Công nghiệp chuyển dịch cơ cấu đúng hướng

.

Cơ cấu giá trị tăng thêm của ngành công nghiệp thành phố thời gian qua chuyển dịch theo hướng tăng các ngành, sản phẩm có lợi thế cạnh tranh, có hàm lượng công nghệ và giá trị gia tăng cao, sử dụng nhiều lao động kỹ thuật, trong đó tập trung phát triển các lĩnh vực mũi nhọn gồm công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp điện tử - công nghệ thông tin.

Ngành công nghiệp thành phố tái cơ cấu đúng hướng góp phần mang lại giá trị gia tăng lớn cho kinh tế thành phố. TRONG ẢNH: Hoạt động sản xuất tại Công ty CP Cao su Đà Nẵng. Ảnh: KHÁNH HÒA
Ngành công nghiệp thành phố tái cơ cấu đúng hướng góp phần mang lại giá trị gia tăng lớn cho kinh tế thành phố. TRONG ẢNH: Hoạt động sản xuất tại Công ty CP Cao su Đà Nẵng. Ảnh: KHÁNH HÒA

Tăng tỷ trọng hàm lượng công nghệ cao, giá trị gia tăng lớn

Báo cáo tình hình tái cơ cấu ngành công nghiệp từ Sở Công Thương cho thấy tỷ trọng các ngành và sản phẩm có hàm lượng cao về kỹ thuật - công nghệ và giá trị gia tăng gồm: điện tử, thiết bị điện, cơ khí chế tạo, sản xuất - lắp ráp ô-tô, phương tiện… tăng từ 25,5% (năm 2015) lên khoảng 30% (hiện nay); tỷ trọng một số ngành và sản phẩm có lợi thế cạnh tranh gồm: chế biến thực phẩm (thủy sản, sữa), đồ uống (bia, nước ngọt)… tăng từ 11,4% lên khoảng 16,5%. Ở chiều ngược lại, tỷ trọng các ngành công nghiệp chủ yếu dựa vào khai thác tài nguyên, nguy cơ gây ô nhiễm môi trường gồm: luyện kim, sản xuất xi-măng… giảm từ 7,8% xuống còn 5,3%; tỷ trọng một số ngành sử dụng nhiều lao động phổ thông gồm: may mặc, da giày… giảm từ 10,6% xuống còn 9,3%.

Giai đoạn từ 2016 đến nay, có nhiều dự án quy mô khá lớn đầu tư vào thành phố như Nhà máy sản xuất linh kiện hàng không vũ trụ Sunshine (170 triệu USD); Nhà máy sản xuất đèn báo hiệu ô-tô Key Tronic (70 triệu USD); Nhà máy sản xuất thiết bị y tế ICT Vina I và II (80 triệu USD); Nhà máy sản xuất thiết bị tự động hóa trong ngành may mặc Yamato (28 triệu USD); Nhà máy công nghệ ATOMA (798 tỷ đồng); Nhà máy sản xuất dược phẩm với công nghệ Nano, công nghệ sinh học và Trung tâm Nghiên cứu phát triển công nghệ cao (1.500 tỷ đồng)…

Bà Vũ Thị Bích Hậu, Phó Giám đốc Sở Khoa học công nghệ thành phố cho biết, trong 5 năm gần đây, Đà Nẵng là một trong những địa phương tiên phong hình thành và phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo trên cả nước với 1 Trung tâm Hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, 6 vườn ươm, 2 không gian sáng tạo, 9 không gian làm việc chung cùng 10 CLB khởi nghiệp và 3 Quỹ đầu tư trong lĩnh vực khởi nghiệp. Tại Khu Công nghệ cao, Trung tâm ươm tạo công nghệ cao đã triển khai có hiệu quả các hoạt động ươm tạo công nghệ cao, doanh nghiệp công nghệ cao, là cơ sở thúc đẩy sự hình thành và phát triển các doanh nghiệp công nghệ cao mới trên địa bàn thành phố.

Công nhân sản xuất tại Công ty TNHH Sản xuất thương mại và Dịch vụ Huỳnh Đức (Khu Công nghiệp Hòa Khánh, quận Liên Chiểu). Ảnh: KHÁNH HÒA
Công nhân sản xuất tại Công ty TNHH Sản xuất thương mại và Dịch vụ Huỳnh Đức (Khu Công nghiệp Hòa Khánh, quận Liên Chiểu). Ảnh: KHÁNH HÒA

Hạ tầng phục vụ ngành công nghiệp không ngừng được đầu tư

Để phục vụ mục tiêu tái cơ cấu ngành công nghiệp, thành phố không ngừng quan tâm đầu tư và kêu gọi đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật. Từ 2 KCN năm 1997, đến nay trên địa bàn thành phố có 1 khu công nghệ cao quốc gia đa chức năng, 2 khu công nghệ thông tin tập trung được công nhận, 6 KCN và một số cụm công nghiệp đang hoạt động với diện tích khoảng 2.500ha, tạo việc làm cho hơn 100.000 lao động với tỷ lệ lấp đầy ở các KCN đạt 87,10%. Ngoài ra, với hệ thống đào tạo đại học, cao đẳng cũng như đào tạo nghề đạt tiêu chuẩn, là một lợi thế lớn trong việc thu hút đầu tư các dự án công nghiệp công nghệ cao, dịch vụ chất lượng cao.

Ngành Công Thương đề ra mục tiêu phấn đấu hoàn thành và hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu chủ yếu trong giai đoạn 2021-2025, cụ thể: chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 8- 9%/năm; tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tăng 8 - 9%/năm. Các lĩnh vực thu hút đầu tư tập trung ở ngành công nghiệp, bao gồm: công nghệ thông tin; công nghiệp công nghệ cao; công nghiệp hỗ trợ trong lĩnh vực cơ khí, cơ khí chính xác, điện - điện tử; nghiên cứu và phát triển; dịch vụ logistics, du thuyền quốc tế...

Để thực hiện những mục tiêu trên cũng như tiếp tục tái cơ cấu ngành công nghiệp theo định hướng đề ra, ngành Công Thương tập trung đẩy nhanh thu hút nguồn lực đầu tư phát triển hạ tầng công nghiệp; đề xuất kịp thời các giải pháp tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo thuận lợi tối đa cho hoạt động sản xuất - kinh doanh. Hiện nay, thành phố chuẩn bị đầu tư, kêu gọi đầu tư 4 KCN mới (trong đó có KCN hỗ trợ công nghệ cao), mở rộng Khu Công nghệ cao và Khu Công nghệ thông tin tập trung cũng như hình thành một số cụm công nghiệp mới.

Đối với hoạt động đổi mới sáng tạo, Đà Nẵng sẽ là điểm xây dựng của một trong 3 cơ sở của Trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia, với việc áp dụng, thử nghiệm các cơ chế chính sách vượt trội; cùng đó sẽ sớm triển khai Tổ hợp không gian sáng tạo CMC, các công viên khoa học, liên kết với các tập đoàn lớn trong nước đang triển khai hoạt động đổi mới sáng tạo mạnh như Viettel, VNPT, FPT…

Thông tin từ Ban Hỗ trợ và Xúc tiến đầu tư thành phố cho biết, trong Đề án “Đẩy mạnh thu hút đầu tư vào thành phố giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030”, thành phố chú trọng vận động và thu hút đầu tư từ các tập đoàn lớn (thuộc Forbes 500) và doanh nghiệp tại các nước phát triển (G7, G8, OECD…) cũng như các tập đoàn, doanh nghiệp lớn trong nước, người Việt Nam ở nước ngoài; xây dựng các đề án phát triển mang tính chiến lược như trung tâm tài chính, công nghiệp du thuyền, trung tâm logistics, khu phi thuế quan… đi kèm với các đề xuất về cơ chế, chính sách liên quan để trình các cấp thẩm quyền phê duyệt nhằm tạo hành lang pháp lý thuận lợi.

“Trên cơ sở đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, thành phố đang khẩn trương lập quy hoạch các phân khu làm cơ sở xác định địa điểm các dự án cần kêu gọi đầu tư nhằm tạo động lực phát triển cho thành phố. Bên cạnh đó, thành phố đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp nhằm hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng và chuẩn bị sẵn sàng quỹ đất phát triển công nghiệp, công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ, công nghệ thông tin. Đồng thời kêu gọi đầu tư phát triển hạ tầng công nghệ thông tin, tiếp tục đơn giản hóa và ứng dụng công nghệ thông tin trong việc giải quyết các thủ tục đầu tư và quản lý tiến độ các dự án đầu tư”, ông Phạm Trường Sơn, Trưởng ban quản lý Khu Công nghệ cao và các khu công nghiệp thành phố nói.

KHÁNH HÒA

;
;
.
.
.
.
.
Liên kết hữu ích