Theo các kịch bản về tăng trưởng kinh tế thành phố trong quý 4-2021, sản xuất công nghiệp được dự báo có thể đạt mức tăng trưởng 3-5,05%. Do đó, việc đẩy mạnh tái khởi động hoạt động sản xuất, kinh doanh trong thời điểm này là quan trọng bởi không chỉ có ý nghĩa đối với năm 2021 mà còn tạo tiền đề để bước sang năm 2022 thuận lợi hơn.
Thành phố tiếp tục đẩy mạnh hoạt động sản xuất, kinh doanh từ nay đến cuối năm để tạo đà tăng trưởng trong năm 2022. TRONG ẢNH: Hoạt động sản xuất tại Công ty CP Dệt may 29-3. Ảnh: KHÁNH HÒA |
Gấp rút hoàn thành các đơn hàng
Tại Công ty TNHH Matrix Việt Nam (chi nhánh ở Khu công nghiệp (KCN) Hòa Cầm, quận Cẩm Lệ), không khí sản xuất diễn ra khá sôi nổi với 95% công nhân đã quay trở lại làm việc trong hơn một tháng qua. Bà Nguyễn Thị Bích Hợi, quản lý nhân sự của doanh nghiệp cho biết, công ty đang gấp rút hoàn thành đơn hàng là các sản phẩm đồ chơi trẻ em xuất khẩu sang thị trường nhiều nước châu Âu, Mỹ, Đông Âu. Thông thường, thời điểm cuối năm, số lượng đơn hàng tăng trung bình 40-50% so với các tháng còn lại trong năm. Tuy nhiên, năm nay do ảnh hưởng bởi dịch bệnh nên thời điểm này công ty ưu tiên để hoàn thành kịp các đơn hàng cũ. Hiện, đơn hàng của đơn vị đã ổn định để duy trì cho cuối năm và những tháng đầu năm 2022.
Tương tự, Công ty TNHH Bắc Đẩu (KCN Dịch vụ thủy sản Đà Nẵng) đang tăng tốc với việc khôi phục lại hoàn toàn các dây chuyền sản xuất. Theo ông Nguyễn Văn Chín, Giám đốc công ty, hiện sản lượng của doanh nghiệp đạt hơn 50% so với thời điểm chưa có dịch do nguồn nguyên liệu đầu vào chỉ bảo đảm 30-40% so với cùng kỳ các năm trước. Tuy nhiên, công ty vẫn duy trì được việc làm và thu nhập cho công nhân cũng như nguồn hàng xuất khẩu chả cá đông lạnh qua các thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Malaysia... Đây cũng là tình hình chung tại nhiều doanh nghiệp sản xuất trên địa bàn thành phố trong gần 2 tháng trở lại đây khi bước vào mùa sản xuất cao điểm cuối năm.
Theo báo cáo từ Sở Công Thương, mặc dù Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) thành phố 10 tháng của năm nay giảm 4,19% so với cùng kỳ 2020 nhưng với mức tăng 7,6% trong tháng 10-2021 (so với tháng 9) cho thấy sức bật nhanh chóng của toàn ngành ngay sau khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát, sản xuất được khôi phục. Một số ngành có tăng trưởng giảm so với cùng kỳ năm 2020 như: công nghiệp chế biến - chế tạo giảm 10%; sản xuất và phân phối điện giảm 7,04%; cung cấp nước và xử lý rác thải giảm 11,3%; sản xuất máy móc thiết bị giảm 38,9%; sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn (trừ máy móc, thiết bị) giảm 24,9%; sản xuất hàng may sẵn (trừ trang phục) giảm 22,7%; may trang phục giảm 13,1%; sản xuất giấy giảm 12,2%; sản xuất đồ chơi giảm 10,8%; sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy giảm 5,5%…
Tuy vậy, trong ngành công nghiệp chế biến - chế tạo, có 11/22 phân ngành cấp 2 và 16/36 phân ngành cấp 4 được thống kê có chỉ số IIP tăng so cùng kỳ, trong đó có nhiều ngành tăng khá cao như: đóng tàu và cấu kiện nổi tăng 43%; sản xuất săm, lốp cao su tăng 41,4%; sản xuất vải dệt thoi tăng 29,7%); %; sản xuất giường, tủ, bàn, ghế tăng 25,6%; sản xuất dụng cụ thể dục, thể thao tăng 23,5%; sản xuất thiết bị điện tăng 22,5%; sản xuất sản phẩm điện tử tăng 18,6%; chế biến sữa và các sản phẩm từ sữa tăng 20,8%; sản xuất phụ tùng và bộ phận phụ trợ cho xe có động cơ và động cơ xe tăng 16,9%; sản xuất hóa chất và sản phẩm từ hóa chất tăng 12,8%; sản xuất da và các sản phẩm có liên quan tăng 6,9%; sản xuất kim loại tăng 6,7%…
Bà Nguyễn Thị Thúy Mai, Phó Giám đốc Sở Công Thương phân tích, trong tháng 10, tình hình Covid-19 tại Đà Nẵng và các tỉnh phía Nam được kiểm soát nên việc lưu thông hàng hóa, nguyên vật liệu được nối lại đã góp phần quan trọng giúp doanh nghiệp ngành công nghiệp khôi phục sản xuất để đáp ứng các đơn hàng đã ký kết. Bên cạnh đó, thành phố triển khai nhanh các giải pháp hỗ trợ khôi phục sản xuất và thực hiện chủ trương “sống chung với dịch” theo chỉ đạo của Chính phủ cũng là động thái quan trọng, tạo động lực để khôi phục sản xuất, thúc đẩy tăng trưởng trong tháng 10 cũng như những tháng cuối năm 2021.
Trong điều kiện dịch bệnh được kiểm soát tốt, ngành công nghiệp thành phố hướng đến đạt mức tăng trưởng 3%-5,05% trong quý 4-2021. TRONG ẢNH: Hoạt động sản xuất tại Công ty TNHH Bắc Đẩu (Khu công nghiệp Dịch vụ thủy sản Đà Nẵng). Ảnh: KHÁNH HÒA |
Tạo tiền đề cho năm 2022
Trong kế hoạch phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trong trạng thái bình thường mới do UBND thành phố ban hành, ở 3 kịch bản dự báo tăng trưởng kinh tế, trong quý 4 này, các ngành công nghiệp cơ bản phục hồi tăng trưởng ở các mức lần lượt là 3%, 4,04% và 5,05%. Kết quả này dựa trên cơ sở tình hình dịch bệnh tiếp tục được kiểm soát tốt, tiến độ phủ sóng vắc-xin được đẩy nhanh cũng như các giải pháp để thúc đẩy, hỗ trợ doanh nghiệp được thành phố xúc tiến triển khai, sớm có hiệu lực sớm trong thực tiễn.
Các kịch bản kinh tế cũng cho thấy, nếu đạt được đà tăng trưởng như nói trên trong quý 4, tính chung đến cuối năm 2021, ngành công nghiệp của thành phố sẽ ngăn được đà sụt giảm sâu về tăng trưởng để dừng lại ở mức giảm cao nhất chỉ 2,51% so với cuối năm 2020. Kết quả này sẽ là tiền đề quan trọng để ngành công nghiệp phục hồi tốt hơn nữa khi bước sang năm 2022.
Bà Nguyễn Thị Thúy Mai cho biết, từ nay đến cuối năm 2021 cũng như bước sang năm 2022, hoạt động sản xuất của ngành công nghiệp sẽ diễn ra trong trạng thái bình thường mới, doanh nghiệp thích nghi với mục tiêu “kép”, vừa sản xuất vừa bảo đảm phòng dịch. Trên cơ sở đó, các cấp ngành, trong đó có ngành công thương tiếp tục theo dõi, nắm bắt kịp thời các khó khăn và vướng mắc của doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu nhằm tham mưu, giải quyết, xử lý kịp thời.
Ngành công thương tiếp tục đẩy mạnh triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ đã ban hành, có liên quan trực tiếp đến phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp; tập trung hỗ trợ, thúc đẩy phát triển các lĩnh vực công nghiệp ưu tiên, công nghiệp hỗ trợ, các hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp/cơ sở sản xuất trên địa bàn thành phố... Đồng thời, ngành cũng triển khai hiệu quả các chương trình, kế hoạch về công tác hội nhập kinh tế quốc tế, trong đó tập trung vào kế hoạch thực thi các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới... nhằm hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu tăng tính cạnh tranh tại các thị trường xuất khẩu chính của thành phố như EU, Mỹ, Nhật Bản...
KHÁNH HÒA