Sự điều chỉnh tăng giá những mặt hàng nhiên liệu thiết yếu vừa qua như xăng, gas... khiến người tiêu dùng lo ngại sẽ có đợt tăng giá mới. Tuy nhiên, ghi nhận tại thị trường thành phố sau một tuần, hiện giá cả các mặt hàng lương thực, thực phẩm vẫn ổn định do sức mua yếu.
Hiện sức mua trên thị trường khá chậm nên giá cả các mặt hàng không bị ảnh hưởng bởi giá nhiên liệu tăng thời gian qua. TRONG ẢNH: Khách mua hàng tại Trung tâm MM Mega Market. Ảnh: QUỲNH TRANG |
Ghi nhận tại các chợ bán lẻ trên địa bàn như chợ An Hải Đông, Phước Mỹ (quận Sơn Trà), chợ Bắc Mỹ An (quận Ngũ Hành Sơn), chợ Hàn, chợ Cồn (quận Hải Châu)…, giá một số loại rau, củ vẫn ổn định và chưa có dấu hiệu tăng so với tháng trước. Xà lách vẫn giữ ở mức: 45.000 đồng/kg, cải thìa: 20.000 đồng/kg, đậu ve: 25.000 đồng/kg, cà chua: 20.000 đồng/kg, dưa leo: 20.000 đồng/kg... Trong khi đó, một số mặt hàng thực phẩm giảm giá mạnh như trứng gà chỉ còn 20.000 đồng/hộp 10 trứng, trứng vịt có giá 30.000 đồng/hộp 10 trứng, thịt gà, thịt vịt, thịt heo đồng loạt giảm từ 10.000-15.000 đồng/kg so với trước.
Theo các tiểu thương tại những chợ này, sở dĩ mức giá được giữ ổn định là do hiện nay sức mua yếu. Trong khi đó, tại các chợ đầu mối về rau, củ, thực phẩm tươi sống như: chợ đầu mối Hòa Cường, chợ đầu mối thủy sản Thọ Quang hiện cũng chưa có sự biến động nào về giá cả. Ông Diệp Hoàng Thông Anh, Trưởng ban quản lý chợ đầu mối Hòa Cường cho biết: “Lượng hàng về chợ đầu mối vẫn dồi dào, ổn định và sức mua giảm khoảng 20-30% nên không có sự tăng giá đột biến”.
Theo thông tin từ Cục Thống kê, hiện nay việc lưu thông hàng hóa thuận tiện hơn, cung ứng được lượng hàng hóa nhiều hơn thời gian trước. Nguồn cung hàng hóa nhập về thuận lợi dẫn đến chi phí giảm, giá thành các loại hàng lương thực, thực phẩm cũng giảm, cụ thể nhóm lương thực giảm 0,55%, nhóm thực phẩm giảm 3,26% so với tháng trước. Tuy đã dần trở lại trạng thái bình thường nhưng mức tiêu thụ mặt hàng thịt heo vẫn còn nhiều hạn chế (một số nhà hàng, quán ăn đón khách với số lượng giới hạn, một số khác chưa hoạt động trở lại, các trường học vẫn đóng cửa, khách sạn chưa mở cửa lại nhiều...), dẫn đến vẫn tồn đọng một lượng lớn heo bị quá lứa, khó bán nên giá thành vẫn liên tiếp giảm.
Ông Nguyễn Văn Lợi, Giám đốc siêu thị Vinmart Đà Nẵng (tầng 2 Vincom Plaza) cho biết: “Hưởng ứng lời kêu gọi tham gia “Tuần lễ khuyến mại kích cầu mua sắm” của Sở Công Thương, siêu thị đã chuẩn bị nguồn hàng lớn tham gia chương trình, đa số rơi vào nhóm ngành hàng thiết yếu như: thịt, cá, bánh, kẹo, thời trang... Hiện, hầu hết các nhóm hàng tại Vinmart không có mặt hàng nào tăng giá đột biến, chỉ có một số mặt hàng có thể đứt hàng/khan hiếm hàng ở một thời điểm nhất định do nhà cung ứng gặp sự cố liên quan đến Covid-19”. Hiện Sở Công Thương đã chỉ đạo các ban, ngành tăng cường kiểm tra, kiểm soát khi có đột biến về giá cả.
Nhằm kích cầu tiêu dùng, tạo điều kiện để người tiêu dùng mua sắm hàng hóa thiết yếu với chất lượng, giá cả phù hợp và thực hiện chủ trương của UBND thành phố về phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trong điều kiện thích ứng, an toàn, linh hoạt với Covid-19, Sở Công Thương đã tổ chức phát động “Tuần lễ khuyến mại kích cầu mua sắm” trên địa bàn từ ngày 4 đến 10-11. Chương trình nhận được sự hưởng ứng tham gia tích cực của 15 trung tâm thương mại, siêu thị lớn với hơn 5.000 mặt hàng khuyến mại các loại. Ngoài ra, các chuỗi cửa hàng, cơ sở sản xuất, kinh doanh cũng tổ chức nhiều chương trình tại các điểm khuyến mại, bao gồm các nhóm, ngành hàng như điện máy, điện tử, điện lạnh, dịch vụ viễn thông, nông sản thực phẩm, thực phẩm chế biến, thời trang...
Phó Giám đốc Sở Công Thương Nguyễn Hữu Hạnh cho biết, việc song song thực hiện chương trình “Tuần lễ khuyến mại kích cầu mua sắm” và chương trình “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã góp phần kích cầu tiêu dùng, thúc đẩy phát triển kinh tế và vùng nguyên liệu, tiêu thụ hàng nông sản và cung cấp hàng hóa, sản phẩm phục vụ tiêu dùng cho người dân các tỉnh, thành phố lân cận.
QUỲNH TRANG