Kinh tế
Thị trường Tết: Hàng Việt chiếm ưu thế
Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 đang cận kề, không khí mua sắm Tết nhộn nhịp. Đáng chú ý, hàng Việt phục vụ Tết chiếm ưu thế trên thị trường với chủng loại, mẫu mã, kiểu dáng phong phú, đa dạng, chất lượng bảo đảm và giá thành hợp lý.
Hàng hóa Tết đã lên kệ với 90% là hàng Việt, được người dân ưa chuộng. TRONG ẢNH: Khách mua hàng tại siêu thị Lotte Mart. Ảnh: QUỲNH TRANG |
90% hàng Việt
Thời điểm này, dạo quanh các siêu thị, trung tâm thương mại, hàng Tết được trưng bày bắt mắt, rực rỡ với các cành mai, đào tô điểm thêm vào các gian hàng khiến người mua sắm cảm nhận được không khí Tết cổ truyền đang tới gần. Điểm dễ nhận thấy là các sản phẩm hàng Việt được bày bán hầu như kín các kệ hàng, từ thực phẩm như: bánh, mứt, kẹo, đồ uống (chủ yếu đến từ các thương hiệu Việt nổi tiếng như Kinh Đô, Hữu Nghị, Bibica, Cầu Tre, Vissan…) cho đến các đồ gia dụng, quần áo thời trang, giày dép… Đặc biệt, nhiều siêu thị đã bày bán các sản phẩm OCOP của Đà Nẵng và các tỉnh, thành phố khác.
Đơn cử như tại siêu thị GO! đang bày bán hơn 200 sản phẩm OCOP, chiếm 2% trên tổng số các thực phẩm khô đang bày bán ở các quầy hàng. Riêng các sản phẩm OCOP Đà Nẵng thì bộ phận thu mua của hệ thống đang trong quá trình làm việc, thương lượng để có thể chính thức đưa sản phẩm lên kệ siêu thị vào đầu năm 2022. Hiện, đặc sản nước mắm Hồng Hương (Nam Ô) đang có một gian hàng bày bán tại tầng 1 của siêu thị để khách hàng có thể ghé mua sắm và chụp hình.
Theo đánh giá từ đại diện các siêu thị, mùa Tết năm nay, các sản phẩm hàng hóa bánh kẹo sản xuất trong nước thực sự chiếm lĩnh thị trường, thay thế cho các sản phẩm nhập ngoại. Điều đó cho thấy sức lan tỏa mạnh mẽ của cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.
Ông Nguyễn Văn Lợi, Giám đốc siêu thị Vinmart (tầng 2, Vincom Palza) thông tin, hàng Tết năm nay đa dạng, phong phú như: các loại trà, cà phê, các loại đậu, hạt dinh dưỡng, mứt trái cây... Điều ấn tượng nhất là 100% hàng Việt được doanh nghiệp chăm chút về hình thức, mẫu mã bao bì được cải tiến rất nhiều. Sau dịch bệnh, nhu cầu và thói quen tiêu dùng của người Việt đã thay đổi khi chuộng hàng hóa có vị tự nhiên, rõ nguồn gốc xuất xứ, không có gia vị tẩm ướp nhiều... Đây là cơ hội để hàng Việt bứt phá, chiếm ưu thế trên thị trường.
Tương tự, bà Võ Thị Thu Thủy, Giám đốc siêu thị GO! cho biết, người tiêu dùng hiện nay có xu hướng tiêu dùng sản phẩm quốc nội và sản phẩm hàng Việt chiếm 90% trên tổng số các mặt hàng đang được bày bán tại siêu thị. Hàng Việt hiện không thua kém hàng ngoại về mẫu mã, chất lượng, trong khi giá cả cạnh tranh hơn nhiều.
Cùng với đó, hệ thống siêu thị luôn được kiểm định và yêu cầu tất cả các nhà cung cấp bảo đảm theo các quy chuẩn mà các cơ quan Nhà nước quy định. Dịp Tết năm nay, siêu thị dự trữ hàng tăng 30% so với cùng kỳ bất chấp tình hình Covid-19. Siêu thị cũng bảo đảm nguồn hàng nhập về liên tục để kịp thời đáp ứng nhu cầu dịp Tết của người dân trong những ngày cuối năm.
Hàng Việt ngày càng được người tiêu dùng ưa chuộng do mẫu mã phong phú, chất lượng bảo đảm, giá cả hợp lý. TRONG ẢNH: Khách hàng mua sắm tại siêu thị MM Mega Market. Ảnh: QUỲNH TRANG |
Sức lan tỏa từ cuộc vận động
Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” là chủ trương được sự đồng thuận cao và tích cực tham gia thực hiện của người dân và doanh nghiệp. Những năm gần đây, thành phố khuyến khích doanh nghiệp sản xuất hàng hóa có chất lượng, mẫu mã đẹp, giá cả phù hợp, đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng; ban hành nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, tổ chức kinh tế tập thể và thường xuyên rà soát các chính sách, tiếp nhận các phản ánh của tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp về các khó khăn vướng mắc khi tham gia các chương trình hỗ trợ.
Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố, Trưởng Ban chỉ đạo Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” Ngô Xuân Thắng đánh giá: “Năm 2021, tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp nên việc tổ chức các chương trình xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu gặp nhiều khó khăn do phải bảo đảm các quy định phòng, chống Covid-19.
Tuy nhiên, các cơ quan thành viên ban chỉ đạo đã hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn xúc tiến bán hàng trực tuyến, mở rộng thị trường trong trạng thái bình thường mới. Mặt trận và các đoàn thể thành phố sử dụng sản phẩm Việt, sản phẩm của cơ sở sản xuất kinh doanh trong giai đoạn triển khai các chương trình “San sẻ yêu thương, vượt qua đại dịch”, “Phiên chợ 0 đồng”, “Gian hàng 0 đồng”; qua đó bước đầu giới thiệu các sản phẩm đặc trưng của Đà Nẵng đến với các hộ nghèo, hộ khó khăn do dịch bệnh”.
Theo thông tin từ Ban Chỉ đạo Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, trong thời gian đến sẽ tiếp tục tổ chức các hội chợ hàng Việt, các đợt đưa hàng Việt về các xã xa trung tâm huyện Hòa Vang, các phiên chợ nông sản, ngày hội khởi nghiệp, hoạt động quảng bá, giới thiệu sản phẩm OCOP, sản phẩm thương mại đặc trưng, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu của Đà Nẵng, các chương trình kết nối, quảng bá hàng Việt.
Đồng thời, tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng thương mại điện tử, áp dụng công nghệ số trong kinh doanh; phối hợp Tập đoàn Viettel xây dựng triển lãm ảo và triển khai ứng dụng thương mại điện tử trong việc bán hàng online cho tiểu thương tại 4 chợ thuộc Sở Công Thương.
Đến thời điểm hiện tại, nhiều siêu thị đã chủ động dự trữ hàng hóa, trong đó ưu tiên hàng Việt, nhất là hàng Việt Nam chất lượng cao - chiếm tỷ trọng lớn trong tổng lượng hàng dự trữ phục vụ Tết mang đậm hương vị Tết, khai thác hàng hóa nông sản, thực phẩm, hoa tươi, cây cảnh, hàng thủ công mỹ nghệ… và các mặt hàng đặc sản truyền thống trong, ngoài thành phố. Ngoài ra, dù dịch còn diễn biến phức tạp, thị trường mua sắm cuối năm vẫn có những dấu hiệu tích cực và đặt kỳ vọng vào sự tăng trưởng dịp Tết Nguyên đán. Vì vậy, hầu hết các đơn vị bán lẻ chuẩn bị nguồn hàng cho Tết tăng 20-30% so với lượng bán bình quân, tập trung vào các nhóm hàng tươi sống, thực phẩm, đồ dùng thiết yếu.
|
QUỲNH TRANG