Bảo đảm giao dịch ngân hàng thông suốt

.

Trước nhu cầu sử dụng tiền mặt của người dân tăng cao vào dịp cuối năm, các ngân hàng thương mại đang thực hiện các giải pháp bảo đảm giao dịch để các máy ATM hoạt động an toàn, thông suốt.

Các ngân hàng đã bảo dưỡng máy móc để phục vụ cho nhu cầu rút tiền mặt cuối năm của người dân. TRONG ẢNH: Khách hàng giao dịch tại các máy ATM của Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank).	                Ảnh: M.QUẾ
Các ngân hàng đã bảo dưỡng máy móc để phục vụ cho nhu cầu rút tiền mặt cuối năm của người dân. TRONG ẢNH: Khách hàng giao dịch tại các máy ATM của Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank). Ảnh: M.QUẾ

Là ngân hàng có số lượng máy ATM nằm trong nhóm nhiều nhất trên địa bàn thành phố, ngay từ đầu tháng 1, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) - Chi nhánh Đà Nẵng đã bảo dưỡng 40 cây ATM thuộc khu vực quản lý, phân các ca trực nhằm bảo đảm các máy ATM hoạt động liên tục và luôn sẵn sàng lượng tiền mặt để người dân giao dịch.

Giám đốc Agribank - Chi nhánh Đà Nẵng Trần Ngọc Ân cho biết, chi nhánh đã chủ động xây dựng kế hoạch, trên cơ sở đó kịp thời phát hiện và khắc phục những sự cố khiến máy ATM ngừng hoạt động như: kẹt tiền, hết tiền, lỗi phần cứng... nhằm hạn chế tối đa việc gián đoạn quá trình rút tiền. Theo đó, một lần rút tiền tại máy ATM được tối đa 5 triệu đồng và hạn mức tối đa 25 triệu đồng/ngày.

Agribank đã lắp đặt một số máy gửi, rút tiền tự động (CDM) giúp khách hàng gửi, rút tiền linh hoạt, hạn mức cao hơn đáp ứng nhu cầu phục vụ người dân 24/24 giờ. Còn Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) đã lắp đặt 2 máy CDM ở quận Thanh Khê và quận Sơn Trà.

Hiện hầu hết các ngân hàng thương mại đã chuẩn bị các phương án dự phòng như: lắp đặt thiết bị tự động nhắn tin cho bộ phận tiếp quỹ khi máy gần hết tiền để tiếp quỹ kịp thời, niêm yết công khai, đầy đủ hướng dẫn sử dụng, số điện thoại của bộ phận hỗ trợ khách hàng tại địa điểm đặt máy ATM để khách hàng liên hệ khi cần thiết. Để bảo đảm an toàn trong trường hợp dịch bệnh diễn biến phức tạp, các ngân hàng sẽ có đội ngũ bảo vệ để đề nghị khách hàng xếp hàng cách nhau 2m.

Theo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam - Chi nhánh Đà Nẵng, toàn thành phố có hơn 500 máy ATM phân bố khắp các quận, huyện nên các năm gần đây, việc quá tải ATM không xuất hiện nhiều. Tại các khu công nghiệp, khu chế xuất tập trung đông cán bộ, công nhân, để tránh tình trạng gián đoạn hoạt động khiến người dân xếp hàng chờ rút tiền, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam - Chi nhánh Đà Nẵng yêu cầu các ngân hàng thương mại chủ động làm việc với các doanh nghiệp để điều chỉnh thời gian trả lương hợp lý, xây dựng phương án dự phòng chi trả lương, thưởng, tăng cường tuyên truyền thanh toán không dùng tiền mặt, nhất là trong xu hướng mua sắm trực tuyến đang ngày càng tăng lên.

Dịp Tết Nguyên đán cũng là thời điểm nhu cầu đổi tiền mới của người dân ngày càng nhiều. Tuy nhiên, vừa qua, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã ban hành thông báo yêu cầu Ngân hàng Nhà nước các tỉnh, thành phố tuyệt đối không thực hiện đổi tiền mới in (cả dịp Tết Nguyên đán và trong năm) cho khách hàng là doanh nghiệp, cá nhân.

Tết năm nay là năm thứ 8 Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tiếp tục không phát hành tiền lẻ, mệnh giá thấp dưới 5.000 đồng, nhưng đã chủ động cung cấp tiền mệnh giá nhỏ, gồm cả tiền cũ và tiền mới vào nhiều thời điểm trong năm nhằm phục vụ nhu cầu thanh toán.

Dù vậy, qua khảo sát, một số trang facebook như “đổi tiền mới Đà Nẵng”, “đổi tiền lì xì Đà Nẵng” có đăng tải các dịch vụ đổi tiền mới với chi phí khoảng 5-15% tùy theo mệnh giá và số lượng tiền, cùng theo đó là quảng cáo tiền luôn mới và liền series.

Tuy nhiên, theo Khoản 5 Điều 30 Nghị định số 88/2019/NĐ-CP ngày 14-11-2019 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng, sẽ phạt tiền từ 20-40 triệu đồng đối với việc thực hiện đổi tiền không đúng quy định pháp luật đối với cá nhân, còn đối với tổ chức sẽ gấp đôi mức phạt tùy theo vi phạm cụ thể.

MAI QUẾ

;
;
.
.
.
.
.
Liên kết hữu ích