Kinh tế
Khó tuyển lao động trẻ
Sau Tết Nguyên đán, Trung tâm Dịch vụ việc làm Đà Nẵng (thuộc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội) tổ chức phiên giao dịch việc làm đầu năm nhằm tạo điều kiện cho lao động và đơn vị tuyển dụng thuận lợi kết nối với nhau. Nhu cầu của doanh nghiệp tuyển dụng nhiều, tuy nhiên, ít người lao động tới tìm hiểu, phỏng vấn.
Ngoài việc phỏng vấn trực tiếp, các doanh nghiệp nỗ lực phỏng vấn qua hình thức trực tuyến, song vẫn khó tuyển lao động. Ảnh: P.C |
Theo thống kê của Trung tâm Dịch vụ việc làm Đà Nẵng, trong phiên giao dịch việc làm “mở hàng” đầu năm 2022, có 81 doanh nghiệp trên địa bàn thành phố thông báo tuyển hơn 6.300 vị trí và 19 doanh nghiệp đến phỏng vấn trực tiếp.
Trong đó, các doanh nghiệp may mặc như: Công ty TNHH Max Planning Vina, Công ty TNHH Kim Sora, Công ty TNHH MTV The Blues… có nhu cầu tuyển lượng lao động ở độ tuổi 18-25, mỗi công ty tuyển từ 200 lao động trở lên. Nhu cầu tuyển dụng tương đối lớn, tuy nhiên số lượng người lao động đến đăng ký tìm việc rất thấp, hầu như không có người trẻ, chủ yếu người ở độ tuổi trung niên đi tìm việc. Vì vậy, không thể đáp ứng lao động cho các doanh nghiệp.
Chị Nguyễn Thị Nga (SN 1995, tạm trú phường Hòa Khánh Bắc, quận Liên Chiểu) tốt nghiệp đại học ngành Ngôn ngữ Anh nhưng chưa có việc làm. Sau Tết, chị từ Quảng Nam ra Đà Nẵng thuê trọ để tìm việc.Chị Nga cho biết, qua giới thiệu của người quen, chị tìm đến Trung tâm Dịch vụ việc làm Đà Nẵng tìm kiếm cơ hội, tuy nhiên các doanh nghiệp phần lớn tuyển lao động phổ thông hoặc những ngành nghề không phù hợp với chuyên môn đã học.
“Trước mắt, tôi tìm tạm công việc gì đó để làm, chờ thời gian nữa xem có chỗ nào tuyển dụng phù hợp với ngành nghề đã học hay không”, chị Nga tâm sự.
Theo đại diện Công ty Công ty TNHH Max Planning Vina, nhu cầu tuyển dụng công nhân đầu năm khá nhiều, dù nỗ lực đưa ra mức lương, các chế độ đãi ngộ hấp dẫn… song công ty chưa tìm được số lượng công nhân như mong muốn. Việc tìm người lao động đầu năm cho doanh nghiệp đang là vấn đề khó khăn của Trung tâm Dịch vụ việc làm Đà Nẵng, bởi số người đến tìm việc hiện nay rất ít.
Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Đà Nẵng Nguyễn Thanh Diệp cho biết, nhằm hỗ trợ tốt nhất cho doanh nghiệp, trung tâm phối hợp các địa phương, doanh nghiệp đến tận nơi tuyển dụng nhưng kết quả vẫn không như mong muốn. Chẳng hạn, vừa qua trung tâm phối hợp Công ty TNHH Max Planning Vina đến các phường thuộc quận Thanh Khê để tuyển dụng nhưng chỉ tuyển được chưa đến 10 lao động.
Lý giải về tình trạng này, ông Nguyễn Thanh Diệp cho rằng, có thể do người lao động trẻ hiện nay được học hành bài bản, có trình độ cao, các công việc lao động phổ thông doanh nghiệp đang cần tuyển dụng không phù hợp với họ. Bên cạnh đó, so với thế hệ trước, người lao động giờ đây thường có tư tưởng muốn tự do, không muốn gò bó vào một công ty, đơn vị vì bị ràng buộc bởi kỷ luật, nội quy, quy chế...
Theo ông Nguyễn Thanh Diệp, thời gian đến, Trung tâm Dịch vụ việc làm Đà Nẵng sẽ tăng cường mời gọi các đơn vị, doanh nghiệp đăng ký tuyển dụng tại trung tâm thông qua hình thức trực tiếp hoặc trực tuyến; tăng cường đến cơ sở khảo sát nhu cầu tìm kiếm việc làm của người lao động; nâng cao tần suất cũng như chất lượng các phiên giao dịch việc làm, nhất là các phiên giao dịch việc làm trực tuyến kết nối với các tỉnh thành miền Trung và Tây Nguyên. Đồng thời, Trung tâm thường xuyên tổ chức phiên giao dịch định kỳ vào thứ Sáu hằng tuần tại 3 cơ sở: số 278 Âu Cơ (quận Liên Chiểu), số 21 Phan Châu Trinh (quận Hải Châu) và số 657 Trường Chinh (quận Cẩm Lệ) nhằm tạo thuận lợi cho doanh nghiệp cũng như người lao động kết nối với nhau.
PHƯƠNG CHI