Kinh tế
Kiến tạo Đà Nẵng từ nguồn lực đất đai
Một trong những điều kiện và nguồn lực quan trọng để Đà Nẵng không ngừng phát triển trong 25 năm qua là nhờ thành phố đã khai thác, phát huy tốt nguồn lực đất đai trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội.
Hiện thành phố đang tiếp tục thực hiện khai thác quỹ đất nhằm tạo nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội. TRONG ẢNH: Một khu đất lớn ở ven tuyến đường Phạm Văn Đồng (quận Sơn Trà) đang được khai thác để tạo nguồn phát triển kinh tế. Ảnh: HOÀNG HIỆP |
Khai thác hiệu quả nguồn lực đất đai
Cách đây 25 năm, ngày 29-3-1997, nhân kỷ niệm 22 năm ngày Giải phóng thành phố Đà Nẵng, công trình đường Bạch Đằng Đông (nay là đường Trần Hưng Đạo) được khởi công xây dựng. Đây được xem là công trình đầu tiên đánh thức vùng phía đông sông Hàn.
Chỉ sau hơn 1 năm, đến giữa năm 1998, có 955 hộ giải tỏa đã được bố trí đất tái định cư (TĐC) để xây dựng nhà ở. Trong đó, nhiều hộ dân ở khu vực “nhà chồ” đã nhận đất TĐC được mua nợ của Nhà nước và nhận 10 triệu đồng để xây dựng nhà ở tại 2 khu dân cư An Trung và An Mỹ khang trang.
Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam, nguyên Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Đà Nẵng Đặng Việt Dũng, ngày ấy là Trưởng ban quản lý dự án công trình tuyến đường Bạch Đằng Đông, nhớ lại: “Số hộ dân có nhu cầu bố trí đất TĐC rất lớn mà dự án thì luôn trong tình trạng thiếu kinh phí để thi công và đền bù giải tỏa. Chúng tôi phải xoay xở nhiều cách, đặc biệt là vay tiền ngân hàng để lo đền bù giải tỏa, còn các chủ đầu tư và nhà thầu tự lo vốn thi công, chờ khai thác quỹ đất rồi trả dần”.
Đà Nẵng đã bắt đầu công cuộc chỉnh trang, xây dựng đô thị hiện đại bằng cách khai thác nguồn lực đất đai như vậy.
Giờ đây, dọc tuyến đường Trần Hưng Đạo và vùng đông sông Hàn đổi thay diệu kỳ, trở thành đô thị hiện đại và là khu vực trọng điểm du lịch của thành phố. GS. Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, đã từng đánh giá: Đà Nẵng là một thành phố duy nhất của Việt Nam làm được việc tạo dựng thành phố hiện đại nhờ biết khai thác giá trị từ đất đai như nhiều nước phát triển đã làm.
Từ một thành phố cũ vào loại nghèo nàn, Đà Nẵng đã khai thác giá trị đất đai để chuyển thành giá trị tài chính nhằm xây dựng một thành phố hiện đại, phát triển mạnh về du lịch. “Bí quyết chính của Đà Nẵng là tiến hành khai phá phần đất còn “bỏ hoang” ở vùng đông sông Hàn có giá trị thấp, bằng cách xây dựng những tuyến đường, bắc những cây cầu qua sông, tạo ra sự giao thương đôi bờ và làm tăng giá trị đất đai.
Đặc biệt, giá đất ở vùng đất từ bờ đông sông Hàn đến các bãi biển tăng lên và cao hơn giá đất của trung tâm Đà Nẵng cũ. Thành phố đã tạo ra giá trị gia tăng ở vùng đất này để đầu tư và phát triển các lĩnh vực mong muốn”, GS. Đặng Hùng Võ nhấn mạnh.
Cần triển khai hiệu quả các chủ trương mang tính đột phá
TS Huỳnh Huy Hòa, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển kinh tế - xã hội Đà Nẵng nhìn nhận, để xây dựng và đạt được nhiều thành tựu như ngày nay, thành phố đã thực hiện tốt chủ trương khai thác quỹ đất tạo nguồn thu cho ngân sách.
Đây là nguồn lực quan trọng để đầu tư phát triển hạ tầng đô thị và xã hội của thành phố. Việc thu tiền sử dụng đất (các khoản thu về nhà, đất) của thành phố tăng mạnh từ năm 2001 và chiếm tỷ trọng hơn 30% tổng thu cân đối ngân sách trên địa bàn thành phố vào các năm 2003, 2004 và 2007, trong đó, cao nhất là năm 2004 với tỷ trọng hơn 41%.
Một thành công nổi bật của Đà Nẵng trong khai thác hiệu quả và hợp lý nguồn lực tài chính từ đất đai vào phát triển kinh tế - xã hội là gỡ “nút thắt” trong đền bù giải tỏa. Việc đền bù giải tỏa được Đà Nẵng xác định là việc của cả hệ thống chính trị thực hiện theo 3 cơ chế: thu hồi đất theo quy định; góp đất và điều chỉnh lại đất đai; đối thoại, tạo sự đồng thuận.
Hơn nữa, nhiều chính sách tài chính về đất đai riêng có ở Đà Nẵng được thành phố triển khai rất hiệu quả như: chính sách về thưởng tiến độ bàn giao mặt bằng, chính sách hỗ trợ ổn định đời sống và ổn định sản xuất, chính sách TĐC; các năm 2010, 2011 và 2012 là 3 năm liên tiếp thành phố chọn chủ đề là “Năm giải tỏa đền bù, tái định cư và an sinh xã hội”.
Cùng theo TS. Huỳnh Huy Hòa, hiện quỹ đất còn lại trên đất liền có thể sử dụng để phát triển thành phố khoảng 335,72km2, phần lớn là đất đang được phát triển, có quy hoạch, kế hoạch phát triển... Chỉ còn khoảng 18,8% tổng diện tích đất liền là đất trống có thể phát triển trong tương lai (phần lớn ở phía nam và phía tây nam thành phố).
Do vậy, để khai thác hiệu quả nguồn lực đất đai trong thời gian đến, thành phố cần triển khai hiệu quả các chủ trương mang tính đột phá trong điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 như: mô hình đô thị nén, đô thị đại học, đô thị sườn đồi, đô thị cảng biển, các trung tâm phân tán, khu vực sử dụng đất hỗn hợp, các khu chức năng mới (khu đổi mới sáng tạo, khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, trung tâm dịch vụ logistics)...
Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Tô Văn Hùng cho rằng, chính sách “đổi đất lấy hạ tầng” là cách thức tạo nguồn vốn đầu tư, tạo sự chuyển biến khá mạnh mẽ, góp phần mở rộng quy mô đô thị Đà Nẵng cả về số lượng lẫn chất lượng. Thành phố đã di dời, giải phóng mặt bằng với tổng số hộ dân phải giải tỏa khoảng 120.000 hộ. Đà Nẵng từ một thủ phủ của tỉnh lỵ với vài phố quanh quẩn ven sông, đến nay, ranh giới đô thị mở rộng từ 5.600ha ở khu vực nội thành lên hơn 21.000ha...
Hiện nay và thời gian đến, Sở Tài nguyên và Môi trường tiếp tục tập trung tháo gỡ những vướng mắc, tồn tại trong quá trình quản lý đất đai thời gian qua, bảo đảm vừa phù hợp với quy định của pháp luật, vừa tôn trọng tính lịch sử và quyết tâm khơi thông nguồn lực đất đai để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Sở tiếp tục đầu tư và sớm hoàn thiện những chính sách tạo điều kiện thu hút đầu tư và xem việc khơi thông nguồn lực từ các dự án, khu đất trên địa bàn thành phố là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu.
55.300 tỷ đồng
Trong giai đoạn từ năm 1997-2020, tổng số tiền thu được từ khai thác quỹ đất đạt hơn 55.300 tỷ đồng. Đây là nguồn lực chủ yếu để đầu tư phát triển hạ tầng đô thị và xã hội của thành phố. Từ nguồn lực từ đất đai, thành phố tập trung triển khai nhiều dự án mang tính động lực, trọng điểm, quy mô lớn, hiện đại được đầu tư, đưa vào sử dụng, góp phần thay đổi diện mạo đô thị theo hướng văn minh, hiện đại, không gian được mở rộng theo hướng “mở rộng bờ sông, kéo dài bờ biển” và nhiều công trình, dự án hạ tầng kỹ thuật đô thị tiếp tục được nâng cấp và cải thiện, cơ sở hạ tầng xã hội được quan tâm đầu tư... Trong 10 tháng đầu năm 2021, dù khó khăn do Covid-19 nhưng các khoản thu từ nhà, đất cũng đóng góp vào ngân sách Nhà nước 2.180 tỷ đồng. Từ nay đến năm 2025, thành phố dự kiến thu ít nhất 28.892 tỷ đồng vào ngân sách thành phố từ tiền chuyển mục đích sử dụng đất, giao đất, đấu giá quỹ đất... Đây sẽ là nguồn lực quan trọng phục vụ đầu tư công trung hạn 2021-2025 và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế - xã hội.
(Nguồn: Sở Tài nguyên và Môi trường)
|
HOÀNG HIỆP