Kinh tế
Bảo đảm nguồn cung nông sản phục vụ Tết Nguyên đán
Chỉ còn hơn hai tuần nữa là đến Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, các nhà bán lẻ, cơ sở kinh doanh đều chủ động sản xuất, dự trữ trước lượng hàng để tránh những rủi ro vì dịch bệnh. Dự báo năm nay, nhu cầu thị trường sẽ không tăng mạnh so với năm trước do tác động của Covid-19.
Người dân mua hàng tại siêu thị Co.opmart Đà Nẵng. Ảnh: QUỲNH TRANG |
Những ngày này, nhiều nông dân, hợp tác xã sản xuất trên địa bàn thành phố đã và đang đẩy mạnh các hoạt động sản xuất, tập trung chăm sóc cây trồng, vật nuôi, kết nối tiêu thụ nông sản nhằm bảo đảm nguồn cung, góp phần bình ổn thị trường Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022. Ghi nhận tại một số vùng, trang trại sản xuất rau, củ, quả các loại trên địa bàn huyện Hòa Vang, nhiều nông dân đang tất bật, khẩn trương chăm sóc, kiểm tra đồng ruộng.
Giám đốc Hợp tác xã (HTX) sản xuất và tiêu thụ rau an toàn Túy Loan Bùi Dũng cho hay, so với năm ngoái, thời tiết cận Tết mưa nhiều nên một số diện tích đất còn ướt, ảnh hưởng đến sự phát triển của một số loại rau ăn lá và củ, quả. Tuy nhiên, để phục vụ cho thị trường Tết năm nay, HTX đã mở rộng diện tích gieo trồng khoảng 1ha ở vùng đất cao. Hiện các loại rau, củ, quả tại vùng đều đang sinh trưởng, phát triển tốt. Dự kiến, mỗi ngày, HTX sẽ cung cấp cho thị trường khoảng 1 tấn rau xanh các loại.
Bên cạnh đó, nhiều cơ sở sản xuất, chăn nuôi gia súc, gia cầm trên địa bàn thành phố cũng đang tăng tốc để bảo đảm nguồn cung cho thị trường dịp Tết. Ông Nguyễn Văn Nhi, Giám đốc HTX nấm Nhơn Phước (xã Hòa Nhơn, huyện Hòa Vang) dự báo, nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm từ nấm của người dân sẽ càng tăng cao, đặc biệt những ngày giáp Tết. Chính vì vậy, trước đó, HTX đã nhanh chóng triển khai kế hoạch sản xuất vụ Tết như nuôi trồng, sản xuất các loại nấm bào ngư trắng, bào ngư xám… để kích cầu tiêu dùng.
Anh Huỳnh Như Khánh, hộ chăn nuôi gà thả đồi tại xã Hòa Ninh, huyện Hòa Vang cho biết, do giá thức ăn chăn nuôi tăng cao so với mọi năm cũng như tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp nên gia đình anh giảm lượng gà trong đàn. Dự kiến Tết năm nay, anh sẽ xuất ra thị trường khoảng 2.000 con gà thịt với giá bán khoảng 80.000 đồng/kg.
Các cơ sở sản xuất đang tập trung nâng cao sản lượng và chất lượng sản phẩm để bảo đảm nguồn hàng hóa cung ứng dịp Tết. TRONG ẢNH: Ông Nguyễn Văn Nhi, Giám đốc Hợp tác xã nấm Nhơn Phước (xã Hòa Nhơn, huyện Hòa Vang) đang kiểm tra chất lượng nấm bào ngư xám. Ảnh: VĂN HOÀNG |
Theo thống kê từ Chi cục Chăn nuôi và Thú y thành phố, tính đến tháng 12-2021, toàn thành phố có khoảng 10 trang trại chăn nuôi gà, vịt; 14 trang trại nuôi chim cút; 2 hộ nuôi gia công và 3 trang trại chăn nuôi heo… tập trung chủ yếu trên địa bàn huyện Hòa Vang và quận Liên Chiểu. Trong đó, có khoảng 13.313 con heo (tổng đàn); 1.814 con bò cung cấp thịt; 239.815 con gà, trong đó gần 104.000 gà đẻ trứng; 17.511 con vịt, ngan, ngỗng cung cấp thịt…
Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Hòa Vang Lê Đình Ca cho hay, bên cạnh một số nông sản quen thuộc, nhiều sản phẩm OCOP (chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”), sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu trên địa bàn huyện được rất nhiều người tiêu dùng lựa chọn, tìm mua trong dịp Tết. Hầu hết các cơ sở, vùng sản xuất đều tập trung nâng cao sản lượng, chất lượng, tận dụng hết công suất, diện tích sản xuất để bảo đảm lượng hàng hóa cung ứng cho thị trường thành phố, có thể kể đến như: rau an toàn Túy Loan, dưa lưới Afam, chả bò Yến Tiên (xã Hòa Sơn), bưởi da xanh Hòa Ninh, kiệu hương Hòa Nhơn, cá nước ngọt Hòa Khương, bánh tráng Đại Cường (xã Hòa Phú), bún khô Phước Hòa (xã Hòa Phước)…
Đối với mặt hàng rau, trái cây, thủy sản, Đà Nẵng nhập khoảng 90% sản lượng từ các tỉnh, thành phố khác như Lâm Đồng, Gia Lai, Quảng Nam, Bình Định, Bắc Ninh, Tiền Giang, Vĩnh Long, Cần Thơ, Sóc Trăng, Bình Thuận, Ninh Thuận... Đối với động vật và sản phẩm động vật, thành phố cũng nhập từ các địa phương lân cận và đưa vào 8 lò mổ tập trung (cung cấp khoảng 80-85% sản lượng thịt cho tiêu dùng của thành phố). Việc quản lý gia súc, gia cầm nhập vào thành phố được triển khai tại 2 Trạm kiểm dịch động vật Hòa Phước và Kim Liên.
Theo thông tin từ Ban quản lý An toàn thực phẩm thành phố, đến nay, trên địa bàn đã xây dựng và xác nhận được 32 chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn với sự tham gia của 5 cơ sở kinh doanh, 32 cơ sở sản xuất ban đầu (là các hợp tác xã, trang trại, hộ trồng trọt, chăn nuôi, đánh bắt thủy sản…). Các cơ sở này cung cấp ra thị trường một lượng lớn rau, củ, quả, thịt, thủy sản an toàn, đáp ứng một phần nhu cầu thực phẩm của người dân thành phố cũng như các khu công nghiệp, khu du lịch, nhà hàng, khách sạn.
Ông Nguyễn Tấn Hải, Trưởng Ban quản lý An toàn thực phẩm thành phố cho biết, dịp cuối năm và Tết Nguyên đán, đơn vị sẽ phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành chức năng, chính quyền địa phương thực hiện kiểm soát chặt chẽ nguồn cung, từ rau, củ, quả đến các hoạt động buôn bán, vận chuyển gia súc, gia cầm ra vào thành phố, bảo đảm ổn định thị trường, đặc biệt là mặt hàng thịt heo.
V. HOÀNG - Q.TRANG