Chủ động nguồn hàng hóa thiết yếu, ưu tiên bán hàng không trực tiếp

.

Ngày 6-5, UBND thành phố ban hành Công văn số 2707/UBND-KGVX yêu cầu tạm dừng hoạt động tại các nhà hàng, cửa hàng, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn, uống kể từ 12 giờ ngày 7-5-2021 cho đến khi có thông báo mới. Sau khi công văn ban hành, từ 12 giờ trưa cùng ngày, các nhà hàng, quán cà phê, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống chỉ bán hàng mang đi và không phục vụ tại chỗ. Ghi nhận tại các địa phương đều nghiêm túc chấp hành chỉ đạo của thành phố. 

Nhiều cửa hàng, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống nghiêm túc thực hiện việc bán hàng mang về. Trong ảnh: Một tiệm bánh mì trên đường Nguyễn Chí Thanh yêu cầu khách hàng giữ khoảng cách khi mua hàng (ảnh chụp trưa 7-5). Ảnh: VĂN HOÀNG
Nhiều cửa hàng, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống nghiêm túc thực hiện việc bán hàng mang về. TRONG ẢNH Một tiệm bánh mì trên đường Nguyễn Chí Thanh yêu cầu khách hàng giữ khoảng cách khi mua hàng. (Ảnh chụp trưa 7-5). Ảnh: VĂN HOÀNG

Không phục vụ khách tại chỗ, chỉ bán hàng mang đi

Các nhà hàng, quán cà phê, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống thực hiện nghiêm túc việc bán hàng cho khách mang đi, không phục vụ tại chỗ theo đúng tinh thần chỉ đạo. Thời gian này, nhiều hệ thống siêu thị, cửa hàng cũng cam kết bảo đảm cung cấp đủ nguồn hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu người dân với nguồn hàng dự trữ dồi dào, phong phú.

Bà Lê Thanh Tuyến, chủ quán cơm bình dân trên tuyến đường Nguyễn Văn Thoại (quận Sơn Trà) cho biết, khi biết thông báo của thành phố sẽ tạm dừng phục vụ khách vào ăn tại quán từ trưa ngày 7-5, bà đã chủ động dán bảng thông báo “chỉ bán mang về” ở phía ngoài cửa hàng; đồng thời cũng nấu ít hơn thường ngày để tránh tình trạng không bán hết, dư thừa đồ ăn.

Theo ông Huỳnh Văn Hùng, Phó Chủ tịch UBND quận Sơn Trà, qua quá trình kiểm tra thực tế, các cơ sở kinh doanh trên địa bàn quận đều nghiêm túc chấp hành triệt để. Một số quán cà phê đã chủ động dọn dẹp, đóng cửa hàng, hạn chế khách vào ra. Trước đó, quận đã có văn bản gửi các phòng, ban, UBND các phường, Phòng Văn hóa - Thông tin quận để có kế hoạch tuyên truyền. Quận sử dụng 8 ô-tô để tuyên truyền lưu động, lực lượng trật tự của các phường tăng cường kiểm tra, nhắc nhở các hộ kinh doanh phải thực hiện theo quy định.

Tương tự, tại quận Thanh Khê, một số cửa hàng còn trang bị nước sát khuẩn tay, yêu cầu khách hàng mang khẩu trang, đứng giãn cách để bảo đảm an toàn phòng, chống dịch. Chị Nguyễn Thị Thanh Tuyết, chủ quán bánh canh Tuyết Sang (150 Lê Độ) cho biết chị luôn tuân thủ và ủng hộ quyết định của thành phố.

Đồng quan điểm, anh Trần Văn An, chủ quán cà phê Loca (110 Nguyễn Hoàng) cho hay, quán đã ký cam kết thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống Covid-19, trong đó có nội dung chỉ bán hàng cho khách mang về. Vì thế không cần đợi đến 12 giờ trưa, quán đã dọn dẹp bàn ghế, chỉ để lại 1 nhân viên pha chế.

Qua ghi nhận tại phường Tam Thuận, quận Thanh Khê, Chủ tịch UBND phường Hồ Đàm Như Nga cho hay, phường đã thực hiện tuyên truyền liên tục trên trang thông tin điện tử, loa phát thanh, băng rôn, tờ rơi…; phối hợp với Tổ Kiểm tra quy tắc đô thị, lực lượng dân quân tuyên truyền bằng loa di động nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân và các hộ kinh doanh ăn uống. Tính đến sáng 7-5, phường đã vận động 245 hàng quán ký cam kết thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch. Ngoài ra, tại chợ Tam Thuận, Ban Quản lý chợ cũng thông báo cho 10 hộ kinh doanh hàng ăn uống chỉ được bán cho khách mang đi, đặt hàng và bán hàng qua mạng; tuyệt đối nghiêm cấm hành vi phục vụ khách ăn uống tại chỗ.

Theo tìm hiểu, quận Thanh Khê đã có văn bản chỉ đạo 10 phường trên địa bàn triển khai thông báo, thực hiện ký cam kết. Qua kiểm tra sơ bộ, các hộ kinh doanh trên địa bàn đều thực hiện đúng như cam kết. Quận cũng yêu cầu các phường tăng cường lực lượng ra quân kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm trường hợp cố tình vi phạm, không tuân thủ các quy định.

Ông Nguyễn Hòa, Chủ tịch UBND quận Ngũ Hành Sơn cũng cho hay, trong sáng 7-5, các lực lượng của 4 phường Mỹ An, Khuê Mỹ, Hòa Hải, Hòa Quý đã ra quân kiểm tra, ký cam kết, thực hiện nghiêm việc tạm ngưng hoạt động bán hàng tại chỗ. Các chủ cơ sở đều nghiêm túc chấp hành.

Bảo đảm nguồn cung, không lo thiếu hàng

Ông Vũ Thanh Tân, cán bộ quản lý truyền thông Big C Việt Nam cho biết, nhằm bảo đảm nguồn cung các mặt hàng thiết yếu để ứng phó diễn biến mới của dịch bệnh, hiện siêu thị Big C Đà Nẵng đã tiến hành dự trữ các mặt hàng như: gạo, đường, muối, mì, bún, phở, dầu ăn, nước mắm… với khối lượng hàng hóa tăng gấp đôi ngày thường. Về các mặt hàng thiết yếu để phòng, chống dịch như: khẩu trang, dung dịch sát khuẩn…, siêu thị cũng đã dự trữ nguồn hàng có thể tiêu thụ trong 4 tháng tiếp theo. Đặc biệt, Big C đang áp dụng chương trình giao hàng miễn phí trong bán kính 10km với hóa đơn từ 200.000 đồng trở lên, giúp khách hàng hạn chế di chuyển, tiếp xúc nơi đông người.

Tương tự, tại siêu thị Co.opmart Sơn Trà, hàng hóa thiết yếu như: mì gói, các loại bún khô, gạo, đồ hộp và nước đóng chai… đã lên kệ, bảo đảm phục vụ cho nhu cầu mua sắm của người dân. Bà Lê Thị Hiền, Giám đốc Co.opmart Sơn Trà cho biết: “Nhằm đa dạng các hình thức đặt hàng, giao hàng để khách hàng có thể sử dụng các dịch vụ thuận tiện, nhanh chóng và an toàn, siêu thị đã áp dụng nhiều kênh mua sắm online như: đặt hàng qua số điện thoại zalo: 02363.925.333, đặt hàng qua app: SaigonCoop, fanpage: Co.opmart Sơn Trà. Ngoài ra, siêu thị áp dụng cộng dồn hóa đơn chính trong ngày để khách hàng tham gia các chương trình khuyến mãi khác”.

Trong khi đó, Giám đốc siêu thị Danavi Mart Phan Như Yến thông tin, siêu thị đang tập trung bổ sung hàng thực phẩm thiết yếu như: thịt, cá hộp, thực phẩm đóng gói, đông lạnh… Dự kiến lượng hàng hóa được nhập sẽ tăng 30%.

“Chúng tôi khuyến khích khách hàng mua sắm và thanh toán online trong thời điểm hiện nay. Khách hàng chỉ cần chọn lựa theo danh mục món hàng và liên hệ siêu thị bằng các hình thức gọi điện trực tiếp hoặc chụp hình gửi qua zalo, viber, tin nhắn theo số điện thoại trên phiếu đặt hàng, hàng sẽ được đưa tới tận nhà. Danavi Mart miễn phí giao hàng trong bán kính 5km với hóa đơn từ 300.000 đồng và tính phí 5.000 đồng với mỗi km tăng thêm”, bà Yến nói.

Tại các cửa hàng thực phẩm sạch như An Phú Farm (đường Nguyễn Chí Thanh), NongPro (đường Ngô Quyền), hệ thống Vitamart, Organica (đường Nguyễn Du), Thu Bồn Mart (đường Hoàng Diệu)… đều triển khai hình thức bán hàng online. Tùy mỗi cửa hàng, với hóa đơn đạt giá trị tối thiểu, khách hàng có thể được giao hàng miễn phí.

Bà Lê Thị Kim Phương, Giám đốc Sở Công thương cho hay, trước bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, để góp phần vào công tác phòng, chống dịch, Sở Công thương đã tổng hợp danh sách các đơn vị, các hộ tiểu thương cung cấp lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm, suất ăn công nghiệp (đặt hàng hotline, giao hàng tận nhà) để phục vụ nhu cầu thiết yếu của nhân dân, hạn chế việc đi lại, góp phần giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm Covid-19. Theo đó, các mặt hàng được giao tận nhà đa dạng từ rau hành, lagim, thực phẩm khô, dầu, gạo, mắm đến thực phẩm thủy hải sản, thịt, cá tươi sống mỗi ngày.

Ngoài ra, Sở Công thương cũng yêu cầu giám đốc các trung tâm thương mại, siêu thị, chủ cửa hàng tiện lợi, cửa hàng tạp hóa, đơn vị cung cấp suất ăn, cung ứng lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm cũng như các đơn vị sản xuất, kinh doanh khẩu trang y tế, nước rửa tay sát khuẩn, vật tư và trang thiết bị y tế trên địa bàn thành phố xây dựng kế hoạch cân đối, dự trữ hàng hóa và bảo đảm cung cấp đủ số lượng khẩu trang y tế, nước rửa tay sát khuẩn, vật tư và trang thiết bị y tế, hàng hóa tiêu dùng, lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm cho người dân; tuyệt đối không được găm hàng, đầu cơ, tăng giá gây bất ổn thị trường.

Nhằm tiếp tục tăng cường công tác phòng, chống Covid-19, hạn chế tối đa nguy cơ lây nhiễm dịch tại các chợ, ngày 7-5, Sở Công thương ban hành Công văn số 840/SCT-QLCN đề nghị Công ty Quản lý và Phát triển các chợ Đà Nẵng quán triệt, chỉ đạo các Ban Quản lý chợ khẩn trương triển khai dọn vệ sinh môi trường, phun thuốc khử trùng, tiêu độc tại các chợ; bố trí, sắp xếp vị trí bốc dỡ, vận chuyển hàng hóa phù hợp, bảo đảm an ninh trật tự; đặc biệt lưu ý đối với chợ Đầu mối Hòa Cường là nơi tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm Covid-19 phải quyết liệt thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch, không được chủ quan, lơ là. Đồng thời, giao Thanh tra Sở Công thương chủ trì kiểm tra, giám sát việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch tại các chợ, báo cáo giám đốc sở xem xét, xử lý đối với lãnh đạo ban quản lý chợ và các ca trực có liên quan trong trường hợp để xảy ra tình trạng các tiểu thương, người lao động và khách hàng vào chợ không thực hiện các biện pháp phòng, chống Covid-19 theo quy định.

THU HÀ - QUỲNH TRANG- VĂN HOÀNG

;
;
.
.
.
.
.
Liên kết hữu ích