Xây dựng chợ truyền thống trở thành điểm đến du lịch hấp dẫn

.

Ngành thương mại tạo ra các sản phẩm phục vụ du lịch và ngược lại du lịch tạo thị trường cho thương mại phát triển. Chợ truyền thống không chỉ đơn thuần là nơi buôn bán mà còn là điểm đến hằng ngày của du khách trong lẫn ngoài nước.

Các chợ truyền thống không chỉ đơn thuần là nơi buôn bán mà còn là điểm đến hấp dẫn du khách.  Trong Ảnh: Chợ Hàn là một trong những chợ thu hút khách du lịch. Ảnh: KHÁNH HÒA
Các chợ truyền thống không chỉ đơn thuần là nơi buôn bán mà còn là điểm đến hấp dẫn du khách. TRONG ẢNH: Chợ Hàn là một trong những chợ thu hút khách du lịch. Ảnh: KHÁNH HÒA

Ưu thế của chợ truyền thống

Để phục vụ những nhu cầu đó, thời gian gần đây, thành phố đã có chủ trương phát triển một số chợ truyền thống thành điểm du lịch. Tuy nhiên, nguồn vốn đầu tư cho phát triển chợ còn hạn chế, chưa định hình và xây dựng các nhóm sản phẩm đặc trưng để thu hút du khách của từng chợ và tiểu thương kinh doanh tại chợ chưa bảo đảm kỹ năng kinh doanh sản phẩm phục vụ du khách.

Chợ Cồn là một trong những chợ hình thành lâu nhất tại Đà Nẵng, có diện tích khá rộng, là nơi tập trung hơn 2.000 hộ kinh doanh với đa dạng các sản phẩm như quần áo, giày dép, đồ gia dụng, thủy hải sản… Đặc biệt chợ được nhiều người biết đến và thu hút du khách là các món ẩm thực như: đồ ăn vặt như ốc các loại, mít trộn, bánh xèo....

Sau khi thưởng thức các món ăn, du khách có thể vào ghé khu bày bán các loại hoa quả nhiệt đới chế biến sẵn, bánh ngọt hoặc nước giải khát… Đồ ăn tại khu ẩm thực ngoài trời của chợ Cồn chỉ có mức giá khoảng 15.000 đồng - 50.000 đồng/phần.

Trong khi đó, ven bờ sông Hàn, nhất là khu vực bờ đông, tập trung nhiều chợ truyền thống như chợ Hàn, chợ Bắc Mỹ An, chợ An Hải Đông, chợ An Hải Bắc, chợ Hà Thân… Tại các chợ này, người dân và du khách có thể trải nghiệm lối sống, sinh hoạt và mua sắm sản phẩm đặc thù địa phương và miền Trung, giao lưu mua sắm với tiểu thương trong chợ; thưởng thức ẩm thực, mua hàng thủ công mỹ nghệ …

Bà Hồ Thị Thắng (du khách đến từ Thành phố Hồ Chí Minh) chia sẻ, có dịp ghé thăm Đà Nẵng cách đây 2 năm, tôi rất ấn tượng với thành phố biển xinh đẹp này bởi chúng tôi không chỉ được tham quan danh lam thắng cảnh, tắm biển mà còn được đi chợ địa phương, mua sắm các sản phẩm đặc trưng như hải sản, thưởng thức ẩm thực vùng miền và trải nghiệm nhiều điều thú vị. Điều đáng nói, giá không đắt, không có hiện tượng nói thách hay “chặt chém” khách du lịch.

“Tôi nghĩ bất cứ ai đi du lịch đều muốn trải nghiệm văn hóa địa phương và chợ địa phương là điểm hội tụ văn hóa đặc sắc nhất. Hiện các chợ truyền thống cần được đầu tư bài bản, quy mô hơn để phục vụ khách du lịch, nhất là đối với du khách nước ngoài. Các chợ hiện còn thiếu biển chỉ dẫn, thiếu các gian hàng trưng bày để giới thiệu sản phẩm địa phương. Bên cạnh đó, hàng hóa bố trí lộn xộn, thiếu thống nhất nên du khách khá bối rối trong việc mua sắm”, bà Thắng cho biết thêm.

Trong khi đó, chợ Túy Loan là chợ truyền thống ở vị trí trung tâm của huyện Hòa Vang có vị trí thuận lợi khi nằm trên tuyến đường có thể kết hợp với một số điểm du lịch dọc sông Túy Loan, lễ hội đình làng Túy Loan, làng nghề bánh tráng Túy Loan...

Theo UBND huyện Hòa Vang, ngoài chợ Túy Loan, địa phương đã có kế hoạch phát triển chợ Hưởng Phước (xã Hòa Liên) trở thành chợ điểm du lịch. Theo đó, chợ Hưởng Phước nằm trên tuyến đường Nguyễn Tất Thành nối dài, thuận lợi kết hợp với tuyến du lịch Bà Nà Suối Mơ, du lịch cộng đồng Hòa Bắc...

Hoạt động mua bán tại chợ Mới (quận Hải Châu). Ảnh: QUỲNH TRANG
Hoạt động mua bán tại chợ Mới (quận Hải Châu). Ảnh: QUỲNH TRANG

Xây dựng mô hình chợ điểm phục vụ du lịch

Thực tế, chợ truyền thống không chỉ là nơi buôn bán mà từ lâu trở thành nơi tham quan, mua sắm của nhiều du khách trong nước và quốc tế. Được biết, hiện Sở Công Thương đang xây dựng đề án nghiên cứu đề xuất hình thành một số chợ điểm phục vụ du lịch trên địa bàn thành phố. Trước tình hình phát triển mạnh của ngành dịch vụ, du lịch, sự phát triển của khoa học và công nghệ cả nước nói chung, Đà Nẵng nói riêng, việc phát triển chợ điểm theo hướng phục vụ du lịch nhằm thu hút, khuyến khích khách du lịch đến với Đà Nẵng.

Giám đốc Công ty Quản lý và Phát triển các chợ Đà Nẵng Đàm Văn Tẩu cho biết: “Trước mắt, chúng tôi sẽ cải tạo cổng chợ Hàn trên đường Bạch Đằng - mặt tiền của chợ hướng ra bờ sông Hàn. Các hạng mục như bãi giữ xe, điện... cũng phải được nâng cấp để trở thành điểm đến về đêm, tăng nhu cầu trải nghiệm những nét văn hóa mua bán, từ các đồ lưu niệm đến thưởng thức ẩm thực địa phương”.

Theo đại diện các ban quản lý chợ quận, huyện, việc phát triển thương hiệu chợ điểm phục vụ du lịch là một quá trình và tùy theo điều kiện của từng chợ. Ngoài việc quảng bá và xúc tiến qua nhiều kênh thì bản thân hoạt động của từng chợ phải bảo đảm chất lượng phục vụ và tạo dấu ấn cho du khách khi mua sắm và trải nghiệm có hiệu quả nhất.

Vì vậy, cùng với tuyên truyền giáo dục ý thức văn minh trong kinh doanh, Ban quản lý các chợ điểm phục vụ du lịch cùng các hộ, cơ sở kinh doanh cần đồng thuận xây dựng bộ quy tắc ứng xử chung. Từng chợ điểm phục vụ du lịch cần duy trì, phát triển hình ảnh và danh tiếng, chỉ dẫn địa lý của chợ truyền thống vốn có từ trước để tạo dựng thương hiệu được du khách và người dân trong khu vực, Việt Nam và thế giới biết tới ngày càng nhiều.

Giám đốc Sở Công Thương Lê Thị Kim Phương cho biết, du lịch và thương mại có mối quan hệ hỗ trợ, thúc đẩy lẫn nhau. Vì vậy, thời gian tới, ngành công thương sẽ phối hợp ngành du lịch xây dựng kế hoạch hình thành một số chợ “điểm”, tạo sản phẩm du lịch đặc thù tại chợ. Đây cũng là nơi để quảng bá các sản phẩm thương mại đặc trưng của địa phương.

 QUỲNH TRANG

;
;
.
.
.
.
.