẵng đã thực sự làm hài lòng tất cả các thành viên trong tập đoàn và đã có kế hoạch xúc tiến giải ngân vốn đầu tư và đưa dây chuyền sản xuất vào vận hành ngay trong năm 2020.

Nguồn vốn đầu tư công trên 1.100 tỷ đồng đầu tư dự án Nhà máy nước Hòa Liên trong tháng 3-2020 nhằm bảo đảm nguồn cấp nước và kịp thời thúc đẩy tăng trưởng kinh tế- xã hội.  Ảnh: TRIỆU TÙNG
Nguồn vốn đầu tư công trên 1.100 tỷ đồng đầu tư dự án Nhà máy nước Hòa Liên trong tháng 3-2020 nhằm bảo đảm nguồn cấp nước và kịp thời thúc đẩy tăng trưởng kinh tế- xã hội. Ảnh: TRIỆU TÙNG

Vào cuối tháng 3-2020, vốn đầu tư phát triển xã hội ở thành phố có sự bùng nổ về đầu tư công với 2 dự án đầu tư trọng điểm là Nhà máy nước Hòa Liên và Cải tạo, nâng cấp cụm nút giao thông phía tây cầu Trần Thị Lý với vốn đầu tư gần 2.000 tỷ đồng.

Hiện UBND thành phố cũng có chủ trương lập hồ sơ dự án trình HĐND thành phố phê duyệt chủ trương đầu tư cải tạo, nâng cấp Bệnh viện Phụ sản - Nhi, đầu tư giai đoạn 3 Trạm xử lý nước thải Hòa Xuân với tổng mức đầu tư 1.379 tỷ đồng. UBND thành phố cũng đề xuất Chính phủ cho phép huy động doanh nghiệp đầu tư cảng Liên Chiểu ngoài hạng mục công trình hạ tầng dùng chung.

Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Trần Phước Sơn cho biết, UBND thành phố cũng vừa kiến nghị Chính phủ giao số vốn còn lại theo kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020, nhưng chưa bố trí đủ trong giai đoạn 2016-2020 là trên 703 tỷ đồng. Trong đó, nguồn ngân sách Trung ương hỗ trợ có mục tiêu là 628 tỷ đồng, nguồn trái phiếu Chính phủ 75 tỷ đồng (10% dự phòng còn lại của dự án Đường vành đai phía tây đoạn từ quốc lộ 14B đến đường Hồ Chí Minh).

Ngoài ra, thành phố cũng kiến nghị Chính phủ sớm giao đủ kế hoạch vốn và hỗ trợ hoàn thiện thủ tục đầu tư đối với dự án đầu tư xây dựng bến cảng Liên Chiểu thuộc danh mục sử dụng nguồn 10% dự phòng chung kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020.

“Không có sự đứt đoạn trong đầu tư phát triển ở thành phố dù địa phương đang chịu nhiều tác động bởi Covid-19. Những dự án đã và đang triển khai, đang thu hút đầu tư mà thành phố đạt được là kết quả của nhiều năm qua mà UBND thành phố và các sở, ngành luôn chủ động hỗ trợ doanh nghiệp trong và ngoài nước; chuẩn bị chất lượng các hồ sơ dự án đầu tư...”, ông Trần Phước Sơn nhận định.

TRIỆU TÙNG

;
;
.
.
.
.
.