Đà Nẵng hội đủ yếu tố hình thành "thành phố đặc biệt"

.

Ngày 1-3, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì cuộc họp về báo cáo điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; trong đó lưu ý đến việc Đà Nẵng cần phấn đấu phát triển theo hướng trở thành thành phố loại đặc biệt của Việt Nam; là thành phố đáng sống, an toàn... Báo Đà Nẵng đã nhận được ý kiến của một số chuyên gia xoay quanh vấn đề này.

Đà Nẵng phát triển theo hướng trở thành thành phố loại đặc biệt của Việt Nam. Ảnh: XUÂN SƠN
Đà Nẵng phát triển theo hướng trở thành thành phố loại đặc biệt của Việt Nam. Ảnh: XUÂN SƠN

Ông Nguyễn Cửu Loan, Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng Thư ký Hội Quy hoạch phát triển đô thị thành phố Đà Nẵng: Hội đủ yếu tố hình thành “thành phố đặc biệt”

Nội dung đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã đặt nhiệm vụ cho thành phố phát triển bền vững với mục đích và mục tiêu là xây dựng “Thành phố môi trường bền vững”; “Thành phố kinh tế bền vững”; “Thành phố lấy con người làm trung tâm phát triển” và “Thành phố có quản lý tốt”. Quy hoạch đã định vị  khu vực, vị trí vai trò của đô thị Đà Nẵng đối với vùng, quốc gia, quốc tế. Trong đó, nêu vấn đề kết nối đến các đô thị lớn trong nước và khu vực châu Á thể hiện qua vai trò của Cảng Hàng không quốc tế Đà Nẵng; cảng biển, cảng du lịch; trục giao thông đường bộ, đường sắt đối ngoại… Từ đây xác định về tầm nhìn, mục tiêu và các chiến lược phát triển của thành phố Đà Nẵng, mở ra nhiều yếu tố phát triển đô thị thành “thành phố đặc biệt”.

Xuất phát từ địa chính trị, địa kinh tế, Đà Nẵng hội tụ bản sắc của một thành phố sông nước bền vững đặt trong khối kết nối đến toàn cầu, toàn khu vực, toàn thành phố. Đô thị Đà Nẵng đã và đang được bảo đảm về quản lý và phát triển hiệu quả dài hạn. Đặc biệt là thái độ sẵn sàng của người dân, doanh nghiệp và cơ quan quản lý Nhà nước hứng khởi nắm bắt tiềm năng để bước vào quá trình đô thị hóa lần thứ hai. Hạ tầng đô thị là điểm tựa cho sự phát triển mạnh mẽ của đô thị Đà Nẵng khi mà chiến lược hàng không xác định giữ sân bay hiện hữu và nâng cấp thành đô thị sân bay, tối ưu hóa và hợp tác với các sân bay Phú Bài và Chu Lai.

Về cảng biển, đưa cảng Liên Chiểu thành cảng chính cho hàng hóa và logistics; cảng Tiên Sa vừa bổ sung năng lực vận tải cho cảng Liên Chiểu lẫn đảm nhận vai trò phục vụ phát triển cho du lịch. Điều này vừa phù hợp với chiến lược phát triển hệ thống cảng biển miền Trung, vừa phù hợp với kết nối hệ thống giao thông quốc gia và khu vực. Đối với đường sắt quốc gia và nhà ga được phát triển song hành với đường cao tốc Bắc-Nam. Quy hoạch thiết kế cảnh quan đô thị cũng là yếu tố làm cho đô thị Đà Nẵng có diện mạo mới với cấu trúc cảnh quan gồm 3 vùng đô thị đặc trưng: vùng ven mặt nước, vùng lõi xanh, vùng sườn đồi và 1 vùng sinh thái. Chuyển đổi mô hình phát triển đô thị dàn trải qua sử dụng đất đơn năng, phát triển đơn cực thành đô thị nén, sử dụng đất hỗn hợp, đất đơn vị kết hợp với thương mại dịch vụ, phát triển đa cực, đa trung tâm…

Thành phố đã xác định rõ vị trí, vai trò là đô thị hạt nhân của chuỗi đô thị Huế - Đà Nẵng - Chu Lai Kỳ Hà - Dung Quất (Vạn Tường) - Quy Nhơn; hình thành vùng đô thị Đà Nẵng, bao gồm Chân Mây (Lăng Cô) - Đà Nẵng - Điện Bàn - Hội An - Nam Hội An. Mô hình phát triển đô thị đa cực với một số khu vực nén tại khu vực trung tâm và đầu mối giao thông, khai thác hiệu quả cơ sở hạ tầng; dành không gian xanh, bảo tồn rừng sinh thái tự nhiên.

Đây thực sự là tổng hòa các yếu tố làm cho Đà Nẵng trở thành “thành phố đặc biệt” như mong muốn của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp phê duyệt Quy hoạch chung đối với thành phố Đà Nẵng vào ngày 1-3-2021. Được biết, Thủ tướng cũng đã chỉ đạo lưu ý Đà Nẵng cần tập trung phát triển công nghiệp công nghệ cao cùng với việc phát triển du lịch; có giải pháp bảo vệ môi trường, nhất là môi trường biển, thích ứng biến đổi khí hậu và nước biển dâng; củng cố vị thế quốc phòng, an ninh.

Đặc biệt, quản lý công khai, minh bạch, có cơ chế kiểm tra, giám sát việc phát triển theo đúng quy hoạch được duyệt và các bộ, ngành tạo mọi điều kiện để Đà Nẵng thực hiện các dự án hạ tầng đầu mối nhằm phát triển thành phố theo quy hoạch được duyệt. Hy vọng, việc điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, trong thời gian đến Đà Nẵng sẽ xứng tầm là một đô thị hiện đại, đô thị động lực của miền Trung và là “thành phố đặc biệt”.

TRIỆU TÙNG ghi

;
;
.
.
.
.
.