Kinh tế

Khai thác dư địa thành động lực mới phát triển kinh tế Đà Nẵng

08:34, 28/12/2021 (GMT+7)

Kinh tế thành phố Đà Nẵng thời gian qua luôn duy trì mức tăng trưởng khá, cơ cấu tiếp tục chuyển dịch đúng hướng, các nguồn lực xã hội được phát huy, các ngành, lĩnh vực đều phát triển. Phát huy dư địa từ nền kinh tế, giai đoạn 2021-2025, thành phố xác định tập trung đổi mới mạnh mẽ mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế..., tạo nền tảng thúc đẩy phát triển theo các định hướng chiến lược

Đà Nẵng đang tập trung đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, nâng cao năng suất lao động và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Trong ảnh: Kỹ sư vận hành nhà máy nghiên cứu sản xuất thiết bị điện tử công nghệ cao SMT (Trungnam EMS) đặt tại Khu Công nghệ cao Đà Nẵng.Ảnh: NGUYỄN ĐĂNG KHIÊM
Đà Nẵng đang tập trung đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, nâng cao năng suất lao động và sức cạnh tranh của nền kinh tế. TRONG ẢNH: Kỹ sư vận hành nhà máy nghiên cứu sản xuất thiết bị điện tử công nghệ cao SMT (Trungnam EMS) đặt tại Khu Công nghệ cao Đà Nẵng. Ảnh: NGUYỄN ĐĂNG KHIÊM

Kinh tế phát triển khá toàn diện

25 năm kể từ khi thành phố Đà Nẵng trực thuộc Trung ương (1997), thành phố Đà Nẵng phát huy tối đa nội lực, huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu tư, nhất là các chủ trương, chính sách của Trung ương đối với thành phố để xây dựng và phát triển với nhiều kết quả quan trọng và rõ nét. Nổi bật như triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 16-10-2003 của Bộ Chính trị (khóa IX) về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; Kết luận số 75-KL/TW của Bộ Chính trị (khóa XI) về việc đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW; Nghị quyết số 43-NQ/TW ngày 24-1-2019 của Bộ Chính trị (khóa XII) về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết số 119/2020/QH14 của Quốc hội về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng, Nghị định số 34/2021/NĐ-CP ngày 29-3-2021 của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành Nghị quyết số 119/2020/QH14.

Báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết, sau 25 năm, thành phố Đà Nẵng trở thành đô thị có tốc độ phát triển nhanh so với nhiều địa phương trong cả nước. Kinh tế hằng năm có nhiều thay đổi theo hướng tích cực, bước vào nhóm các tỉnh, thành phố đang phát triển có mức thu nhập khá, cơ cấu kinh tế chuyển đổi tích cực, một số lĩnh vực, một số mặt đã có vị trí cao so với cả nước.

Cụ thể, tốc độ tăng trưởng thời kỳ 1997-2005 là 10,6%, thời kỳ 2006-2010 là 11,1%; do suy thoái kinh tế chung, tốc độ tăng trưởng thời kỳ 2010-2015 còn 9,7%/năm; không tính đến tác động của Covid-19, tốc độ tăng trưởng thời kỳ 2016-2019 là 7,7%, vẫn đạt cao hơn so với bình quân cả nước 6,8%. GRDP bình quân đầu người được nâng lên rõ rệt, năm 1997 chỉ đạt 420 USD/người, năm 2000 đạt 460 USD (6,9 triệu đồng), năm 2010 đạt 1.898 USD (37 triệu đồng), năm 2015 đạt 3.207 USD (69,8 triệu đồng) và đến năm 2020 đạt 3.725 USD (88,3 triệu đồng) cao hơn so với mức bình quân chung cả nước và gấp gần 9 lần so với thời điểm chưa tách tỉnh Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, tỷ trọng các ngành dịch vụ, công nghiệp - xây dựng tăng, tỷ trọng ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản giảm.

Dịch vụ, du lịch tiếp tục là ngành kinh tế mũi nhọn, có khả năng cạnh tranh quốc tế. Cơ sở hạ tầng du lịch được đầu tư phát triển mạnh, các sản phẩm du lịch tăng cả về chất lượng, số lượng và đa dạng về loại hình. Các ngành dịch vụ khác tiếp tục phát triển đa dạng và nâng cao chất lượng, đáp ứng nhu cầu đời sống, sản xuất và thương mại quốc tế, từng bước tạo lập vai trò trung tâm của khu vực và cả nước.

Trong đó, dịch vụ vận tải phát triển mạnh về quy mô và đa dạng về hình thức, nhất là đường hàng không; vận tải đường bộ và đường thủy có những bước chuyển biến rõ rệt. Lĩnh vực dịch vụ bưu chính - viễn thông, công nghệ thông tin phát triển mạnh, hạ tầng công nghệ thông tin - truyền thông được đầu tư đồng bộ, hiện đại và nâng cấp thường xuyên; thành phố dẫn đầu cả nước 12 năm liền về Chỉ số sẵn sàng ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin (2009-2020).

Các dịch vụ tài chính - ngân hàng phát triển đa dạng về loại hình hoạt động, mạng lưới các tổ chức tín dụng và hình thức cung ứng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu vốn đầu tư tư nhân. Các dịch vụ giáo dục - đào tạo, y tế, khoa học - công nghệ tiếp tục phát triển mạnh, từng bước mở rộng phạm vi, quy mô hoạt động và đa dạng hóa sản phẩm, dịch vụ, đóng góp ngày càng tích cực phát triển kinh tế - xã hội.

Cơ cấu các ngành công nghiệp chuyển dịch theo hướng tích cực, công nghiệp công nghệ thông tin phát triển tốt, thu hút đầu tư công nghiệp công nghệ cao có nhiều khởi sắc. Kinh tế biển và cảng biển có bước phát triển, hạ tầng kỹ thuật được đầu tư xây dựng và khai thác hiệu quả. Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản có những bước phát triển quan trọng, đang tiến đến một nền nông nghiệp hàng hóa, kỹ thuật tiên tiến, đa ngành và tăng trưởng ổn định.

Lĩnh vực nông nghiệp chuyển dịch theo hướng tái cơ cấu sản xuất, phát triển sản phẩm chủ lực, đặc trưng, phục vụ du lịch và đô thị. Chương trình xây dựng nông thôn mới được tích cực triển khai, tạo chuyển biến trong phát triển kinh tế nông thôn, 11/11 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới.

Thành phố tập trung triển khai nhiều biện pháp tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng, nâng cao năng lực cạnh tranh, gắn với hỗ trợ khởi nghiệp, thu hút các nguồn vốn trong và ngoài nước. Hoạt động đầu tư của các thành phần kinh tế diễn ra khá sôi động và có bước khởi sắc. Công tác sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp Nhà nước cơ bản hoàn thành.

Khu vực kinh tế tư nhân có bước phát triển mới, dần trở thành động lực quan trọng của nền kinh tế; khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài ngày càng đóng vai trò quan trọng vào tăng trưởng kinh tế của thành phố. Kinh tế thành phố phát triển toàn diện và đạt được tốc độ tăng trưởng khá; kết cấu hạ tầng đô thị được đầu tư phát triển đồng bộ. Các chủ trương về khai thác quỹ đất, tạo vốn để xây dựng kết cấu hạ tầng, phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm” cùng với công tác đền bù, giải tỏa, tái định cư tuy có quy mô khá lớn nhưng được thực hiện có hiệu quả.

UBND thành phố đã ban hành 10 kế hoạch triển khai 10 chương trình của Thành ủy Đà Nẵng về thực hiện Nghị quyết số 43-NQ/TW nhằm cụ thể hóa các định hướng chiến lược được Bộ Chính trị nêu trong nghị quyết, tạo  tiền đề hướng tới mục tiêu đến năm 2045, thành phố Đà Nẵng trở thành đô thị lớn, sinh thái và thông minh; là trung tâm khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo và thành phố biển đáng sống đạt đẳng cấp khu vực châu Á.

Phát huy dư địa từ nền kinh tế, tạo động lực phát triển mới

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư, hiện nay, thành phố đang tập trung thực hiện Nghị quyết số 43-NQ/TW. Đây là văn kiện có tính định hướng quan trọng, lâu dài, mở ra nhiều cơ hội, cơ chế phát triển thành phố trong những năm tiếp theo. Thành phố cũng tích cực thực hiện Nghị quyết số 330/NQ-HĐND ngày 19-12-2020 của HĐND thành phố về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025 có hiệu lực từ ngày 1-1-2021, là cơ sở để thành phố nỗ lực sớm lấy lại đà tăng trưởng.

Theo đó, tập trung đổi mới mạnh mẽ mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, trọng tâm là phát triển mạnh công nghiệp công nghệ cao và công nghệ thông tin, gắn với đẩy nhanh xây dựng đô thị khởi nghiệp sáng tạo, thành phố thông minh; đề xuất hình thành trung tâm tài chính tầm cỡ khu vực tại thành phố Đà Nẵng, tạo nền tảng thúc đẩy phát triển các ngành, lĩnh vực mới có giá trị gia tăng cao.

Về phát triển kinh tế, đẩy nhanh và thực hiện thực chất, có hiệu quả tiến trình tái cơ cấu kinh tế gắn với đổi mới mô hình nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Thành phố thúc đẩy tăng trưởng và duy trì chuyển dịch cơ cấu kinh tế bảo đảm phát triển bền vững (dịch vụ 63-65%; công nghiệp - xây dựng 23-25%; nông nghiệp 1-2%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm 11-12%).

Cùng với đó, thành phố triển khai tổ chức  thực hiện đồng bộ, có hiệu quả 3 trụ cột, 5 lĩnh vực mũi nhọn về phát triển kinh tế theo Nghị quyết số 43-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa XII), trọng tâm là: phát triển du lịch, dịch vụ chất lượng cao gắn với bất động sản nghỉ dưỡng, sớm khôi phục và đẩy mạnh các hoạt động du lịch sau Covid-19; khuyến khích phát triển các loại hình sản phẩm du lịch chất lượng cao; tăng cường xúc tiến, quảng bá du lịch; định hướng đa dạng hóa thị trường, tích cực xúc tiến, đăng cai tổ chức các sự kiện mang tầm quốc tế và khu vực, từng bước đưa Đà Nẵng trở thành thành phố sự kiện, trung tâm hội nghị quốc tế; đầu tư công nghệ số, phát triển du lịch thông minh.

Thành phố phát triển các ngành dịch vụ thương mại, tài chính - ngân hàng, giáo dục và đào tạo, y tế chất lượng cao, y tế du lịch… có khả năng cạnh tranh và kết nối cao với các trung tâm dịch vụ quốc tế trong khu vực Đông Nam Á và thế giới; tập trung xây dựng và đề xuất cơ chế, chính sách để hình thành trung tâm tài chính; hỗ trợ, tạo điều kiện thu hút đầu tư, xây dựng các trung tâm mua sắm, khu phi thuế quan...

Thành phố phát triển cảng biển nước sâu, mở rộng và nâng công suất Cảng Hàng không quốc tế Đà Nẵng gắn với phát triển dịch vụ logistics và trung chuyển quốc tế; tập trung phát triển thành phố trở thành một trung tâm kinh tế biển, hướng đến hình thành chuỗi cung ứng dịch vụ logistics tại miền Trung với vai trò là cửa ngõ giao nhận, vận chuyển với các địa phương, các quốc gia khu vực ASEAN và quốc tế. Đồng thời phát triển công nghiệp công nghệ cao gắn với xây dựng đô thị khởi nghiệp sáng tạo, thật sự trở thành động lực chính thúc đẩy tăng trưởng.

Thành phố cần triển khai có hiệu quả đề án “Xây dựng Đà Nẵng trở thành trung tâm khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo quốc gia tại khu vực miền Trung - Tây Nguyên”; phát triển công nghiệp công nghệ thông tin, điện tử, viễn thông gắn với kinh tế số, xây dựng thành phố thông minh; phát triển hạ tầng công nghiệp công nghệ thông tin, đến năm 2025 có 4 khu công viên phần mềm, khu công nghệ thông tin, đóng góp khoảng 10% GRDP thành phố. Đẩy mạnh phát triển sản xuất sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, xây dựng nông thôn mới toàn diện, bền vững gắn với đô thị hóa và thực hiện các chính sách phát triển kinh tế biển.

Một số giải pháp, nhiệm vụ phát triển kinh tế thành phố được xác định như: đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, có trọng điểm, phù hợp với quy hoạch thành phố đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; thực hiện linh hoạt, đồng bộ cơ chế, chính sách, tăng cường thu hút các nguồn lực đầu tư; phát triển các lĩnh vực văn hóa - xã hội đồng bộ với phát triển kinh tế, chú trọng xây dựng và phát triển toàn diện con người Đà Nẵng, làm nền tảng cho thành phố phát triển bền vững, hướng đến xây dựng “thành phố đáng sống”.

Trong đó, thành phố phát triển mạnh mẽ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo để tạo bứt phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh trong bối cảnh Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4; khuyến khích doanh nghiệp ứng dụng, đổi mới công nghệ, nhất là trong các lĩnh vực kinh tế mũi nhọn của thành phố. Địa phương cũng huy động mọi nguồn lực cho phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, nhất là từ doanh nghiệp; phấn đấu đến năm 2025, hỗ trợ phát triển 200 dự án khởi nghiệp sáng tạo, 100 doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo thương mại hóa sản phẩm. 

TRIỆU TÙNG

"Đà Nẵng phát huy tinh thần tự lực, tự cường, đổi mới, sáng tạo để biến không thành có, biến khó thành dễ, đi lên từ bàn tay, khối óc, khung trời, cửa biển của mình. Đà Nẵng phải đẩy mạnh việc nghiên cứu, tìm ra động lực mới cho phát triển; cơ cấu lại nền kinh tế sao cho hợp lý, hiệu quả hơn, trong đó hướng đến phát triển các ngành công nghệ cao, đổi mới sáng tạo...; thực hiện xây dựng các quy hoạch tổng thể và các quy hoạch ngành”
Phát biểu của Thủ  tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại buổi làm việc với thành phố Đà Nẵng ngày 1-12-2021

 

.