Cải thiện chất lượng dịch vụ, thúc đẩy du lịch phát triển

.

Theo kết quả đánh giá từ Bộ chỉ số năng lực cạnh tranh điểm đến du lịch cấp tỉnh Việt Nam (VTCI) thí điểm tại 15 tỉnh, thành phố do Hội đồng Tư vấn du lịch (TAB) công bố mới đây, Đà Nẵng đứng vị trí thứ nhất. Có được kết quả này là sự nỗ lực không ngừng trong việc làm mới sản phẩm, đầu tư hạ tầng, nâng cao chất lượng dịch vụ của ngành du lịch Đà Nẵng trong thời gian qua.

Ngành du lịch thành phố sẽ cải thiện các chỉ số để thu hút khách trong thời gian đến.  Trong ảnh: Hướng dẫn viên (bên phải) đón và hướng dẫn khách đi theo đoàn tại sân bay Đà Nẵng. Ảnh: NHẬT HẠ
Ngành du lịch thành phố sẽ cải thiện các chỉ số để thu hút khách trong thời gian đến. TRONG ẢNH: Hướng dẫn viên (bên phải) đón và hướng dẫn khách đi theo đoàn tại sân bay Đà Nẵng. Ảnh: NHẬT HẠ

Khai thác thế mạnh về du lịch

Kết quả công bố cho thấy, Đà Nẵng đứng thứ nhất với 4,7 điểm, tiếp sau là Quảng Ninh (4,68 điểm), Khánh Hòa (4,56 điểm), Quảng Nam (4,55 điểm), Thừa Thiên Huế (4,52 điểm); tiếp theo là Hà Nội, Quảng Bình, Thành phố Hồ Chí Minh, Kiên Giang, Ninh Bình, Bình Định, Lâm Đồng, Lào Cai, Bình Thuận và Cần Thơ. Các địa phương được đánh giá, so sánh trên các chỉ số gồm: môi trường kinh doanh, an toàn và an ninh, sức khỏe và vệ sinh; nhân lực và lao động du lịch; mức độ sẵn sàng về công nghệ thông tin; mức độ ưu tiên cho du lịch, sức cạnh tranh về giá. Ngoài ra, còn có tính bền vững về môi trường, hạ tầng giao thông du lịch, tài nguyên tự nhiên và tài nguyên văn hóa.

Những người làm du lịch trên địa bàn thành phố nhìn nhận, Đà Nẵng được xếp hạng cao nhất nhờ những thế mạnh như: vị trí địa lý du lịch gần các di sản văn hóa, thiên nhiên thế giới; sự năng động của cộng đồng doanh nghiệp; môi trường sống giàu tính nhân văn; mức độ sẵn sàng về công nghệ thông tin, mức độ ưu tiên cho du lịch; hạ tầng giao thông, dịch vụ du lịch; tính bền vững về môi trường.

Việc phát triển nhanh và mạnh của du lịch tại Đà Nẵng những năm qua góp phần quan trọng thay đổi diện mạo đô thị, ghi dấu và khẳng định thương hiệu điểm đến du lịch; đồng thời giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho doanh nghiệp và người dân, đóng góp lớn vào phát triển kinh tế thành phố. Bên cạnh đó, việc đánh giá năng lực cạnh tranh điểm đến du lịch sẽ giúp các địa phương nhìn lại mình, từ đó có giải pháp cụ thể để thu hút khách.

Theo Phó Giám đốc Sở Du lịch Nguyễn Xuân Bình, có nhiều yếu tố tạo nên sự phát triển đột phá cũng như thương hiệu du lịch Đà Nẵng thời gian qua. Việc đạt được vị trí thứ nhất theo đánh giá từ VTCI minh chứng cho sự nỗ lực của các cấp chính quyền, doanh nghiệp và người dân Đà Nẵng nhằm mục tiêu đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Bên cạnh đó, sự góp mặt của những nhà đầu tư lớn như: Sun Group, BRG Group, Vingroup, DHC Group… trong việc phát triển các sản phẩm du lịch mới đặc sắc, góp phần nâng cao thương hiệu, vị thế du lịch Đà Nẵng.

Ông Nguyễn Xuân Bình chia sẻ, kết quả đánh giá lần này sẽ giúp ngành du lịch có cơ sở nhận diện về điểm mạnh, điểm yếu trong việc xây dựng và phát triển thương hiệu du lịch Đà Nẵng. Từ đó có các chính sách phù hợp, tiếp tục phát huy những mặt tích cực và cải thiện chất lượng, khắc phục hạn chế, nâng cao sức hấp dẫn của điểm đến, chuẩn bị sản phẩm du lịch, sớm phục hồi hoạt động du lịch sau thời gian bị ảnh hưởng bởi Covid-19.

Ngành du lịch thành phố sẽ cải thiện các chỉ số để thu hút khách trong thời gian đến. Trong ảnh: Khách đến Đà Nẵng từ Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng.  Ảnh: NHẬT HẠ
Ngành du lịch thành phố sẽ cải thiện các chỉ số để thu hút khách trong thời gian đến. TRONG ẢNH: Khách đến Đà Nẵng từ Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng. Ảnh: NHẬT HẠ

Nỗ lực cải thiện dịch vụ

Dù đứng thứ nhất, nhưng theo đánh giá của ông Kai Partale, chuyên gia dự án VTCI, Đà Nẵng cần cải thiện các hạn chế về rủi ro đối với khách du lịch, sức cạnh tranh về giá, mức độ hài lòng với các điểm tham quan... để sớm thu hút khách.

Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Xuân Bình cho hay, trước mắt, ngành tiếp tục triển khai kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 43-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa XII) về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; trong đó định hướng mục tiêu phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn với các nhóm giải pháp trọng tâm.

Cụ thể, ưu tiên phát triển 4 nhóm sản phẩm chính như: du lịch biển, nghỉ dưỡng cao cấp; du lịch mua sắm, hội nghị hội thảo (MICE); du lịch văn hóa, lịch sử, tâm linh... gắn với thành phố trung tâm của cả khu vực...; thúc đẩy phát triển kinh tế đêm trong lĩnh vực du lịch và đề xuất cơ chế chính sách, hỗ trợ khuyến khích phát triển 3 nhóm dịch vụ; liên kết với các địa phương trong nước và hội nhập, hợp tác quốc tế trong phát triển và quản lý du lịch, tạo ra các chuỗi dịch vụ, sản phẩm du lịch chung...

Song song đó, ngành cải thiện các chỉ số của một số hạng mục còn thấp bằng cách tiếp tục đồng hành hiệp hội du lịch, lắng nghe tiếp thu các ý kiến của cộng đồng doanh nghiệp để tham mưu thành phố giải quyết các khó khăn, vướng mắc, tạo thuận lợi cho hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.

Trước mắt, ngành tập trung hỗ trợ doanh nghiệp thụ hưởng các chính sách hỗ trợ của Trung ương, thành phố, cùng với cộng đồng doanh nghiệp triển khai các nhóm sản phẩm kích cầu, thu hút khách đến Đà Nẵng. Tới đây sẽ triển khai kế hoạch phát triển nguồn nhân lực du lịch Đà Nẵng giai đoạn 2022-2025; riêng trong năm 2022 sẽ tập trung chuẩn bị nguồn nhân lực du lịch đủ về lượng và chất, tổ chức đào tạo, tập huấn về nghiệp vụ, về chuyển đổi số; triển khai các biện pháp củng cố và nâng cao chất lượng dịch vụ, chất lượng phục vụ…

Cùng với đó, Sở Du lịch sẽ phối hợp UBND các quận, huyện tập trung tuyên truyền nâng cao nhận thức và khuyến nghị người dân cần cải thiện về giá bán lẻ thức ăn, đồ uống hợp lý, phải chăng; niêm yết giá và bán theo giá niêm yết… “Ngành du lịch Đà Nẵng kỳ vọng với quyết tâm và nỗ lực triển khai những giải pháp nêu trên của các cấp, các ngành cùng cộng đồng doanh nghiệp, du lịch Đà Nẵng sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ hơn trong thời gian đến”, ông Bình nhấn mạnh.

Dự án xây dựng VTCI do Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam tài trợ và hỗ trợ kỹ thuật cho TAB từ năm 2019. Từ năm 2022, VTCI được bàn giao lại cho TAB và Ban nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân để tạo dựng kênh đánh giá khách quan, hiệu quả cho các địa phương.

NHẬT HẠ

;
;
.
.
.
.
.