Khởi nghiệp thành công từ mô hình nuôi trồng tảo xoắn Spirulina

.

Khởi đầu từ phòng nghiên cứu công nghệ vi tảo khoa Sinh - Môi trường, Trường Đại học Sư phạm (Đại học Đà Nẵng), nhóm sinh viên của khoa đã thành công trong việc đưa sản phẩm ra thị trường, chuyển giao công nghệ và hiện là một trong những dự án khởi nghiệp được ươm tạo tại Khu Công nghệ cao Đà Nẵng.

Nhóm nghiên cứu AlgaeVi trao đổi về cách đưa sản phẩm đến người tiêu dùng. Ảnh: PHONG LAN
Nhóm nghiên cứu AlgaeVi trao đổi về cách đưa sản phẩm đến người tiêu dùng. Ảnh: PHONG LAN

Chúng tôi gặp nhóm sinh viên của khoa Sinh - Môi trường (AlgaeVi) với 5 sinh viên, vào một buổi chiều đầu tháng 4 tại Trung tâm Dịch vụ tổng hợp Khu Công nghệ cao (xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang). Phần lớn các thành viên trong nhóm vẫn còn ngồi trên ghế nhà trường tại khoa Sinh - Môi trường (Trường Đại học Sư phạm), song nhóm đã đạt một số thành quả đáng nể trên hành trình khởi nghiệp như: bán được sản phẩm, làm chủ giống và quy trình sản xuất, chuyển giao thành công công nghệ cho doanh nghiệp...

Anh Lê Văn Kiêm, cựu sinh viên khoa Sinh - Môi trường, đại diện nhóm chia sẻ, thế mạnh và cũng là nền tảng khởi nghiệp của nhóm chính là những công trình nghiên cứu khoa học bài bản, đáng tin cậy được thực hiện ở Trường Đại học Sư phạm.

AlgaeVi xuất phát từ dự án nghiên cứu “Phát triển mô hình sản xuất ứng dụng công nghệ cao và tạo sản phẩm giá trị gia tăng từ sinh khối tảo xoắn Spirulina tại Đà Nẵng” do TS Trịnh Đăng Mậu, Phó Trưởng khoa Sinh - Môi trường và anh Lê Văn Kiêm đồng tác giả. Anh Kiêm cho biết, dự án xuất phát từ thực trạng tảo xoắn Việt Nam có giá trị đã được công nhận.

Tuy nhu cầu ở thị trường trong và ngoài nước khá lớn, song lại chưa có nguồn giống ổn định, công nghệ sản xuất và chế biến còn thô sơ. Với thế mạnh về nghiên cứu khoa học, nhóm bắt tay vào giải quyết khâu đầu tiên cũng là khâu quan trọng nhất là ứng dụng sinh học phân tử để chọn lọc và thuần hóa giống, giúp giống tảo thích nghi tốt nhất, còn nhóm có thể kiểm soát và chủ động toàn bộ trong sản xuất giống tảo. Cùng với đó, nhóm nghiên cứu và xây dựng công nghệ nuôi trồng, mô hình sản xuất tảo.

Theo TS Trịnh Đăng Mậu, đây là khâu ảnh hưởng đến độ ổn định, chất lượng và chi phí của sản phẩm. Cách làm của nhóm tập trung vào 3 yếu tố: công thức dinh dưỡng được hoàn thiện từ các nghiên cứu khoa học; tối ưu điều kiện sinh thái và ứng dụng thiết bị tự động hóa trong sản xuất, kiểm soát quy trình.

Nhóm đã xây dựng thành công quy trình sản xuất sạch, khép kín, hạn chế tối đa chất thải và sử dụng tối thiểu nguồn tài nguyên thiên nhiên nhờ sử dụng hệ thống túi nuôi tảo gắn với các thiết bị cảm biến giúp quan trắc tự động chất lượng môi trường, kiểm soát điều kiện nuôi tảo theo thời gian thực.

Anh Lê Văn Kiêm lý giải: “Thông thường, các đơn vị nuôi tảo sử dụng bể nuôi cố định thay vì túi nuôi di động. Song, túi nuôi có kinh phí đầu tư và chi phí vận hành chỉ bằng 20-25% so với bể nuôi, trong khi tốc độ sinh trưởng của tảo nuôi trong túi gấp đôi tảo nuôi trong bể. Để bảo đảm môi trường khép kín, ít có sự tác động của con người nhất có thể, nhóm đã tự thiết kế, chế tạo máy đo tốc độ sinh trưởng tảo xoắn tự động, máy thu và rửa tảo... Đây chính là phần khó nhất trong dự án, bởi trên thị trường gần như chưa có những loại máy này nên nhóm phải tự nghiên cứu nhu cầu thực tế, lên bản vẽ, sản xuất và lắp đặt. Sau vài lần thử nghiệm, đến nay, quy trình sản xuất, thu hoạch và chế biến tảo đã vận hành khá ổn”.

Từ tảo xoắn, AlgaeVi sản xuất ra nhiều dòng sản phẩm như: bột tảo, cốm tảo, bánh quy tảo, trà tảo…giúp bổ sung protein, acid amin và các khoáng chất cần thiết cho cơ thể. Ngoài ra, còn có viên nang, viên nén, viên nhộng tảo giúp tăng cường sức đề kháng, chống oxy hóa, chống lão hóa, hỗ trợ điều trị các bệnh liên quan đến tim mạch và hệ miễn dịch.

Bên cạnh đó, AlgaeVi đang đẩy mạnh nghiên cứu các loại tảo có giá trị cao khác như: tảo hồng cầu, tảo đom đóm, tảo bi hay các nhóm tảo biển khác. Theo đó, ứng dụng của tảo không chỉ dừng lại ở dòng thực phẩm, trong tương lai, nhóm sẽ hướng đến dược phẩm, mỹ phẩm hay các hợp chất thứ cấp tinh sạch khác.

Đặc biệt, AlgaeVi đang hợp tác với các doanh nghiệp trên cả nước nhằm thực hiện dự án nuôi trồng tảo xoắn quy mô công nghiệp, tạo ra sản phẩm từ sinh khối, điển hình là dự án hợp tác tư vấn và chuyển giao quy trình công nghệ, trang thiết bị để sản xuất sinh khối và sản phẩm tảo xoắn Spirulina cho Hợp tác xã công nghệ cao Vạn Tường (Quảng Ngãi).

Thời gian tới, mục tiêu của AlgaeVi là phát triển doanh nghiệp sản xuất tảo ứng dụng công nghệ cao, trở thành doanh nghiệp khoa học công nghệ của thành phố.

Bên cạnh đó, xây dựng được chuỗi hệ thống sản xuất cung cấp nguyên liệu tảo xoắn và các sản phẩm từ tảo xoắn bảo đảm chất lượng, cung cấp cho thị trường trong và ngoài nước.

Với việc tham gia ươm tạo tại Khu Công nghệ cao, AlgaeVi mong muốn được kết nối với các phòng nghiên cứu công nghệ tảo, các hợp tác xã, doanh nghiệp; đồng thời, tiếp tục bổ sung các kiến thức, kỹ năng về khởi nghiệp.

PHONG LAN

;
;
.
.
.
.
.