Kinh tế
Vào mùa làm hàng Tết
Chỉ còn hơn 1 tháng nữa là đến Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh đang đẩy mạnh sản xuất, khai thác nguồn hàng với nhiều chủng loại hàng hóa, mẫu mã phong phú, chất lượng bảo đảm, đi kèm là nhiều chương trình khuyến mại phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân.
Hiện nay, các ngành chức năng đang linh hoạt thực hiện các giải pháp kích cầu để tăng sức mua dịp cuối năm. TRONG ẢNH: Công nhân đang sản xuất bánh dừa nướng tại cơ sở Mỹ Phương Foods (quận Cẩm Lệ). Ảnh: QUỲNH TRANG |
Chuẩn bị nguồn hàng phong phú
Thời điểm này, các cơ sở sản xuất bánh, kẹo, mứt, dưa kiệu, nước mắm… trên địa bàn thành phố đang tất bật chuẩn bị nguồn nguyên liệu, nhân công, kết nối các đại lý, mở rộng thị trường tiêu thụ... Ông Nguyễn Phi Sinh (chủ cơ sở giò chả Thảo Sinh, phường Hòa Khê, quận Thanh Khê) cho biết, các sản phẩm tương ớt, chà bông gà, heo, thịt bò khô..., những món có thể để trong thời gian dài đã được cơ sở chuẩn bị nguồn hàng tương đối ổn định. Riêng với mặt hàng chả bò, chả heo thì chỉ làm trước Tết Nguyên đán 10 ngày.
“Chúng tôi chỉ bảo đảm mức sản xuất tương đương so với năm ngoái chứ không “mạo hiểm” tăng lượng hàng Tết như mọi năm. Hiện nguồn nguyên liệu đang vào mùa nên khá dồi dào, tuy nhiên, giá một số nguyên liệu như bao bì, gia vị lại tăng khá cao. Dù vậy, chúng tôi vẫn cố gắng giữ giá, “lấy công làm lời” để bù cho phần chi phí gia tăng chứ nếu tăng giá nữa thì khó cạnh tranh”, ông Sinh nói.
Tương tự, những ngày này, cơ sở sản xuất bánh dừa nướng Mỹ Phương Foods (phường Hòa An, quận Cẩm Lệ) sực nức mùi bột, đậu, dừa. Hàng chục công nhân thoăn thoắt nướng bánh, đóng gói, nhận đơn hàng. Theo bà Mai Thị Ý Nhi (chủ cơ sở Mỹ Phương Foods), hiện đơn vị cung ứng ra thị trường 80.000 gói bánh dừa/tháng; dịp Tết, các mặt hàng bánh, kẹo luôn có thị trường lớn hơn bình thường. Dù chịu cạnh tranh với hàng ngoại nhập nhưng người dân đã chọn tiêu dùng hàng Việt nhiều. Đặc biệt là xu hướng của người tiêu dùng đang chuyển mạnh về các mặt hàng đặc sản.
Bên cạnh mặt hàng bánh, kẹo, nước giải khát, nước mắm cũng là mặt hàng có sức tiêu thụ lớn trong dịp Tết cổ truyền. Theo tìm hiểu, vài năm trở lại đây, nước mắm Nam Ô dần được thị trường ưa chuộng, làm ra bao nhiêu bán hết bấy nhiêu nên người dân sản xuất sản phẩm gối đầu quanh năm.
Ông Nguyễn Việt Dũng, Giám đốc HTX Mắm Bình Minh cho hay, ngay từ đầu tháng 11, ông đã muối cá để bảo đảm độ “chín” của cá và lưu giữ hương vị đậm đà. Đến nay, công ty đã sẵn sàng nguồn hàng lớn phục vụ cho vụ Tết năm nay. Giá nước mắm đang dao động ở mức 70.000 - 100.000 đồng/lít. Cơ sở đã đầu tư vào bao bì sản phẩm đẹp hơn để phục vụ nhu cầu biếu, tặng của khách hàng.
Hiện nay, các ngành chức năng đang linh hoạt thực hiện các giải pháp kích cầu để tăng sức mua dịp cuối năm. TRONG ẢNH: Khách mua hàng tại phiên chợ kết nối tiêu thụ hàng Việt đầu tháng 12-2021. Ảnh: QUỲNH TRANG |
Hàng hóa đa dạng
Qua khảo sát, ngay từ đầu tháng 12, các siêu thị, cơ sở sản xuất, kinh doanh và chợ truyền thống đã chuẩn bị nguồn hàng hóa khá đa dạng, chủ yếu như: bánh kẹo, thực phẩm, nước giải khát... Một số đơn vị còn chủ động triển khai các chương trình đặc biệt nhằm góp phần bình ổn giá tiêu dùng. Theo nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, điều khiến các đơn vị lo lắng nhất trong mùa kinh doanh Tết năm nay là sức mua của thị trường. Hiện tại, mặc dù Covid-19 được ngành chức năng kiểm soát nhưng sức mua còn thấp so với nhiều năm trước.
Theo thông tin từ Công ty Quản lý và Phát triển các chợ Đà Nẵng, các hộ kinh doanh tại 4 chợ lớn của thành phố như chợ Cồn, chợ Hàn, chợ Đống Đa, chợ Đầu mối Hòa Cường đã có kế hoạch dự trữ hàng hóa thiết yếu phục vụ Tết Nguyên đán, ước khoảng gần 250 tỷ đồng. Cụ thể: 69 tấn gạo nếp, gần 30 tấn thịt các loại, hơn 4.000 tấn rau, củ, quả. Riêng chợ Đầu mối Hòa Cường vào những ngày giáp Tết, lượng rau, củ, quả dự trữ 800-900 tấn/ngày. Ngoài ra, một số chợ lớn khác trên địa bàn thành phố cũng chuẩn bị lượng hàng hóa thiết yếu phục vụ Tết, ước hơn 300 tỷ đồng. Các cửa hàng bán lẻ cũng đã bắt đầu vào thời điểm rộn ràng hơn.
Chị Nguyễn Thị Thảo (chủ cửa hàng tạp hóa Thảo, phường Khuê Mỹ, quận Ngũ Hành Sơn) cho biết: “Những ngày này, lượng khách đến cửa hàng mua sắm đông vui hơn trước. So với mọi năm, giá cả các mặt hàng không biến động nhiều. Ðối với mặt hàng bánh kẹo, đa số người tiêu dùng lựa chọn các nhãn hàng trong nước, như: Tràng An, Hải Hà, Bibica, Kinh Ðô... bởi nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, giá cả vừa phải”.
Ông Nguyễn Tiến Dương, Giám đốc MM Mega Market nhận định: “Tết Nhâm Dần 2022 diễn ra khá sớm và nền kinh tế đang trong giai đoạn dần phục hồi sau những ảnh hưởng nặng nề từ Covid-19. Vì vậy, chúng tôi tập trung bảo đảm nguồn cung cho những mặt hàng thiết yếu như rau, củ, quả, thịt, cá, thực phẩm, bánh kẹo, đồ uống… và một số hàng gia dụng như xoong nồi, muỗng nĩa, ly, chén, đồ dùng lưu trữ thực phẩm…, giúp người tiêu dùng dễ dàng tiếp cận, tránh tình trạng hàng hóa khan hiếm và giá cả leo thang trong năm nay. Ngoài ra, để đa dạng hóa lựa chọn cho khách hàng, siêu thị cung cấp thêm mặt hàng đặc sản các vùng miền, hàng nhập khẩu và đặc sản Tết đa dạng để mang đến một cái Tết ấm cúng và đậm hương vị quê nhà cho những ai không thể trở về quê sum họp bên gia đình”.
2.000 tỷ đồng dự trữ hàng thiết yếu Theo thông tin từ Sở Công Thương, tổng giá trị dự trữ hàng thiết yếu phục vụ Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 dự kiến khoảng 2.000 tỷ đồng. Trong đó, có 19 đơn vị sản xuất, kinh doanh, phân phối tham gia dự trữ; người kinh doanh tại 4 chợ lớn, các chợ trên địa bàn quận, huyện và hệ thống thương nhân tại các tuyến phố chuyên doanh trên địa bàn thành phố. Trong trường hợp cần thiết khi tình hình dịch, bệnh trên địa bàn thành phố diễn ra phức tạp, có thể huy động gần 40 địa điểm tại các quận, huyện sẵn sàng bố trí làm điểm bán hàng lưu động để phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân. |
QUỲNH TRANG