Kinh tế

Du khách hiến kế phục hồi du lịch

09:40, 09/12/2021 (GMT+7)

Du lịch an toàn, bảo đảm công tác phòng, chống dịch; tăng cường xúc tiến, quảng bá; xây dựng các sản phẩm du lịch mới; phát triển du lịch bền vững và kích cầu, thực hiện các chương trình khuyến mãi là 5 nhóm giải pháp phục hồi du lịch được du khách đề xuất thông qua khảo sát trực tuyến do Trung tâm Xúc tiến du lịch Đà Nẵng thực hiện vừa qua.

Du khách khi đến Đà Nẵng mong muốn thành phố có nhiều sản phẩm du lịch mới, hấp dẫn hơn. Ảnh: VĂN HOÀNG
Du khách khi đến Đà Nẵng mong muốn thành phố có nhiều sản phẩm du lịch mới, hấp dẫn hơn. Ảnh: VĂN HOÀNG

Theo Trung tâm Xúc tiến du lịch Đà Nẵng, từ năm 2020 đến nay, tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp khiến tâm lý của khách du lịch nội địa thay đổi đáng kể. Để có dữ liệu chính xác hơn về tình hình thị trường, nhu cầu và xu hướng của khách đối với việc lựa chọn điểm đến Đà Nẵng sau tác động của Covid-19, trung tâm đã tổ chức khảo sát trực tuyến từ ngày 19-9 đến 24-10. Đây là cơ sở để đề xuất những giải pháp trong công tác xúc tiến quảng bá và đầu tư sản phẩm phù hợp trong thời gian đến.

Cuộc khảo sát đã thu hút 2.534 du khách tham gia với hơn 2.500 đề xuất phục hồi, phát triển du lịch Đà Nẵng. Qua khảo sát cho thấy, Đà Nẵng là điểm đến quen thuộc đối với khách du lịch nội địa với 83% khách đã một hoặc nhiều lần đến Đà Nẵng, tỷ lệ này cao hơn gần 10% so với đợt khảo sát năm 2020. Tuy nhiên, sau 4 đợt Covid-19, du khách nội địa có tâm lý thận trọng hơn.

Cụ thể: có gần 42% khách chưa rõ thời gian đi du lịch và chờ vào tình hình dịch bệnh được kiểm soát; hơn 29% khách dự định đi du lịch Đà Nẵng cuối năm 2021 và 28% sẽ đi du lịch vào đầu năm 2022. Theo ý kiến của nhiều du khách, thành phố cần tập trung 5 nhóm giải pháp để khôi phục du lịch gồm: du lịch an toàn, bảo đảm công tác phòng, chống dịch; tăng cường công tác xúc tiến, quảng bá; xây dựng các sản phẩm du lịch mới; phát triển du lịch bền vững và kích cầu, thực hiện các chương trình khuyến mãi.

Chị Trần Thị Bích (một người tham gia khảo sát đến từ Thành phố Hồ Chí Minh) đề xuất, để tạo tâm lý an toàn cho du khách khi đến Đà Nẵng, các cơ sở kinh doanh dịch vụ, nhà hàng, khách sạn, doanh nghiệp trong ngành du lịch cần tiêm đủ 2 mũi vắc-xin cho người lao động; đồng thời, không chủ quan, lơ là trong phòng, chống dịch. Bên cạnh đó, cần bổ sung nhiều chương trình khuyến mãi về sức khỏe mùa dịch, các phiếu giảm giá dạng bảo hiểm, chi trả chi phí cách ly, xét nghiệm…

Một số du khách khác cũng cho biết, để tránh tình trạng ùn tắc khi kiểm tra y tế tại sân bay, điểm du lịch…, thành phố cần xem xét ứng dụng công nghệ như: nhận diện khuôn mặt và mống mắt để xác minh danh tính thay cho hệ thống quét vân tay truyền thống; thống nhất 1 mã QR của du khách khi đến Đà Nẵng. Ngoài ra, cần lắp đặt nhiều camera, đặc biệt là tại các khu, điểm du lịch, nơi công cộng nhằm kiểm soát việc thực hiện đầy đủ quy tắc 5K theo khuyến cáo. Trong giai đoạn đầu mở cửa, có thể giới hạn số lượng khách tại các địa điểm tham quan tùy tình hình thực tế.

Trong khi đó, chị Võ Nhật Vy (du khách đến từ tỉnh Khánh Hòa) nêu ý kiến, Đà Nẵng cần xây dựng và có thêm những sản phẩm du lịch mới. Chẳng hạn như phát triển du lịch xanh với việc mở rộng các mô hình trang trại và các tour thực phẩm xanh như: tiêu chí “ăn xanh, uống xanh, ngủ sạch”; mở thêm các tour du lịch đến những địa điểm hoang sơ, mới lạ; xây dựng thêm các tour đặc biệt gắn liền với lịch sử, văn hóa, thiên nhiên… “Trong thời điểm hiện tại, tôi ưu tiên chọn những trải nghiệm độc đáo, mới lạ và dễ gây ấn tượng. Tôi nghĩ rằng, việc kết hợp du lịch nghỉ dưỡng và biết thêm về lịch sử phát triển cũng như những dấu ấn riêng của Đà Nẵng sẽ tạo hứng thú cho du khách”, chị Võ Nhật Vy cho hay.

Bên cạnh việc công bố minh bạch tình hình kiểm soát dịch bệnh trên địa bàn, thông tin rộng rãi quy định đối với du khách khi đi du lịch trong giai đoạn bình thường mới, thành phố Đà Nẵng cũng như các đơn vị cần tổ chức các chương trình xúc tiến quảng bá sản phẩm du lịch mới, sự kiện lớn cùng các gói khuyến mãi đến du khách trong và ngoài nước.

Mặt khác, các địa điểm du lịch nên xây dựng và áp dụng công nghệ kỹ thuật số nhằm quảng bá du lịch của địa phương, tổ chức các sàn giao dịch, triển lãm trực tuyến… Nhằm lan tỏa hình ảnh khách du lịch quay lại Đà Nẵng, nhiều du khách cũng đề xuất thành phố vận động các khu, điểm du lịch (Ba Na Hills, Núi Thần Tài, Asia Park... ) miễn giảm 20-50% giá vé cho khách du lịch chụp hình check in có gắn hashtag #dulichdanang#danang... đăng trên trang cá nhân. Không ít du khách bày tỏ, khi tỷ lệ tiêm phủ vắc-xin của người dân Đà Nẵng đạt yêu cầu, thành phố nên xem xét tổ chức các sự kiện, lễ hội bảo đảm an toàn trong dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán để phục vụ người dân tại chỗ và thu hút du khách.

Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến du lịch Đà Nẵng Mai Thị Thanh Hải cho biết, việc thu thập các thông tin từ việc khảo sát này là cơ sở, căn cứ để thành phố, ngành du lịch có những giải pháp trong công tác xúc tiến quảng bá, phục hồi du lịch Đà Nẵng. Ngoài ra, đây còn là cơ hội để những người làm du lịch xây dựng các chương trình kích cầu, đầu tư sản phẩm phù hợp với thị trường, phân khúc khách hàng.

“Qua khảo sát, chúng tôi nhận thấy môi trường du lịch an toàn là yếu tố hàng đầu thu hút du khách trong tình hình dịch bệnh trên thế giới diễn biến phức tạp như hiện nay. Hiện trung tâm đang thực hiện nghiên cứu về các thị trường khách quốc tế như Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản...; đồng thời, xây dựng kế hoạch xúc tiến, đón du khách trong năm 2022”, bà Mai Thị Thanh Hải thông tin.

VĂN HOÀNG

.