Kinh tế

Thành công từ phong trào phụ nữ khởi nghiệp, phát triển kinh tế

08:12, 14/02/2022 (GMT+7)

Mặc dù ảnh hưởng do dịch bệnh nhưng Đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp” (còn gọi là Đề án 939) trên địa bàn thành phố giai đoạn 2017-2021 vừa gặt hái nhiều thành công khi hỗ trợ hàng ngàn hội viên khởi nghiệp, vừa làm tốt mục tiêu sản xuất, kinh doanh thân thiện với môi trường.

Sản phẩm của Công ty CP Công nghệ sinh học Minh Hồng tham gia trưng bày tại Ngày hội “Phụ nữ khởi nghiệp-sáng tạo-đổi mới” năm 2021, do Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố tổ chức. Ảnh: T.V
Sản phẩm của Công ty CP Công nghệ sinh học Minh Hồng tham gia trưng bày tại Ngày hội “Phụ nữ khởi nghiệp-sáng tạo-đổi mới” năm 2021, do Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố tổ chức. Ảnh: T.V

Hiệu quả cuộc thi “Ý tưởng khởi nghiệp”

Nhớ lại những ngày đầu triển khai Đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp”, bà Nguyễn Thị Huyền, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) thành phố chia sẻ: “Không riêng gì chị em phụ nữ, ngay đến cán bộ hội cũng tỏ ra e ngại và tự ti khi nghe đến từ khởi nghiệp. Trong suy nghĩ của họ, khởi nghiệp phải là cái gì đó lớn lao, đòi hỏi khắt khe về vốn, thị trường, công nghệ, quản lý... Thế nhưng, với việc tận dụng tối đa lợi thế việc các mạng xã hội như website, facebook, các nhóm liên lạc zalo, viber..., các cấp hội phụ nữ từ thành phố cho đến cơ sở tuyên truyền, dần dà chị em làm quen và sau đó mạnh dạn đăng ký các lớp tập huấn về khởi nghiệp”.

Kết quả sau 5 năm, các cấp hội phụ nữ tuyên truyền về nghị quyết đại hội Phụ nữ các cấp, nhiệm kỳ 2016-2021, đồng thời lồng ghép giới thiệu Đề án 939 cho 8.512 lượt cán bộ, hội viên tham gia các lớp tập huấn khởi nghiệp. Hằng năm, các cấp hội phụ nữ từ thành phố đến phường, xã đều tổ chức cuộc thi “Ý tưởng khởi nghiệp”, tạo sân chơi hấp dẫn, thu hút nhiều hội viên phụ nữ tham gia trao đổi kinh nghiệm, học hỏi lẫn nhau.

Ngoài ra, các cấp hội còn tổ chức 10 lớp tập huấn nâng cao năng lực kinh doanh, khởi nghiệp cho 708 lượt cán bộ hội, chủ doanh nghiệp vừa và nhỏ có ý tưởng khởi nghiệp. Nhờ những hoạt động tích cực này, từ năm 2017-2021, các cấp hội phụ nữ tiếp nhận 822 ý tưởng khởi nghiệp, giúp đỡ, hỗ trợ 753 ý tưởng triển khai. Trong số này có 112 ý tưởng tham gia cuộc thi “Ý tưởng khởi nghiệp” cấp quận, 28 ý tưởng tham gia cuộc thi cấp thành phố và 32 ý tưởng khởi nghiệp tham dự cuộc thi quốc gia. Đây là sự nỗ lực lớn của các cấp hội phụ nữ thành phố trong bối cảnh liên tiếp trong năm 2020 và 2021, các hoạt động thực hiện Đề án 939 gần như tạm dừng vì ảnh hưởng nặng nề từ Covid-19.

Sản xuất, kinh doanh thân thiện môi trường

Một điều rất đáng ghi nhận về việc triển khai Đề án 939 trên địa bàn thành phố là ngay từ khâu tập huấn, trang bị kiến thức cho học viên cho đến việc hỗ trợ vay vốn ngân hàng, tất cả đều đi kèm điều kiện bảo đảm việc sản xuất, kinh doanh thân thiện với môi trường.

Về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Kim Thu, Chủ tịch Hội LHPN quận Thanh Khê nhấn mạnh: “Ngay từ khâu đầu tiên, chúng tôi quán triệt các hội viên khi tham gia khởi nghiệp tuyệt đối không để việc sản xuất, kinh doanh làm ô nhiễm môi trường. Các hội viên cũng nắm rõ vấn đề này, nên trong quá xây dựng ý tưởng khởi nghiệp họ đã biết nói “không” với việc sản xuất, kinh doanh gây ô nhiễm môi trường”.

Chị Nguyễn Thị Phúc My (phường Thọ Quang, Sơn Trà) với ý tưởng khởi nghiệp “Cây cảnh sáng tạo Mymyviet Garden”, cho biết: “Tôi chọn việc trồng và bán cây cảnh ngoài lý do là nghề truyền thống của gia đình, còn lý do đây là hoạt động thân thiện môi trường. Để cụ thể mục tiêu này, hầu hết bao bì cây cảnh bán cho khách, chúng tôi đều sử dụng vật liệu thiên nhiên như thân và lá tre, dừa... Đặc biệt, tại cơ sở của tôi không hề sử dụng các hóa chất độc hại kích cho ra nhiều hoa thu hút khách hàng”.

Cùng suy nghĩ như vậy, chị Nguyễn Thị Bông (xã Hòa Nhơn, Hòa Vang) với ý tưởng khởi nghiệp “Kiệu hương Hòa Nhơn”, tâm sự: “Tất cả sản phẩm của cơ sở chúng tôi đều tuân thủ nghiêm túc tiêu chuẩn VietGap, bảo đảm chất lượng. Làm theo quy trình này vất vả hơn, lợi nhuận ít hơn so với cách làm sử dụng phụ gia trôi nổi trên thị trường. Tuy nhiên, chúng tôi luôn đặt chất lượng và an toàn lên hàng đầu, nên nghiêm túc thực hiện”.

Trường hợp chị Trịnh Thị Thu Hồng (phường Hòa Minh, Liên Chiểu), Giám đốc Công ty CP Công nghệ sinh học Minh Hồng, từ nhiều năm qua không những là người tiên phong trong phong trào khởi nghiệp của phụ nữ thành phố, mà còn là doanh nghiệp tiêu biểu trong việc sản xuất, kinh doanh thân thiện môi trường. Với ý tưởng sử dụng công nghệ Enzym xử lý rác thải hữu cơ rất thành công, chị không những góp phần xử lý ô nhiễm môi trường, mà còn tạo ra hàng trăm việc làm cho những chị em khác. Ngoài ra, chị còn thành lập 3 mô hình: “Tổ góp vốn tình thương”, “Tổ tiết kiệm 2T” và “Đội thiếu niên bảo vệ môi trường” thu hút rất nhiều hộ dân phường Hòa Minh tích cực trong việc thu gom, phân loại rác thải, xử lý rác thải, góp phần bảo đảm môi trường sạch, đẹp khu dân cư.

Nhờ bám sát tiêu chí sản xuất, kinh doanh thân thiện với môi trường, nhiều phụ nữ thành công với ý tưởng khởi nghiệp. Điển hình sản phẩm làm đẹp từ thiên nhiên LEO Handmade của chị Nguyễn Huỳnh Anh (quận Sơn Trà); sản phẩm gạch không nung của chị Nguyễn Thị Duyên (quận Cẩm Lệ); nhóm liên kết trầm hương Phúc Hậu (quận Ngũ Hành Sơn); nhóm liên kết sản xuất nước mắm Thuận An (quận Thanh Khê); dầu thảo mộc thiên nhiên của chị Phan Dạ Thảo (huyện Hòa Vang)... thực sự trở thành nguồn động viên tích cực cho những chị em phụ nữ khác mạnh dạn tham gia mô hình.

THANH VÂN

.