Tín dụng chính sách giúp đồng bào dân tộc thiểu số phát triển kinh tế

.

Bằng nguồn vốn ưu đãi từ tín dụng chính sách xã hội, nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số tại huyện Hòa Vang đã và đang được cơ hội để phát triển sản xuất, vươn lên ổn định cuộc sống.

Đồng bào dân tộc thiểu số được thụ hưởng chương trình vay vốn để trồng rừng sản xuất, phát triển chăn nuôi. Trong ảnh: Chị Đinh Thị Hào đang chăm sóc, dọn cỏ cho cây keo. Ảnh: MAI QUẾ
Đồng bào dân tộc thiểu số được thụ hưởng chương trình vay vốn để trồng rừng sản xuất, phát triển chăn nuôi. Trong ảnh: Chị Đinh Thị Hào đang chăm sóc, dọn cỏ cho cây keo. Ảnh: MAI QUẾ

Nhìn những cây keo của gia đình phát triển xanh tốt, chị Đinh Thị Hào (trú tổ 2, thôn Tà Lang, xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang) vui mừng cho biết, đây là vụ keo thứ 2 mà gia đình dồn sức đầu tư chăm sóc làm kế sinh nhai. Chị Hào kể, gia đình chị thuộc diện hộ nghèo của xã Hòa Bắc, được sự giúp đỡ của “tổ tiết kiệm và vay vốn của địa phương” quan tâm hỗ trợ nên năm 2016 gia đình được vay 45 triệu đồng từ chương trình tín dụng cho hộ nghèo về trồng rừng, chăn nuôi hỗn hợp.

Bằng nguồn vốn này cùng với 3ha đất lâm nghiệp được thành phố hỗ trợ giao quản lý để sản xuất, chị Hào đã thuê nhân công trồng rừng kinh tế từ cây keo lá tràm. Tuy nhiên, đặc tính của cây keo là từ 3-5 năm mới thu hoạch được một lần nên bên cạnh việc chăm sóc cây keo, chị Hào còn nuôi thêm heo và nấu rượu để có thêm chi phí trang trải hằng ngày. Năm 2019, chị thu hoạch được 70 triệu đồng từ 3ha cây keo trên, hiện lứa cây keo hiện tại của gia đình chị đã được một năm và vẫn đang phát triển tốt.

Cách nhà chị Đinh Thị Hào vài căn, gia đình ông Mỵ Duy Bốn và chị Đinh Thị Hà cũng là một trong những hộ sử dụng hiệu quả nguồn vốn vay tín dụng chính sách. Năm 2017, hộ ông Bốn được vay 30 triệu đồng từ chương trình tín dụng cho hộ nghèo về trồng rừng, chăn nuôi hỗn hợp, hiện 3ha cây keo của nhà ông đã phát triển được 3 năm và chờ tới năm sau để thu hoạch. Nguồn thu hằng ngày của gia đình ông từ nấu rượu, chăn nuôi heo, đi rừng và làm rẫy cho các hộ gia đình khác. Với nguồn thu ổn định từ việc chăn nuôi và trồng rừng, gia đình ông đã thoát nghèo từ năm 2017. Đến nay đã trả gần hết số tiền vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội.

Đây chỉ là 2 trong nhiều trường hợp sử dụng hiệu quả nguồn vốn vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội để phát triển kinh tế. Theo Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) huyện Hòa Vang, tính đến 29-6, tại 2 thôn Tà Lang và Giàn Bí (xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang) có 191 hộ vay là người dân tộc thiểu số với tổng dư nợ 7,7 tỷ đồng, không có nợ quá hạn. Ông Đoàn Ngọc Cẩm, Giám đốc NHCSXH huyện Hòa Vang cho biết, nguồn vốn tín dụng ưu đãi do NHCSXH đầu tư cho gần 100% hộ đồng bào dân tộc thiểu số tại các xã, thôn và có những hộ đã vay vốn từ 2-3 chương trình tín dụng ưu đãi, nguồn vốn này chủ yếu đầu tư vào sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, chăn nuôi, xây dựng, sửa chữa nhà ở, công trình nước sạch, vệ sinh môi trường, hỗ trợ kinh phí học tập…qua đó, giúp các hộ đồng bào dân tộc thiểu số từng bước vượt qua khó khăn.

Tuy vậy, thực tế vẫn có những trường hợp làm ăn không hiệu quả từ nguồn vốn vay và có nhiều lý do khác nhau như địa hình hiểm trở, khó khăn, thường xuyên bị ảnh hưởng bởi thời tiết, biến đổi khí hậu, thiên tai hoặc các yếu tố xung quanh khác…dẫn đến hộ vay sản xuất – kinh doanh thua lỗ, gặp khó khăn để trả nợ. Trường hợp của chị H.T.M.T (thôn Tà Lang, xã Hòa Bắc) là một ví dụ. Chị T. đã vay NHCSXH huyện Hòa Vang 20 triệu đồng chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn về sửa chữa nhà vệ sinh, làm bể nước; vay 40 triệu đồng chương trình vay hộ nghèo về trồng rừng và chăn nuôi hỗn hợp. Tuy nhiên, năm 2019, toàn bộ số vốn của chị để đầu tư vào gieo trồng cây keo đã mất sạch sau một đêm do một đàn bò thả rông vào phá và ăn cây con. Cùng thời điểm đó, con gái đầu của chị bị phát hiện u não và con trai út bị bệnh tim, hiện chị đang một mình nuôi con nên kinh tế vô cùng khó khăn.

Ngoài những lý do khách quan, cũng có một số trường hợp các hộ vay vốn chưa hiệu quả do có tư tưởng ỷ lại, trông chờ. Theo ông Đoàn Ngọc Cẩm, hiện NHCSXH cùng tổ tiết kiệm và vay vốn đang tiếp tục đẩy mạnh phổ biến, tuyên truyền để người dân vùng nông thôn, trong đó có các hộ đồng bào dân tộc thiểu số sử dụng nguồn vốn sao cho hiệu quả, phối hợp với các đơn vị liên quan khác thực hiện an sinh xã hội và xây dựng nông thôn mới.

Theo NHCSXH huyện Hòa Vang, tính đến ngày 26-6-2020, tổng dư nợ toàn huyện Hòa Vang đạt 527,4 tỷ đồng, tăng 46,1 tỷ đồng so với cuối năm 2019. Nợ quá hạn là 280 triệu đồng, chiếm 0,05% và duy trì bằng tỷ lệ cuối năm 2019. Hiện tại, huyện Hòa Vang đang thực hiện 17 chương trình vay vốn; có 337 tổ tiết kiệm và vay vốn với gần 14.700 khách hàng vay vốn trên địa bàn 11 xã.

MAI QUẾ

;
;
.
.
.
.
.
Liên kết hữu ích