Đòn bẩy từ hoạt động ngoại giao kinh tế

.

Trong những năm qua, thực hiện Chương trình hành động số 29-Ctr/TU ngày 19-9-2013 của Thành ủy về thực hiện Nghị quyết số 22-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa XI) về hội nhập quốc tế, công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế của thành phố đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Qua đó, thành phố đã thu hút mạnh mẽ các nguồn đầu tư, viện trợ phi chính phủ, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn thành phố.

Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư thành phố ký kết Bản ghi nhớ hợp tác với Trung tâm Phát triển giải pháp về linh kiện xe hơi tại Việt Nam thuộc Tập đoàn LG (Hàn Quốc). 								             Ảnh: H.H
Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư thành phố ký kết Bản ghi nhớ hợp tác với Trung tâm Phát triển giải pháp về linh kiện xe hơi tại Việt Nam thuộc Tập đoàn LG (Hàn Quốc). Ảnh: H.H

Thu hút đầu tư nước ngoài đúng định hướng

Theo Giám đốc Sở Ngoại vụ Huỳnh Đức Trường, xác định công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế là lĩnh vực quan trọng, không thể thiếu trong quá trình xây dựng và phát triển thành phố, Sở Ngoại vụ thành phố là cơ quan chủ trì, tham mưu, phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan triển khai đa dạng các hoạt động đối ngoại.

Đặc biệt, theo ông Trường, ngoại giao kinh tế là một trong ba trụ cột quan trọng, được thành phố xác định thông qua Đề án tổng thể công tác ngoại giao kinh tế giai đoạn 2016-2020.

Bà Đỗ Thị Quỳnh Trâm, Phó Giám đốc Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư thành phố cho biết, giai đoạn 2016-2020, xác định các tập đoàn đa quốc gia và doanh nghiệp đến từ Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore là đối tác trọng điểm, Ban đã chủ động làm việc và trực tiếp ký kết biên bản ghi nhớ với 13 tổ chức, công ty; hợp tác thúc đẩy công tác quảng bá, kết nối doanh nghiệp, tổ chức các hoạt động thu hút đầu tư vào thành phố; thường xuyên kết nối và phát triển mối quan hệ đối tác với các tổ chức nước ngoài.

Trong năm 2020, trước tác động của Covid-19, Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư thành phố đã chủ động tham mưu, chủ trì và phối hợp tổ chức 11 sự kiện xúc tiến đầu tư trực tuyến cho các thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, Hoa Kỳ, châu Âu,... thu hút đầu tư trong các lĩnh vực công nghệ cao, công nghệ phụ trợ, công nghệ thông tin, dịch vụ y tế, giáo dục chất lượng cao.

Bên cạnh đó, Ban hỗ trợ hơn 420 lượt doanh nghiệp, nhà đầu tư giải quyết các thủ tục, tháo gỡ khó khăn để tiếp tục triển khai và mở rộng quy mô dự án đầu tư trên địa bàn thành phố.

5 năm qua, thành phố đã thu hút mới 544 dự án đầu tư nước ngoài với tổng vốn đầu tư hơn 1,062 tỷ USD, tăng 47 triệu USD và tăng 320 dự án so với giai đoạn 2011-2015. Các lĩnh vực đầu tư đã theo đúng định hướng của thành phố, trong đó có nhiều nhà đầu tư lớn đến từ các quốc gia phát triển.

Thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội

Theo ông Nguyễn Xuân Bình, Phó Giám đốc Sở Du lịch, du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, là lĩnh vực không thể thiếu trong Đề án Tổng thể về công tác ngoại giao kinh tế.

Sở Du lịch đã triển khai nhiều giải pháp để thu hút khách du lịch quốc tế, từng bước định vị được thị trường khách quốc tế và xây dựng chiến lược xúc tiến phù hợp; tích cực tham gia các hội chợ du lịch quốc tế và tổ chức các chương trình xúc tiến, quảng bá du lịch Đà Nẵng ra nước ngoài. Giai đoạn 2016-2019, sở đã tổ chức, tham gia hơn 30 chương trình quảng bá du lịch Đà Nẵng tại các thị trường quốc tế trọng điểm.

Bên cạnh đó, Sở Du lịch cũng đẩy mạnh quan hệ hợp tác với các địa phương lân cận và quốc tế, ký kết 11 liên kết hợp tác với các đối tác quốc tế nhằm triển khai các hoạt động xúc tiến, quảng bá, phối hợp xây dựng thương hiệu điểm đến an toàn, thân thiện, mến khách.

Nhờ đó, giai đoạn 2016-2019, tốc độ tăng trưởng bình quân khách quốc tế đạt 29,15%/năm, tăng 16,83% so với kế hoạch, đóng góp lớn vào tăng trưởng lĩnh vực du lịch, dịch vụ và thương mại của thành phố.

Trên cơ sở thực hiện đề án về ngoại giao kinh tế, hằng năm, Sở Công thương thành phố tổ chức 3 đến 5 đoàn với gần 40 lượt doanh nghiệp tham gia hội chợ triển lãm và khảo sát thị trường tại các nước lân cận.

Qua đó đã kết nối, xúc tiến hoạt động giao thương, xuất, nhập khẩu giữa Đà Nẵng và các nước. Giai đoạn 2016-2020, thành phố đã vận động 351 chương trình, dự án, các khoản viện trợ phi chính phủ nước ngoài với tổng kinh phí cam kết hơn 597,9 tỷ đồng.

Đến nay, Đà Nẵng có quan hệ viện trợ với 195 tổ chức quốc tế, quỹ doanh nghiệp nước ngoài và tổ chức phi chính phủ nước ngoài. Các dự án hỗ trợ chủ yếu đào tạo nghề, tạo việc làm cho thanh niên khó khăn, đối tượng yếu thế; nâng cao chất lượng giáo dục, chăm sóc sức khỏe cho trẻ em nghèo, khó khăn,...

“Ngoại giao kinh tế đã thực hiện tốt vai trò hỗ trợ, triển khai các hoạt động kinh tế đối ngoại, phát huy tối đa nội lực của thành phố để thu hút đầu tư. Bên cạnh đó, ngoại giao kinh tế đã kết hợp hài hòa với ngoại giao chính trị và ngoại giao văn hóa, mở ra các cơ hội, kết nối đối tác, khai thác thị trường tiềm năng để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội thành phố”, ông Trường nhấn mạnh.

HUY HOÀNG

;
;
.
.
.
.
.