Thu lãi 400 triệu đồng/năm nhờ nuôi chồn hương

.

Những năm qua, trại nuôi sinh sản chồn hương và dúi (chuột nứa) của anh Nguyễn Hữu Khánh (sinh năm 1986) tại thôn Phú Hạ, xã Hòa Sơn, huyện Hòa Vang hoạt động ổn định, hiệu quả, mang lại lợi nhuận 400 triệu đồng/năm. 

Cơ duyên đến với nghề nuôi chồn hương của anh Nguyễn Hữu Khánh từ một lần xin 3 con chồn hương non của người dân đi rừng về để chăm sóc vào năm 2013. Anh Khánh chia sẻ, khi đó, anh thấy tội nghiệp vì 3 con chồn hương còn rất nhỏ nên đem về cho bú sữa bình và chăm sóc. Sau một thời gian chăm sóc thì chồn hương đẻ con ngày càng nhiều.

“Bà con xung quanh nói tôi nuôi chồn hương “mát tay” vì trước đây cũng có hộ nông dân trên địa bàn huyện nuôi nhưng không hiệu quả. Tới năm 2017, tôi quyết định đầu tư xây dựng một trại nuôi và đăng ký với Chi cục Kiểm lâm (trực thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố) để thành lập trại nuôi sinh sản chồn hương và con dúi”, anh Khánh chia sẻ.

Quyết định nghỉ việc ở một khách sạn, anh Khánh chuyên tâm vào nuôi chồn hương. Anh đầu tư 100 triệu đồng để xây 3 khu nuôi chồn hương, dúi là khu chồn bố, mẹ sinh sản; chồn hậu bị (chồn giống) và khu nuôi riêng chồn bệnh với tổng đàn ban đầu vào năm 2017 là 26 con chồn hương và 62 con dúi. Tuy nhiên, vì hạn chế về nguồn thức ăn và nhiệt độ sống của dúi không phù hợp với miền Trung (25 – 30 độ C) nên anh Khánh giảm dần số lượng dúi và tập trung vào nuôi chồn hương. Đến tháng 12, trại nuôi của anh Khánh có 55 con chồn bố mẹ, 20 con chồn con và 45 con dúi.

Theo anh Khánh, để chồn hương tăng đàn nhanh, đạt năng suất cao thì chuồng trại phải cao ráo, yên tĩnh, đông ấm hè mát, xung quanh bao lưới chắc chắn để chồn không thoát ra ngoài, đặc biệt trong chuồng có cây gác để chồn vận động. Điều này tạo môi trường tự nhiên giúp chồn phát triển khỏe, đẻ nhiều và chăm sóc con tốt hơn.

Vì chồn hương là động vật ngủ ngày, hoạt động ban đêm nên anh Khánh dành ra 2 tiếng mỗi sáng để vệ sinh chuồng trại và cho chồn hương ăn thêm trái cây chín trước khi ngủ. Đến 17- 18 giờ là bữa ăn chính của chồn hương với thức ăn là cháo nấu với đầu cá hoặc ăn cá sống. Anh Khánh chia sẻ, lúc mới nuôi, vì chủ quan nên anh cho chồn ăn chung một máng ăn nên khi bị bệnh tiêu hóa thì lây lan ra cả đàn rất nhanh.

Sau đó, anh Khánh tìm hiểu thêm các kinh nghiệm nuôi chồn hương qua sách vở và người có kinh nghiệm để chữa dứt điểm và xây chuồng với máng ăn tách biệt, trông nom từng con một. Với những con chồn hương mới mua từ trại giống khác về, anh cũng cho nuôi riêng và theo dõi trong 10-15 ngày trước khi nhập vào khu nuôi chung. Từ đó, chồn hương ít mắc bệnh hẳn.

Chồn con nuôi trong 2 tháng là có thể xuất chuồng để bán giống với giá 6 triệu đồng/cặp; chồn giống từ 3-4 tháng nặng khoảng 1kg/con có giá 7 triệu đồng/cặp bao gồm cả kỹ thuật chăm sóc và giấy phép nuôi của Chi cục kiểm lâm với các thông tin về xuất xứ và số lượng con cụ thể. Theo anh Khánh, chồn được chọn bán giống có bộ lông mượt mà, phát triển tốt, ăn khỏe, nhanh nhẹn; với những con chồn không đạt tiêu chuẩn thì giá rẻ hơn.

Sau 3 năm xây dựng trại nuôi một cách bài bản, anh Khánh đã có nhiều khách hàng từ khắp nơi trong cả nước như Hà Nội, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Thành phố Hồ Chí Minh… Mỗi năm, sau khi trừ chi phí, anh Khánh thu lãi 350 - 400 triệu đồng từ chồn hương. Ngoài ra, anh Khánh lãi khoảng 50 - 100 triệu đồng/năm từ nuôi con dúi, cụ thể, dúi từ 2-3 tháng có giá 800.000 đồng/cặp, từ 5-6 tháng giá 1,2 triệu đồng/cặp và dúi hậu bị là 1,8 triệu đồng/cặp.

Chủ tịch Hội Nông dân xã Hòa Sơn Nguyễn Văn Hải cho biết, trại nuôi chồn hương và dúi của anh Nguyễn Hữu Khánh là mô hình nông nghiệp điển hình của xã và mang lại kinh tế ổn định cho gia đình anh Khánh. Hiện anh Khánh đang hướng dẫn cho những hộ dân khác nếu có nhu cầu nuôi để phát triển kinh tế, tất cả đều có giấy phép và chứng nhận xuất xứ. Qua đó, hy vọng mô hình nuôi chồn hương sẽ được nhân rộng, giúp bà con có thu nhập ổn định.

MAI QUẾ

;
;
.
.
.
.
.