Kinh tế

Xây dựng nền nông nghiệp hữu cơ bền vững

14:41, 22/12/2021 (GMT+7)

Tâm huyết với nông nghiệp xanh, sạch, anh Lê Việt Trung (sinh năm 1982, Giám đốc Công ty TNHH TED Technology, quận Hải Châu) và cộng sự đã tạo ra các chế phẩm sinh học chiết xuất từ vỏ tôm, mai mực, kén ấu trùng, tảo... dần thay thế phân hóa học.

Với dây chuyền sản xuất hiện đại, Công ty TNHH TED Technology (quận Hải Châu) đã tạo ra các chế phẩm sinh học phục vụ cho nông nghiệp. Ảnh: QUỲNH TRANG
Với dây chuyền sản xuất hiện đại, Công ty TNHH TED Technology (quận Hải Châu) đã tạo ra các chế phẩm sinh học phục vụ cho nông nghiệp. Ảnh: QUỲNH TRANG

Anh Lê Việt Trung chia sẻ, khi quyết định thương mại hóa các sản phẩm, chế phẩm sinh học phục vụ cho nền nông nghiệp hữu cơ, anh và cộng sự không đơn độc bởi Chính phủ đang ưu tiên hướng đến phát triển nền nông nghiệp hữu cơ có giá trị gia tăng cao, bền vững, thân thiện với môi trường sinh thái. Đồng thời gắn với kinh tế nông nghiệp tuần hoàn phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu, đưa Việt Nam trở thành quốc gia có trình độ sản xuất nông nghiệp hữu cơ ngang bằng các nước tiên tiến trên thế giới...

“Ngày nay, năng lượng nguyên tử nói chung và công nghệ bức xạ nói riêng đã khẳng định vai trò trong hầu hết lĩnh vực của đời sống kinh tế, xã hội từ nông nghiệp đến công nghiệp, từ môi trường đến y tế và chăm sóc sức khỏe của con người. Trong đó, công nghệ bức xạ không chỉ là chiếu xạ tạo ra các sản phẩm sạch phục vụ xuất khẩu mà còn thúc đẩy phát triển bền vững. Bước đầu, TED Technology hợp tác Trung tâm Vinagamma nhằm thương mại hóa các chế phẩm sinh học có nguồn gốc từ các polymer tự nhiên như các loại polysaccharide từ vỏ tôm, mai mực, rong nâu… được nghiên cứu và sản xuất bằng phương pháp cắt mạch bức xạ”, anh Trung cho biết thêm.

Theo thông tin từ Sở Khoa học và Công nghệ, mô hình hoạt động của Công ty TNHH TED Technology được gọi là mô hình spin-off, đây là mô hình khởi nghiệp bắt đầu từ kết quả nghiên cứu khoa học. Sản phẩm của TED Technology chính là thương mại hóa kết quả nghiên cứu của Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam. Đây là mô hình mà sở đang rất ủng hộ để các nhà khoa học kết hợp với nhà đầu tư hình thành nên doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.

Hiện TED Technology đang tập trung phát triển thị trường trong nước, quảng bá sản phẩm tới các trang trại rau, quả sạch và các gia đình trồng rau, quả sạch. Tất cả các sản phẩm đều đáp ứng tiêu chuẩn ISO 9001-2015 - ISO 14000-2015; có 2 sản phẩm được chứng nhận là sản phẩm thiên nhiên. Ban đầu, công ty dự định đưa sản phẩm ra thị trường từ tháng 4-2021, tuy nhiên, dịch bệnh diễn biến phức tạp khiến kế hoạch ra mắt sản phẩm bị chậm lại, chỉ mới có mặt trên thị trường từ đầu tháng 11.

Theo đánh giá từ Sở Khoa học và Công nghệ, việc hình thành Trung tâm Vinagamma (cơ sở Đà Nẵng) là kết quả tiêu biểu của chương trình hợp tác giữa Bộ Khoa học và Công nghệ và UBND thành phố Đà Nẵng nhằm thúc đẩy ứng dụng công nghệ bức xạ, kỹ thuật đồng vị phóng xạ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội tại Đà Nẵng và khu vực miền Trung - Tây Nguyên.

Theo Phòng Quản lý công nghệ (Sở Khoa học và Công nghệ), Sở Khoa học và Công nghệ luôn khuyến khích mô hình các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo dựa trên nền tảng công nghệ và các nghiên cứu khoa học, công nghệ, trong đó công nghệ bức xạ là nền tảng tiên tiến giúp tạo ra đặc tính vượt trội cho sản phẩm. Việc Công ty TNHH TED Technology phối hợp Trung tâm Vinagamma để ứng dụng và thương mại hóa các kết quả nghiên cứu của công nghệ bức xạ nhằm cung cấp các chế phẩm sinh học phục vụ ngành nông nghiệp giúp tự chủ các sản phẩm để thay thế cho hàng nhập khẩu. Với nhiệm vụ thúc đẩy ứng dụng công nghệ bức xạ trên địa bàn thành phố, Sở Khoa học và Công nghệ quan tâm ủng hộ để Trung tâm Vinagamma, Công ty TNHH TED Technology và các doanh nghiệp khác ứng dụng thành công các kết quả nghiên cứu về công nghệ bức xạ trên địa bàn thành phố.

QUỲNH TRANG

.