Từ đầu tháng 3 đến nay, các khách sạn ven biển, các điểm du lịch khu vực trung tâm bắt đầu nhộn nhịp, kéo theo sự phục hồi tại các cửa hàng kinh doanh, dịch vụ trên địa bàn thành phố.
Nhằm đẩy mạnh phát triển dịch vụ, thương mại, khai thác hiệu quả kinh tế đêm, quận Hải Châu khuyến khích phát triển các lĩnh vực cốt lõi như dịch vụ văn hóa, vui chơi giải trí, dịch vụ ăn uống, dịch vụ mua sắm và du lịch. TRONG ẢNH: Một góc quận Hải Châu về đêm. Ảnh: LÊ HUY TUẤN |
Nhiều điểm đến yêu thích
Nhiều bạn trẻ rất thích đến tuyến đường Trần Văn Trứ, quận Hải Châu, nơi tập trung nhiều hàng quán, dịch vụ ẩm thực. Rộng hơn là một khu phố khu vực tuyến đường Bình Minh 4, Bình Minh 10, Bạch Đằng nối dài, đường 2 Tháng 9, Trần Văn Trứ (bên cạnh Công viên vườn tượng APEC) như được “khoác” áo mới, trở thành điểm vui chơi về đêm của người dân và du khách.
Từ 6 giờ tối trở đi là lúc khu phố này trở nên nhộn nhịp, tấp nập với ánh đèn rực rỡ, tiếng nhạc sôi động hòa trong dòng người đông đúc. Nơi này tập trung từ nhà hàng, quán bar đến quán ăn ven đường phục vụ ẩm thực, nước giải khát… “Nếu Hà Nội có phố Tạ Hiện, Thành phố Hồ Chí Minh có phố Tây Bùi Viện thì Trần Văn Trứ là phố đêm mới của Đà Nẵng. Dù mới nhưng khu phố này nhanh chóng thu hút giới trẻ bởi không khí vui vẻ, rộn ràng, chưa kể nơi đây còn là “thiên đường” ẩm thực với nhiều món ngon. Nếu được phát triển thành tuyến phố hoạt động xuyên đêm thì sẽ là điểm đến yêu thích của du khách khi đến Đà Nẵng”, một bạn trẻ chia sẻ.
Nằm trên địa bàn quận Ngũ Hành Sơn, tuyến phố Ngô Thì Sĩ, Võ Nguyên Giáp, Hoàng Kế Viêm, Trần Bạch Đằng, An Thượng 2, Châu Thị Vĩnh Tế (còn được gọi là Khu phố du lịch An Thượng) cũng dần trở thành điểm đến vui chơi giải trí, mua sắm ngày và đêm của người dân thành phố và khách du lịch. Từ sau Tết Nguyên đán đến nay, hoạt động kinh doanh dịch vụ ăn uống tại các tuyến phố này khá nhộn nhịp.
Bà Hiền (chủ quán đặc sản Bình Định, đường Châu Thị Vĩnh Tế) nói: “Mấy bữa nay đường sá đông đúc, người dân bắt đầu ra đường sinh hoạt, ăn uống nhiều hơn nên buôn bán được. Không chỉ quán tôi mà quán nào cũng đông khách hơn. Ai cũng mừng!”. Tương tự, nhân viên tiệm Breadnsalt Café (đường Hoàng Kế Viêm) cho hay, những ngày gần đây, đặc biệt là cuối tuần, quán đón lượng khách đến đông hơn hẳn. Nhìn những chiếc bàn kín khách mới thấy nhịp sống dần trở về bình thường.
Các điểm du lịch sôi động trở lại góp phần đẩy mạnh phát triển dịch vụ, thương mại trên địa bàn thành phố. TRONG ẢNH: Tuyến đường Trần Văn Trứ (quận Hải Châu) dần trở thành điểm giải trí ban đêm thu hút người dân và du khách. Ảnh: QUỲNH TRANG |
“Thắp sáng” kinh tế đêm sau Covid-19
Thực hiện nhiệm vụ đẩy mạnh phát triển dịch vụ, thương mại trên địa bàn quận, khai thác hiệu quả kinh tế đêm, UBND quận Hải Châu xác định khuyến khích phát triển các lĩnh vực cốt lõi như dịch vụ văn hóa, vui chơi giải trí, dịch vụ ăn uống, dịch vụ mua sắm và du lịch. Đối với kinh tế đêm, thực hiện từ 6 giờ tối hôm trước đến 6 giờ sáng hôm sau nhằm trực tiếp phục vụ nhu cầu vật chất và tinh thần của người dân và khách du lịch.
Phó Chủ tịch UBND quận Hải Châu Phan Thị Thắng Lợi cho biết, quận Hải Châu có hệ thống hạ tầng giao thông phát triển mạnh, đồng thời là trung tâm hành chính, thương mại, dịch vụ của thành phố, là khu vực tập trung đông dân cư và các cơ quan, văn phòng của hầu hết các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố.
Bên cạnh đó, hệ thống cơ sở lưu trú, nhà hàng, bar, pub trên địa bàn khá phát triển; hạ tầng giao thông, cơ sở vật chất phục vụ phát triển kinh tế ban đêm tương đối bảo đảm. Nhằm hỗ trợ và phát triển kinh tế ban đêm, trên cơ sở các chủ trương, chính sách từ Trung ương đến thành phố, quận đã xây dựng đề án “Phát triển kinh tế ban đêm”, trong đó tập trung đề xuất nhiều giải pháp nhằm thúc đẩy phát triển các hoạt động dịch vụ, kinh tế ban đêm trên địa bàn (giải trí, mua sắm, ăn uống, tham quan).
Hiện nay, các hoạt động dịch vụ kinh tế đêm đang dần hình thành và từng bước phát triển về số lượng và chất lượng. “Trước mắt, phát triển kinh tế ban đêm nhằm thúc đẩy tiêu dùng và phát triển du lịch, thông qua tập trung phát triển lĩnh vực dịch vụ văn hóa, vui chơi, giải trí, dịch vụ ăn uống, mua sắm diễn ra trong khoảng thời gian từ 6 giờ tối hôm trước đến 6 giờ sáng hôm sau. Mặt khác, phát triển kinh tế ban đêm phải dựa trên cơ sở tôn trọng và hài hòa cả cung và cầu trên thị trường, không áp đặt tư duy chủ quan của cơ quan quản lý; tạo sự tham gia của cộng đồng dân cư và doanh nghiệp vào phát triển chung”, bà Lợi thông tin thêm.
Theo thông tin từ UBND quận Ngũ Hành Sơn, trong tháng 4-2022, quận sẽ tập trung nâng cấp dịch vụ và chuẩn bị các hoạt động kinh tế ban đêm đa dạng, hấp dẫn và vận động kéo dài thời gian hoạt động tại một số khu vực thu hút khách trên địa bàn quận.
Các hoạt động dự kiến triển khai như: dịch vụ xe lưu động thức ăn nhanh, nước giải khát (food-truck); bố trí sắp xếp các hoạt động kinh doanh dịch vụ dưới bãi cát ven biển nhưng bảo đảm văn minh đô thị; dịch vụ chiếu phim trên bãi biển; dịch vụ mát-xa trị liệu trên bãi biển; sân khấu sự kiện ngoài trời kết hợp tổ chức sinh hoạt cộng đồng, các trò chơi dân gian; khu check-in trên bãi biển; lễ khai trương các hoạt động vui chơi, giải trí về đêm trên bãi biển…
Trưởng phòng Kinh tế quận Ngũ Hành Sơn Lê Minh Hòa thông tin, thời gian tới, quận sẽ phối hợp Sở Công Thương triển khai Chương trình “Giờ hạnh phúc - Happy hours” trên địa bàn; vận động các cửa hàng, cửa hiệu, các cơ sở ăn uống tổ chức các khung giờ “happy hours” vào buổi tối với các mức giảm giá, ưu đãi, quà tặng đặc biệt để thu hút khách, tăng hiệu quả kinh doanh; đồng thời kích cầu mua sắm ban đêm, đặc biệt sau 22 giờ hằng ngày.
Hiệp Hội Doanh nghiệp quận Ngũ Hành Sơn cũng cho hay, nhằm góp sức trong phát triển kinh tế ban đêm trên địa bàn, đơn vị sẽ phối hợp Phòng Tài chính - Kế hoạch quận có phương án kêu gọi các Hiệp hội ngành nghề liên quan của thành phố thực hiện hỗ trợ và tăng cường liên kết với các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch về đêm xây dựng và phát triển kinh doanh, dịch vụ; liên kết, hợp tác và hỗ trợ nhau trong bình ổn thị trường, giảm cạnh tranh không lành mạnh, nâng cao chất lượng sản phẩm dịch vụ du lịch về đêm tại các khu vực triển khai trên địa bàn.
Theo số liệu từ Cục Thống kê thành phố, trong tháng 2, giá dịch vụ ăn uống ngoài gia đình tăng 1,41%; nhóm văn hóa, giải trí và du lịch tăng 0,04%, trong đó giá khách sạn tăng 1,18%; dịch vụ giải trí xem phim ca nhạc cũng tăng 1,41%... cho thấy ngành dịch vụ tiếp tục khởi sắc.
|
QUỲNH TRANG