Kinh tế
Vận động nông dân không bỏ hoang ruộng đất
Huyện Hòa Vang chỉ đạo các xã, hợp tác xã vận động nông dân không bỏ hoang ruộng đất, thay vào đó cần tập trung cải tạo để đưa vào sản xuất trở lại.
Tranh thủ mưa nhiều vào cuối tháng 12-2021, một số hộ nông dân ở xã Hòa Tiến, huyện Hòa Vang cải tạo đất bỏ hoang để đưa vào sản xuất trở lại trong vụ đông xuân năm nay. Ảnh: HOÀNG HIỆP |
Từ cách đây 5 năm, khi nhìn thấy nhiều thửa ruộng bị các công trình, mỏ khoáng sản bồi lấp hoặc chặn hướng cấp nước tưới, lãnh đạo huyện Hòa Vang chỉ đạo các xã, hợp tác xã vận động nông dân không bỏ hoang ruộng. Không chỉ lãnh đạo huyện, nhiều nông dân thấy ruộng nhà bên, ruộng của nông dân ở cùng thôn, cùng hợp tác xã đang bị bỏ hoang cũng tiếc nên đề nghị chủ ruộng cho mượn, thuê để sản xuất. Nỗ lực, cố gắng của những nông dân này đã góp phần làm giảm tình trạng bỏ hoang ruộng đất.
Ông Ngô Văn Đàng (trú thôn Phong Nam, xã Hòa Châu, huyện Hòa Vang) hiện canh tác nhiều thửa ruộng tại xã Hòa Châu với tổng diện tích khoảng 1,5ha lúa, cũng là một trong những người có diện tích sản xuất lớn nhất trong Hợp tác xã (HTX) dịch vụ sản xuất và kinh doanh tổng hợp số 1 Hòa Châu. Ông cho biết: “Nhiều người không có điều kiện để sản xuất đã tin tưởng giao thửa ruộng cho tôi. Tôi cũng coi những thửa ruộng này như của mình nên tích cực cải tạo, gieo sạ các giống lúa và chăm sóc cẩn thận để cho năng suất cao”. Tương tự, do các thửa ruộng tại khu vực tổ 3, phường Hòa Thọ Đông (quận Cẩm Lệ) ở cuối nguồn nước tưới, sản xuất gặp khó khăn nên một số hộ ít sản xuất.
Ông Lê Vẹn (trú tổ 2, phường Hòa Thọ Đông), ông Nguyễn Văn Thê (trú tổ 3, phường Hòa Thọ Đông)... đã nhận các thửa ruộng bên cạnh để sản xuất, không để hoang hóa. Một lão nông ở thôn Bắc An, xã Hòa Tiến (xin không nêu tên) bày tỏ: “Chúng tôi thấy đất bỏ hoang xót quá nên cũng hưởng ứng chủ trương của chính quyền địa phương. Như gia đình tôi đã cải tạo, đưa vào sản xuất lại khoảng 1 mẫu ruộng (5.000m2). Mặc dù có chút lo lắng về nảy sinh tranh chấp đối với chủ ruộng về thành quả sản xuất sau này, nhưng chúng tôi tin là với sự giúp đỡ, hỗ trợ của chính quyền địa phương, quyền lợi của người khôi phục sản xuất sẽ được bảo đảm”.
Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Tiến Đặng Quốc Tuấn thông tin: “Năm ngoái, xã đã vận động nông dân cải tạo và đưa vào sản xuất trở lại 5ha ruộng. Vừa qua, xã đã vận động nông dân cải tạo gần 2ha thực hiện vụ đông xuân năm nay. UBND huyện Hòa Vang đã giao cho xã Hòa Tiến nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2022 là khôi phục sản xuất, chuyển đổi cây trồng từ 2-3ha đất nông nghiệp không sản xuất do bỏ hoang. Để góp phần thực hiện hoàn thành nhiệm vụ nói trên, xã đề nghị huyện có những cơ chế, chính sách hỗ trợ việc cải tạo ruộng đất bỏ hoang, tái sản xuất”.
Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Hòa Vang Lê Đình Ca cho hay: “Những năm qua, trên địa bàn huyện có một số khu vực, vị trí có nhiều ruộng đất bị bỏ hoang, không sản xuất, nhất là khu vực dọc tuyến đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi và tuyến đường ADB 5 có khoảng 20ha. Huyện và các xã đã vận động nông dân cày đất, đưa vào sản xuất 7-8ha, dự kiến sẽ đưa vào sản xuất trở lại thêm 5ha trong năm 2022”.
Với chủ trương vận động nông dân cải tạo, đưa ruộng đất bỏ hoang vào sản xuất trở lại, huyện Hòa Vang đang phấn đấu sản xuất 2.378ha lúa trong vụ đông xuân năm nay, tổng diện tích trồng lúa cả năm là 4.400ha, tương đương năm 2021. Huyện cũng đẩy mạnh đầu tư cơ giới hóa trong sản xuất; rà soát, xây dựng phương án chuyển đổi diện tích đất nông nghiệp không chủ động nước tưới, diện tích không sản xuất được do ảnh hưởng của dự án, diện tích đất bỏ hoang sang các loại cây trồng khác, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất...
Theo ông Nguyễn Phú Ban, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, bên cạnh vận động nông dân không bỏ hoang ruộng đất, sở đã đề nghị thành phố sớm tháo gỡ khó khăn về đất đai trong sản xuất nông nghiệp nói chung và nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn thành phố nói riêng. Trên cơ sở diện tích đất nông nghiệp theo quy hoạch chung được phê duyệt, thành phố cần triển khai rà soát, khớp nối quy hoạch phát triển các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung, chuyên canh, vùng trồng lúa hữu cơ, vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao vào quy hoạch chung của thành phố để bảo đảm đồng bộ quy hoạch, tạo tiền đề thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp.
Trước mắt, cần hoàn thành, đưa vào hoạt động 3 vùng, khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại xã Hòa Phong, Hòa Khương, Hòa Phú nhằm huy động, phát triển doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao để làm hạt nhân trong phát triển bền vững, tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Các sở, ban, ngành, địa phương nghiên cứu, đề xuất cơ chế liên kết, nông dân góp vốn bằng ruộng đất vào doanh nghiệp theo hướng hài hòa lợi ích giữa nông dân và doanh nghiệp trong sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
HOÀNG HIỆP