Chủ động nắm bắt thời cơ để phục hồi, tăng tốc phát triển

.

Hội nghị trực tuyến giữa Chính phủ với cộng đồng doanh nghiệp với thông điệp “Cùng nỗ lực, vượt thách thức, đón thời cơ, phục hồi nền kinh tế” diễn ra ngày 9-5, dưới sự điều hành của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhằm tìm kiếm các giải pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, tái khởi động nền kinh tế khi Covid-19 cơ bản được kiểm soát. Hội nghị đã tiếp nhận nhiều giải pháp đề xuất, đạt được sự đồng thuận cao trong cộng đồng doanh nghiệp cả nước.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại hội nghị.               Ảnh: VGP
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại hội nghị. Ảnh: VGP

Tại điểm cầu Đà Nẵng, Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Kỳ Minh và Phó Chủ tịch UBND thành phố Lê Trung Chinh đồng chủ trì.

Hỗ trợ nhanh, tối đa cho doanh nghiệp phát triển

Tại hội nghị, các ý kiến tập trung đề xuất các giải pháp liên quan đến chính sách tài khóa, tiền tệ, tái cơ cấu hoạt động của doanh nghiệp, kích cầu thị trường du lịch - dịch vụ... Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, đề xuất cần tiếp tục triển khai các chương trình khuyến khích tiêu dùng hàng nội địa  với phương châm: người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam; triển khai nhanh gói hỗ trợ doanh nghiệp về thuế, phí, lãi suất ngân hàng...; đồng thời nhấn mạnh, cần có cơ chế để hình thành “tấm áo giáp” bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm để thúc đẩy địa phương, đất nước vươn lên; khai thác tối đa các hiệp định thương mại tự do đã được ký kết và có hiệu lực...

Ông Nguyễn Văn Thái, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) Việt Nam cho rằng, dịch bệnh cũng là cơ hội để chúng ta thúc đẩy nhanh hơn các cải cách nhằm tháo gỡ rào cản cho sự phát triển. Trong thời gian tới, cần đẩy mạnh kinh tế đêm; giảm thuế cho DNNVV đến hết năm 2020; đưa ra biện pháp hữu hiệu để huy động nguồn lực ngắn hạn, dài hạn trong nhân dân; xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm, trục lợi chính sách hỗ trợ của Chính phủ sau Covid-19.

Từ điểm cầu Đà Nẵng, ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Du lịch và Tiếp thị giao thông vận tải Việt Nam (Vietravel) kiến nghị, cần triển khai ngay chiến dịch truyền thông “Việt Nam, điểm đến an toàn” để tuyên truyền về sự an toàn, sẵn sàng đón tiếp khách du lịch của nước ta trong thời gian tới; nghiên cứu có chọn lọc mở lại các đường bay trong nước cũng như các thị trường khách đến từ các quốc gia đã đạt được kết quả, hiệu quả trong việc khống chế dịch bệnh để có thể khai thác lại hoàn toàn vào tháng 11, 12 sắp tới; áp dụng ngay giảm chi phí 50% các điểm tham quan do Nhà nước quản lý; giảm thuế VAT, thuế thu nhập doanh nghiệp xuống 5%, giảm giá điện trong 1 năm để ngành du lịch phục hồi...

Qua hội nghị, UBND thành phố Đà Nẵng đề nghị Chính phủ và các Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam khẩn trương triển khai và hướng dẫn các địa phương triển khai thực hiện thống nhất Nghị quyết số 42/NQ-CP ngày 9-4-2020 của Chính phủ về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do Covid-19 nhằm kịp thời chia sẻ khó khăn, bảo đảm cuộc sống của nhân dân, người lao động, góp phần ổn định xã hội.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam giao các chi nhánh Ngân hàng Nhà nước thường xuyên kiểm tra, giám sát, yêu cầu các tổ chức tín dụng trên địa bàn triển khai có hiệu quả các giải pháp hỗ trợ đến toàn bộ doanh nghiệp về thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ; triển khai gói hỗ trợ tín dụng cho các doanh nghiệp đầu tư kinh doanh dịch vụ du lịch, giảm lãi suất vay từ 3%/năm; đồng thời kéo dài thời gian gia hạn, chậm trả lãi vay, có các khoản vay ưu đãi mới...; xem xét miễn thị thực nhập cảnh 15 ngày đối với khách du lịch quốc tế đường biển để thu hút các du thuyền quốc tế lớn từ châu Âu, châu Mỹ đến Việt Nam sau khi đại dịch kết thúc; có chính sách hỗ trợ về thuế, phí liên quan đậu đỗ, dịch vụ mặt đất, quảng bá trực quan hoặc chi phí hỗ trợ bù lỗ ngắn hạn cho các hãng hàng không sớm phục hồi các đường bay quốc tế đến Đà Nẵng.

3 yêu cầu đối với doanh nghiệp

Sau gần 4 tiếng đồng hồ lắng nghe các ý kiến phát biểu, kết luận hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu nhận định chung là các đại biểu trong nước và quốc tế đều đánh giá cao công tác chỉ đạo chống dịch Covid-19 thành công ở Việt Nam. Đây là một điểm sáng, Việt Nam đã đi trước nhiều nước, đặc biệt là các nước Đông Nam Á, trong kiểm soát, đẩy lùi dịch bệnh.

Chúng ta đã xác lập một trạng thái bình thường mới để đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh bình thường ở Việt Nam. Do đó, Việt Nam sẽ tiếp tục đồng ý đưa các chuyên gia, các nhà quản lý người nước ngoài vào Việt Nam để hợp tác cùng Việt Nam phát triển kinh tế đất nước, trước hết là Lào, Campuchia và nhiều nước khác trong thời gian tới. Thủ tướng cũng nhấn mạnh cơ hội cho Việt Nam nếu biết quản lý Nhà nước tốt, kinh doanh tốt và hợp tác tốt.

Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ (giữa), các Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Kỳ Minh (phải) và Lê Trung Chinh đồng chủ trì tại điểm cầu Đà Nẵng.  						               Ảnh: KHÁNH HÒA
Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ (giữa), các Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Kỳ Minh (phải) và Lê Trung Chinh đồng chủ trì tại điểm cầu Đà Nẵng. Ảnh: KHÁNH HÒA

Khẳng định vị trí của doanh nghiệp là lực lượng chủ chốt trên mặt trận kinh tế, từ đóng góp tăng trưởng đến giải quyết việc làm, thu ngân sách, áp dụng tiến bộ kỹ thuật, Thủ tướng nêu ra 3 yêu cầu đối với doanh nghiệp. Một là các doanh nghiệp không được trông chờ, ỷ lại trong phát triển. Thứ hai, doanh nghiệp phải được tái cơ cấu, nâng cao trình độ quản trị để phát triển bền vững.

Thứ ba, các cấp, các ngành, đặc biệt là doanh nghiệp áp dụng mạnh mẽ khoa học công nghệ, nhất là cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 để nâng cao năng suất. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng nhấn mạnh: “Làm gì mà không nghĩ đến Tổ quốc thì không thể thành doanh nghiệp lớn được. Không nản chí vì nản chí là tự mình bỏ cuộc. Cần năng động, quyết đoán vì thụ động, lưỡng lự của doanh nghiệp là tự mình đánh mất cơ hội...”.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, khu vực doanh nghiệp là lực lượng chính giữ ổn định và thúc đẩy nền kinh tế, bên cạnh các kiến nghị, đề xuất của các địa phương, các hiệp hội doanh nghiệp, doanh nghiệp thì giải pháp của các bộ, ngành đưa ra phải thể hiện rõ nội dung cụ thể các cơ chế, chính sách hỗ trợ, khả thi cho doanh nghiệp, không nói chung chung, lặp lại những vấn đề đã cũ; phải giữ 3 điểm hiện nay là lao động, thị trường và phát triển thị trường trong nước của 100 triệu dân cũng như thị trường nước ngoài mà Việt Nam đã đạt được từ các hiệp định thương mại tự do qua đàm phán, ký kết trong thời gian qua.

Thủ tướng yêu cầu Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương cần phải “xắn tay” thực hiên hiệu quả các nhiệm vụ với tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm nhằm giữ được mục tiêu tăng trưởng GDP 5%, lạm phát được kiểm soát dưới 4% đến cuối năm 2020.

Đối với cộng đồng doanh nghiệp, cần chủ động nắm bắt thời cơ, không ỷ lại; mạnh dạn đổi mới sáng tạo để không chỉ phát triển cho mình mà còn đóng góp cho đất nước, ứng dụng mạnh mẽ khoa học công nghệ để mở rộng thị trường, tiến tới tham gia vào các thị trường, chuỗi cung ứng mới, tạo dựng được thương hiệu Việt trên thị trường quốc tế. “Lúc này là vì đất nước, vì dân tộc, vì người dân Việt Nam.

Hội nghị này phải đem lại kết quả cụ thể, không nói suông; phải tăng tốc phát triển, nêu cao tinh thần hành động. Chính phủ tìm phương thức để tạo điều kiện thúc đẩy doanh nghiệp tăng năng suất, vì chỉ có tăng năng suất mới tăng lợi nhuận bền vững. Lửa thử vàng, gian nan thử sức, khó khăn hai thì chúng ta phải nỗ lực ba. Cùng đoàn kết, quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ trong thời gian tới”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.

Tại Đà Nẵng, Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố cho biết, thời gian qua, thành phố cùng các cấp, ngành đã quyết liệt triển khai và đạt được hiệu quả trong công tác phòng, chống dịch bệnh; đồng hành cùng hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho cộng đồng doanh nghiệp.

Hiện nay, các cấp, ngành, địa phương trên địa bàn đang tiếp tục triển khai nắm bắt những khó khăn, vướng mắc của cộng đồng doanh nghiệp, hộ kinh doanh cũng như các đối tượng nằm trong diện được hỗ trợ do ảnh hưởng của Covid-19 để nhanh chóng triển khai các gói hỗ trợ đến tận tay và đúng trúng đối tượng.

Bên cạnh đó, đẩy mạnh cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính như đẩy mạnh thực hiện đăng ký thành lập doanh nghiệp trực tuyến nhằm hạn chế chi phí, thời gian đi lại cho doanh nghiệp, nhà đầu tư; tập trung hoàn thiện các thủ tục để tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất, thúc đẩy và đồng hành cùng các chủ đầu tư triển khai dự án; tổ chức thực hiện có hiệu quả các nội dung nhằm khắc phục những hạn chế tại Kết luận 2852/KL-TTCP, không để làm ảnh hưởng đến môi trường đầu tư và tình hình phát triển của thành phố...

KHÁNH HÒA - MAI QUẾ

;
;
.
.
.
.
.