PCI 2019: Đà Nẵng có nhiều nỗ lực được ghi nhận

.

Theo công bố của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) ngày 5-5, Đà Nẵng đứng thứ 5 trên bảng xếp hạng toàn quốc về Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2019 với 70,15/100 điểm, thuộc nhóm “Rất tốt”. Báo Đà Nẵng ghi nhận ý kiến của đại diện một số cơ quan quản lý Nhà nước và doanh nghiệp về kết quả này.

Năm 2019, Sở Kế hoạch và Đầu tư triển khai có hiệu quả các cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trên địa bàn thành phố.  TRONG ẢNH: Người lao động làm việc tại Công ty TNHH Cơ khí Châu Đà (Khu Công nghiệp Hòa Cầm, quận Cẩm Lệ).Ảnh: KHANG NINH
Năm 2019, Sở Kế hoạch và Đầu tư triển khai có hiệu quả các cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trên địa bàn thành phố. TRONG ẢNH: Người lao động làm việc tại Công ty TNHH Cơ khí Châu Đà (Khu Công nghiệp Hòa Cầm, quận Cẩm Lệ). Ảnh: KHANG NINH

Ông Nguyễn Tiến Quang, Giám đốc VCCI Đà Nẵng: Đà Nẵng đã cải thiện những chỉ số vốn rất khó cải thiện

Kết quả PCI 2019 cho thấy Đà Nẵng vẫn đứng vị trí thứ 5/63 tỉnh, thành của cả nước (tương tự PCI 2018), nhưng nhìn sâu hơn, có thể thấy nhiều chuyển biến tích cực và thay đổi về chất của PCI Đà Nẵng 2019.

Cụ thể, Đà Nẵng đã quay lại nhóm “Rất tốt” (2019) từ nhóm “Tốt” (2018). Tuy vị thứ không đổi, song tổng điểm của Đà Nẵng đã tăng 2,50 điểm so với năm 2018. Trong 15 năm xếp hạng PCI, đây cũng là năm Đà Nẵng đạt điểm cao thứ 5/15 so với chính mình.

Bên cạnh đó, trong 10 chỉ số thành phần PCI, thành phố tăng điểm ở 8/10 chỉ số so với năm 2018. Đặc biệt, một số chỉ số được cải thiện tích cực và đáng kể như tiếp cận đất đai, tính năng động, tính minh bạch, chi phí không chính thức… Đây vốn là những chỉ số được xem là khó cải thiện và thường có điểm thấp trong những năm qua.

Qua những kết quả trên, có thể nói rằng các chính sách, hành động cải thiện môi trường kinh doanh mà Đà Nẵng triển khai trong năm qua là hiệu quả và được cộng đồng doanh nghiệp đánh giá tích cực. Trong đó, có thể kể đến chương trình “Tọa đàm mùa Xuân”, “Năm đẩy mạnh thu hút đầu tư”, việc ban hành và thực thi hàng loạt chính sách hỗ trợ doanh nghiệp.

Đặc biệt, thành phố đã đẩy mạnh và thực thi có hiệu quả dịch vụ công trực tuyến, góp phần rút ngắn thời gian, nâng cao tính minh bạch, tiết giảm chi phí chính thức và không chính thức cho doanh nghiệp. Đà Nẵng cũng đã điều chỉnh, hoàn thiện, công khai quy hoạch và nguồn lực đất đai…

Tôi cho rằng dư địa cải thiện PCI của Đà Nẵng trong những năm tới không hề nhỏ. Việc điều hành, quản trị của các tỉnh, thành phố trên cả nước ta đều chịu sự chi phối của một thể chế chung. Điểm khác biệt nằm ở tính năng động, vận dụng đúng pháp luật của mỗi địa phương.

Do vậy, nếu so sánh tương quan với cả nước và đặt trong thể chế chung, pháp luật chung thì không thể nói Đà Nẵng đã “đụng trần thể chế”. Song tôi nghĩ, Đà Nẵng vẫn cần có cơ chế phù hợp, đặc thù với điều kiện và tiềm năng phát triển hơn, đặc biệt là trong cơ cấu tổ chức cán bộ, vận hành bộ máy tinh gọn và hiệu quả. Ngoài ra, cũng cần có cơ chế để Đà Nẵng huy động các nguồn lực vốn, công nghệ để đầu tư phát triển nhằm tạo môi trường giúp nền kinh tế thành phố bứt phá.

Về phía thành phố, để tiếp tục cải thiện bền vững PCI trong những năm tới, theo tôi, cần nâng cao hiệu quả, rút ngắn thời gian giữa ban hành và thực thi chính sách; tiếp tục đẩy mạnh quá trình công khai, minh bạch các chính sách, chủ trương, nguồn lực phát triển, cơ hội tiếp cận thị trường đầu tư cho doanh nghiệp (đất đai, vốn hỗ trợ, đầu tư công, mua sắm công…).

Song song với đó, thành phố cần tiếp tục thực hiện hiệu quả các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và thu hút đầu tư; ứng dụng rộng rãi hơn, triển khai hiệu quả hơn thủ tục hành chính công trực tuyến; tạo cơ hội bình đẳng cho các doanh nghiệp trong kinh doanh, đầu tư theo quy luật thị trường và pháp luật của nước ta.

Ông Phạm Đình Thành Hoàng, Trưởng phòng Doanh nghiệp, kinh tế tập thể và tư nhân (Sở Kế hoạch và Đầu tư): Sẽ rà soát tính hiệu quả của chính sách hỗ trợ doanh nghiệp hiện hành

Việc Đà Nẵng tăng điểm PCI và quay lại nhóm “Rất tốt” là kết quả của những nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, đẩy mạnh cải cách hành chính và đặc biệt là công tác hỗ trợ, xử lý vướng mắc, kết nối doanh nghiệp, nhà đầu tư trên địa bàn thành phố.

Trong 10 chỉ số thành phần, Đà Nẵng có 8 chỉ số tăng điểm so với năm 2018, trong đó chỉ số hỗ trợ doanh nghiệp cải thiện vượt bậc (tăng 0,46 điểm và tăng 27 bậc từ vị trí 41 lên vị trí 14). Điều này phản ánh nỗ lực cải thiện của thành phố trong việc hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm thông tin thị trường, xúc tiến thu hút đầu tư, tư vấn pháp luật, khoa học công nghệ, dịch vụ đào tạo về kế toán, tài chính và quản trị kinh doanh.

Trong năm 2019, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã phối hợp với các sở, ngành để hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp để hoàn thiện các thủ tục liên quan đến đầu tư; tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của các dự án; triển khai có hiệu quả các cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trên địa bàn thành phố; tham mưu UBND thành phố ban hành Đề án “Quản lý liên thông về thủ tục đầu tư”.

Về hoạt động đăng ký doanh nghiệp, đã rút ngắn tối đa thời gian xử lý hồ sơ đăng ký doanh nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp đăng ký kinh doanh qua mạng, chuyển trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính qua đường bưu điện, hỗ trợ đăng ký doanh nghiệp tại nhà; tổ chức các chương trình, khóa đào tạo kỹ năng quản trị doanh nghiệp...

Trong thời gian tới, Sở Kế hoạch và Đầu tư sẽ tiếp tục phối hợp triển khai các nhiệm vụ, giải pháp để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với Covid-19. Cụ thể, sẽ hoàn thành rà soát tổng thể các cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp; đánh giá hiệu quả và đề xuất cụ thể đối với các chính sách triển khai không có hiệu quả.

Chúng tôi cũng sẽ tiếp tục tiếp nhận, tổng hợp các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, nhà đầu tư bị ảnh hưởng bởi Covid-19 để đề xuất giải pháp tháo gỡ kịp thời hoặc tham mưu UBND thành phố kiến nghị lên cấp cao hơn.

Song song, Sở Kế hoạch và Đầu tư sẽ tiếp tục triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, nổi bật như: kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để đề xuất các giải pháp đẩy nhanh tiến độ, hỗ trợ doanh nghiệp nhanh chóng hoàn chỉnh các thủ tục, đi vào hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh; đưa vào sử dụng phần mềm “Quản lý, giám sát các dự án đầu tư” - một ứng dụng của Đề án “Quản lý liên thông về thủ tục đầu tư”; Trung tâm Hỗ trợ doanh nghiệp (thuộc Sở Kế hoạch và Đầu tư) tăng cường triển khai dịch vụ đăng ký doanh nghiệp tại nhà, tư vấn và hỗ trợ doanh nghiệp đăng ký trực tuyến, tư vấn miễn phí các thủ tục liên quan đến hoạt động đầu tư trực tiếp nước ngoài và đăng ký doanh nghiệp.

Ông Lý Đình Quân, Tổng Giám đốc Trung tâm Ươm tạo Khởi nghiệp Sông Hàn: PCI phản ánh đúng nỗ lực và bức tranh thực tiễn tại Đà Nẵng

Tôi nghĩ các kết quả PCI của Đà Nẵng những năm vừa qua đều phù hợp với thực tiễn, phản ánh hành trình nỗ lực của chính quyền và bối cảnh từng thời điểm của Đà Nẵng.

Để dẫn đầu PCI trong nhiều năm trước đây, Đà Nẵng đã phải nỗ lực, cải cách rất nhiều và liên tục, trong đó nổi trội là việc tiên phong xây dựng chính quyền điện tử từ năm 2014, các cuộc đối thoại thường xuyên giữa lãnh đạo thành phố với cộng đồng doanh nghiệp đã diễn ra, khởi động các chương trình khởi nghiệp từ năm 2015...

Tuy nhiên, những năm gần đây, tại Đà Nẵng đã có một số vấn đề hạn chế (như sai phạm trong quản lý Nhà nước liên quan đến đất đai, du lịch phát triển nóng…), phần nào ảnh hưởng đến tâm lý doanh nghiệp. Các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp từng quyết đoán, mạnh mẽ cũng do đó mà trở nên “e dè” hơn. Bên cạnh đó, hầu hết doanh nghiệp Đà Nẵng hiện tại đều ở quy mô nhỏ, thị trường địa phương nhỏ hẹp, chưa có tích lũy, ứng dụng công nghệ thấp, chưa đủ năng lực cạnh tranh và hội nhập…

Để cải thiện sự hài lòng của doanh nghiệp, tôi cho rằng cần thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa cơ cấu tăng trưởng kinh tế của thành phố, trong đó lấy doanh nghiệp làm trung tâm. Một số giải pháp bao gồm: Thứ nhất, tập trung giải ngân vốn đầu tư công để doanh nghiệp có việc làm, giải tỏa khó khăn trước mắt do Covid 19 gây ra.

Thứ hai, ưu tiên cải cách các cơ chế, chính sách hiệu quả nhằm hỗ trợ toàn diện doanh nghiệp, phát triển các mô hình kinh doanh mới, thúc đẩy hợp tác công tư theo chiều sâu, hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số ứng dụng khoa học và công nghệ.

Thứ ba, tận dụng ưu thế của chính quyền điện tử từ những năm trước để đẩy nhanh hơn kết nối trực tuyến giữa chính quyền và doanh nghiệp, hình thành hệ sinh thái doanh nghiệp đa nguồn lực, phát triển theo hướng bền vững. Thứ tư, đẩy nhanh quá trình tái cấu trúc ngành như thúc đẩy du lịch thông minh, hạ tầng logistics, các khu công nghiệp mới, công nghệ sinh học và công nghệ cơ khí, điện tử tự động.

KHANG NINH thực hiện

;
;
.
.
.
.
.