Giá vàng đã vượt 70 triệu đồng/lượng và đang biến động khó lường. Điều này khiến người dân, các nhà đầu tư cân nhắc trong việc lựa chọn vàng hay kênh đầu tư tài chính nào khác để sinh lời.
Các chuyên gia khuyến cáo cần cân nhắc kênh đầu tư tài chính phù hợp để giảm rủi ro. TRONG ẢNH: Người dân giao dịch tại cửa hàng thuộc Công ty CP Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ), quận Hải Châu. Ảnh: M.QUẾ |
Chưa đầy một tháng kể từ ngày vía Thần tài (ngày 10-2, tức mồng 10 tháng Giêng âm lịch), giá vàng SJC đã chạm mốc 73,5 triệu đồng/lượng bán ra vào ngày 10-3 vừa qua. Trong 24 ngày, giá vàng đã tăng hơn 10 triệu đồng/lượng ở cả hai chiều mua vào và bán ra, chênh lệch mua bán cũng kéo giãn từ 1 triệu đồng/lượng lên xấp xỉ 1,8 - 2 triệu đồng/lượng. Tới sáng ngày 10-3, giá vàng đã “hạ nhiệt” nhưng vẫn neo ở mức 70 triệu đồng/lượng bán ra. Như vậy, nếu đầu tư vàng từ đầu tháng 1 đến nay, nhà đầu tư đã sinh lời 13,8 - 19,5% tùy thời điểm chốt bán, trong khi mức tăng cả năm 2021 chỉ có 9,8%.
Theo nhiều chuyên gia kinh tế nhận định, việc mua vàng để đầu tư trong năm nay sẽ khó tính toán hơn các năm trước khi giá vàng liên tục lên xuống theo tình hình thế giới. Bên cạnh đó là chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới lớn (ở mức 15 triệu đồng/lượng), chênh lệch giữa giá mua và bán cũng lên đến 2 triệu đồng/lượng. Ông Hoàng Công Huế, Trưởng phòng Kinh doanh vàng thuộc Tập đoàn vàng bạc đá quý Doji - chi nhánh Đà Nẵng cho biết, khi thị trường có nhiều biến động thì việc kéo giãn chênh lệch giữa mua vào và bán ra vàng là điều tất yếu. Hiện Doji Đà Nẵng ghi nhận chủ yếu là khách hàng tới bán vàng, ít có giao dịch mua. Tương tự, qua khảo sát các tiệm vàng trên địa bàn thành phố những ngày qua, hầu hết người dân đều bán ra để chốt lời.
Nếu vàng liên tục biến động thì kênh đầu tư ngoại tệ được nhiều chuyên gia dự đoán không có nhiều biến động trong năm 2022 với chính sách ổn định tỷ giá của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, bên cạnh đó, nguồn cung USD vẫn duy trì ở mức dồi dào nhờ kiều hối. Tỷ giá USD/VND đầu năm 2021 được các ngân hàng thương mại lớn niêm yết ở mức mua vào 23.035 đồng/USD, bán ra 23.215 đồng/USD. Đến cuối năm, tỷ giá ngoại tệ này được mua vào ở mức 22.640 đồng/USD và bán ra ở mức 22.920 đồng/USD, tương đương mức giảm 1,3%.
Xét ở kênh đầu tư khác, ông Trần Văn Bình, Phó Chủ tịch Hội môi giới bất động sản (BĐS) Việt Nam cho biết, hiện sản phẩm đất nền với mức giá khoảng 2-3 tỷ đồng/nền ở Đà Nẵng đang hút nhiều nhà đầu tư quan tâm. Trong thời gian tới, giá bất động sản ở miền Trung nói chung và Đà Nẵng nói riêng sẽ tăng nhẹ trở lại nên bất động sản vẫn là kênh đầu tư tiềm năng.
Ông Trần Hoài Nam, Giám đốc điều hành Công ty TNHH MTV Smart City (thành viên Công ty CP Đất Xanh Miền Trung) đưa ra lời khuyên: “Nhà đầu tư BĐS nếu có vốn thì xác định đầu tư trung hạn và dài hạn để có biên độ tăng giá tốt hơn. Chu kỳ BĐS là xuống thấp 1-2 năm nhưng sau đó sẽ tăng lên 2-3 năm. Đồng thời, các nhà đầu tư cũng cần cân nhắc đến hạ tầng cũng như pháp lý của sản phẩm để hạn chế rủi ro”.
Ngoài các kênh đầu tư truyền thống kể trên, có thể thấy nổi lên trong vài năm gần đây là xu hướng đầu tư vào thị trường chứng khoán. Ông Nguyễn Trung Kiên, Giám đốc Công ty CP Chứng khoán Agribank (Agriseco) - chi nhánh miền Trung cho biết, số tài khoản tham gia giao dịch chứng khoán mở mới trong năm 2021 tăng gấp rưỡi tổng số lượng tài khoản mở mới của 4 năm trước đó (2017-2020) cộng lại, cùng với đó, ghi nhận tỷ suất sinh lời từ chứng khoán trong năm 2021 là gần 36%. Các số liệu trên chứng tỏ chứng khoán ngày càng được quan tâm cũng như hiệu quả của kênh đầu tư này.
Năm 2021 cũng là năm Luật Chứng khoán 2019 có hiệu lực thi hành, tình trạng nghẽn lệnh được giải quyết, kết hợp với sự quyết liệt của Chính phủ trong việc thanh tra, xử lý, giám sát khi xảy ra sự cố hay xuất hiện các sai phạm, từ đó nâng cao chất lượng của thị trường chứng khoán. “Ngoài chứng khoán, một kênh đầu tư cũng được quan tâm gần đây là tiền điện tử (tiền kỹ thuật số). Đây là một kênh đầu tư với mức lợi nhuận kỳ vọng đem lại rất cao, có thể tới hàng chục, thậm chí hàng trăm lần. Tuy nhiên, kênh đầu tư này vẫn chưa có khung pháp lý rõ ràng nên nếu xảy ra tranh chấp thì nhà đầu tư là người chịu thiệt khi không có pháp luật bảo vệ”, ông Kiên chia sẻ thêm.
Nhìn chung, các kênh đầu tư trên đều có rủi ro và tiềm năng nhất định. Theo ý kiến của các chuyên gia và nhà đầu tư, lợi nhuận càng cao tỷ lệ thuận với rủi ro càng lớn nên rất ít người “bỏ trứng vào một giỏ” mà đầu tư dàn trải ở nhiều kênh, kể cả gửi tiết kiệm. Bởi lẽ, khi đầu tư vào vàng, chứng khoán, trái phiếu, bất động sản, ngoài ra còn có tiền ảo… đều phụ thuộc vào nhiều yếu tố để tăng hoặc giảm, trong khi với những người có tiền nhàn rỗi thì gửi tiết kiệm cũng là một kênh đáng cân nhắc bởi tính ổn định, không yêu cầu nhà đầu tư tìm hiểu hay đưa ra quyết định nhiều. Cụ thể, lãi suất tại các ngân hàng thương mại hiện ở mức 6-7%/năm, nếu trừ tỷ lệ lạm phát được dự báo trong năm 2022 ở mức 3-4% thì nhà đầu tư lời khoảng 3%/năm khi gửi tiết kiệm.
MAI QUẾ