Giá vàng đã vượt mốc 50 triệu đồng/lượng và đang biến động khó lường. Điều này khiến người dân, các nhà đầu tư đang cân nhắc trong việc lựa chọn vàng hay kênh đầu tư tài chính nào khác để sinh lãi.
Giá vàng đang ở mức cao nhưng theo nhà đầu tư chưa hẳn là kênh đầu tư hiệu quả nhất. Trong ảnh: Giao dịch tại Cửa hàng Vàng bạc đá quý Doji (172 Hùng Vương, quận Hải Châu). Ảnh: M.QUẾ |
Cụ thể, từ ngày 19-6, giá vàng SJC lần lượt mua vào và bán ra là 48,39 - 48,74 triệu đồng/lượng. Đến chốt phiên ngày 11-7 lần lượt là 50,15 - 50,62 triệu đồng/lượng. Trong 20 ngày, giá vàng đã tăng xấp xỉ 2 triệu đồng/lượng cả hai chiều mua vào và bán ra, chênh lệch mua - bán đã rút ngắn chỉ còn khoảng 400.000 đồng/lượng. Điều này đã thay đổi xu hướng mua, bán vàng chỉ trong thời gian ngắn.
Theo bà Lê Xuân Thùy Linh, Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Vàng bạc đá quý Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (Vietinbank Gold & Jewelry), giá vàng miếng SJC đang bám sát giá thế giới, điều này chứng tỏ giá vàng không bất ổn như thời gian “bong bóng” năm 2011 hay mới đây nhất là thời điểm ngày 24 và 25-2 khi giá vàng lên và xuống 2 triệu đồng/lượng chỉ trong 1 ngày. Từ đầu tháng 1 đến sáng ngày 10-7, giá vàng đã tăng 18%, từ mức 43 triệu đồng/lượng lên 50,8 triệu đồng/lượng bán ra, trong khi mức tăng cả năm 2019 chỉ có 16,43%.
Có thể thấy, vàng liên tục tăng giá đã khiến thị trường đầu tư tăng thêm sức hấp dẫn. Theo ông Hoàng Minh Sơn, Giám đốc Công ty CP Tín Hiệu Xanh, vàng là một kênh “trú ẩn” tốt trong giai đoạn kinh tế có nhiều rủi ro do ảnh hưởng của Covid-19. Tuy vậy, khi giá vàng tăng mạnh cũng cần cẩn trọng, bởi lẽ giá vàng thường đi ngược với diễn biến của kinh tế, kinh tế có biến động thì giá vàng sẽ lên cao. Nếu đã tăng mạnh do bất ổn, chỉ cần thế giới có những thông tin khả quan hơn thì vàng sẽ ngay lập tức xuống giá, thậm chí là xuống sâu.
Với giá vàng ở mức 50 triệu đồng/lượng như hiện nay khó có thể sinh lời từ đầu tư ngắn hạn. “Nếu như vàng đang có xu hướng tăng lên thì tỉ giá đô la Mỹ (USD) thời gian qua chịu áp lực từ chính sách giảm lãi của Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ (FED), từ dịch bệnh, từ cuộc chiến dầu khí… Hiện USD có nhiều biến động song song với giá vàng, nhưng chủ yếu theo chiều giảm, nên các nhà đầu tư không mấy mặn mà”, ông Hoàng Minh Sơn cho hay.
Như vậy, dù vàng lên cao nhưng theo nhà đầu tư vẫn chưa hẳn là một kênh đầu tư tài chính hiệu quả khi “vào cuộc” trong thời điểm này. Xét ở kênh đầu tư khác, theo ông Nguyễn Lương Giáp, Phó Tổng Giám đốc Liên doanh Công ty CP Đức Mạnh và Công ty CP Đầu tư – Xây dựng 579 (Liên doanh DMC-579), việc đầu tư vào bất động sản (BĐS) hiện không tiềm năng với đầu tư ngắn hạn. Thị trường BĐS tại Đà Nẵng gần đây có những diễn biến tích cực hơn so với thời điểm đầu năm.
Tuy nhiên, đánh giá thực tế thì hiện BĐS chỉ có cơ hội tốt cho những người có nhu cầu mua để ở, còn 6 tháng tới vẫn là giai đoạn khó khăn. Trường hợp thị trường phục hồi tốt có thể đạt biên độ tăng giá từ 10-15%. Do đó, nhà đầu tư BĐS nếu có vốn thì xác định đầu tư trung hạn và dài hạn để có biên độ tăng giá tốt hơn. Chu kỳ BĐS là xuống thấp 1-2 năm nhưng sau đó sẽ tăng lên từ 2-3 năm.
Còn đối với chứng khoán và trái phiếu, theo TS. Đặng Hữu Mẫn, Giảng viên Khoa Tài chính (Đại học Kinh tế - Đại học Đà Nẵng), trái phiếu doanh nghiệp đang được quan tâm gần đây khi được quảng cáo là lãi suất lên đến gần 20%/năm. Tuy nhiên, Bộ Tài chính cũng đã đưa ra khuyến cáo cảnh báo các nhà đầu tư cần tiếp cận thông tin, phân tích và đánh giá kỹ các rủi ro có thể gặp khi đầu tư trái phiếu. Nếu nhà đầu tư mua trái phiếu không bảo đảm, không chứng quyền, rủi ro mất tiền sẽ rất cao. Xét trên tất cả các kênh, đầu tư chứng khoán đang là một kênh có lãi ổn định từ 2-3 tháng nay khi hàng chục phiên liên tục, cổ phiếu các doanh nghiệp liên tục tăng cao từ sau thời điểm giãn cách xã hội, hiện nay lãi suất của chứng khoán đang ở mức 7-8%.
Bên cạnh đó, giá vàng hầu như không ảnh hưởng đến thị trường chứng khoán, bởi vàng hiện tại đã được kiểm soát bởi Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nên việc mua vàng ào ạt hầu như không có, nhu cầu vàng số lượng lớn nếu có chủ yếu là những tổ chức, ngân hàng. Tuy vậy, lợi nhuận luôn đi kèm rủi ro. Dù đang trên đà tăng trưởng nhưng rủi ro khi đầu tư chứng khoán như biến động lãi suất, rủi ro thanh khoản, tín dụng là điều thường gặp... Ngoài ra, không phải nhà đầu tư mới nào cũng biết khi nào nên mua vào, khi nào nên bán ra cổ phiếu, nhất là trong thời điểm kinh tế thế giới đang bất ổn hiện nay.
Nhìn chung, các kênh đầu tư trên đều có rủi ro và tiềm năng nhất định. Theo ý kiến của các chuyên gia và nhà đầu tư, rất ít người “bỏ trứng vào một giỏ” vào thời điểm này, mà đầu tư dàn trải ở nhiều kênh, kể cả gửi tiết kiệm. Bởi lẽ, khi đầu tư vào vàng, chứng khoán, trái phiếu, bất động sản, ngoài ra còn có tiền ảo… đều phụ thuộc vào nhiều yếu tố để tăng hoặc giảm, trong khi với những người có tiền nhàn rỗi thì gửi tiết kiệm cũng là một kênh đáng cân nhắc ở tính ổn định.
Theo TS. Đặng Hữu Mẫn, trong bối cảnh của kinh tế thành phố hiện nay, khó có câu trả lời chung cho các nhà đầu tư, tùy theo quy mô vốn, đặc điểm thanh khoản của mỗi kênh và kể cả sở thích, lựa chọn an toàn hay mạo hiểm để quyết định kênh đầu tư phù hợp.
MAI QUẾ