Hàng thiết yếu tăng giá

.

Giá xăng, dầu, gas và nguyên liệu đầu vào của nhiều lĩnh vực sản xuất, từ thức ăn chăn nuôi, phân bón, vật liệu xây dựng đến cước vận tải… đều tăng khiến giá các mặt hàng tiêu dùng, thực phẩm đồng loạt điều chỉnh tăng. Để giảm gánh nặng cho người tiêu dùng, cơ quan chức năng cần tăng cường kiểm soát và bình ổn giá thị trường.

Các mặt hàng thiết yếu đang rục rịch tăng theo giá xăng.  Trong ảnh: Khách mua hàng tại siêu thị Co.opmart Đà Nẵng.  Ảnh: QUỲNH TRANG
Các mặt hàng thiết yếu đang rục rịch tăng theo giá xăng. TRONG ẢNH: Khách mua hàng tại siêu thị Co.opmart Đà Nẵng. Ảnh: QUỲNH TRANG

Nhiều mặt hàng tăng giá

Ghi nhận tại các chợ truyền thống ngày 20-3 cho thấy, giá mặt hàng thịt heo đã tăng 10.000 đồng/kg/loại thịt. Cụ thể, thịt heo mông 100.000 đồng/kg, thịt ba chỉ 140.000 đồng/kg, thịt heo vai 100.000 đồng/kg. Tại các cửa hàng tạp hóa, mặt hàng dầu ăn tăng 5-7% so với tháng trước. Hiện, dầu ăn Happy Koki loại 1 lít có giá là 40.000 đồng (tăng 4.000 đồng/chai), dầu ăn Neptune 1 lít: 53.000 đồng, dầu ăn Simply 1 lít: 56.000 đồng/chai, dầu ăn Tường An 1 lít: 47.000 đồng; các mặt hàng sữa hầu hết tăng vài chục nghìn đồng/lon.

Đại diện chi nhánh Công ty CP Acecook Việt Nam tại Đà Nẵng cho biết, kể từ năm trước, tình hình nhập nguyên liệu, giá xăng dầu liên tục tăng nhưng công ty vẫn giữ giá bình ổn, chia sẻ khó khăn với người tiêu dùng. Tuy nhiên, hiện giá các nguyên vật liệu đầu vào và chi phí vận chuyển tăng cao nên doanh nghiệp dù cố gắng cũng không thể bù được. Trong tình hình đó, doanh nghiệp đã phải tăng giá bán cho toàn bộ sản phẩm và áp dụng từ ngày 1-3, với tỷ lệ tăng giá 6-7%.

Đại diện các siêu thị cho biết, các doanh nghiệp sản xuất cung ứng hàng hóa đã có đề nghị tăng giá một số mặt hàng thiết yếu, tập trung vào hàng thực phẩm, thực phẩm tươi sống, gia vị… Tuy nhiên, các siêu thị đang nỗ lực đàm phán để giữ giá bởi chi phí vận chuyển, giá nguyên liệu đều đã được đoanh nghiệp ký hợp đồng trước. Dù vậy, nếu giá xăng vẫn tiếp tục đà tăng mạnh, về lâu dài chắc chắn sẽ phải điều chỉnh giá hàng hóa tăng theo.

Giám đốc siêu thị MM Mega Market Nguyễn Tiến Dương cho hay, giá xăng dầu tăng gấp ba lần đã ảnh hưởng trực tiếp đến chi phí vận chuyển và chi phí bao bì; chưa kể chi phí vận chuyển quốc tế cũng bị ảnh hưởng do giá xăng dầu thế giới tăng. Ngoài ra, giá nguyên vật liệu như bột mì và bơ tăng cũng tác động đến giá thành sản phẩm, kéo theo tất cả các ngành hàng đều bị ảnh hưởng về giá.

Trong khi đó, cùng với những biến động leo thang của giá xăng, dầu đã kéo theo giá nhiều mặt hàng vật liệu xây dựng tăng. Khảo sát tại thị trường Đà Nẵng, giá thép xây dựng liên tục được các doanh nghiệp điều chỉnh tăng. Sau giá thép, giá xi-măng cũng tiếp đà tăng.

Cụ thể, Công ty CP xi-măng Xuân Thành thông báo điều chỉnh tăng giá bán 100.000 đồng/tấn đối với sản phẩm xi-măng bao và xi-măng rời (đã bao gồm VAT 8%) kể từ ngày 20-3; Công ty Vicem Hà Tiên cũng thông báo điều chỉnh giá xi-măng từ 23-3 đối với các loại xi-măng bao và xi-măng bao jumbo với mức tăng thêm 100.000 đồng/tấn (đã bao gồm VAT).

Tại một số cửa hàng kinh doanh vật liệu xây dựng, giá các mặt hàng vật tư đều đang ở mức cao, tăng khoảng 10% so với thời điểm trước Tết. Cụ thể: cát san lấp có giá khoảng 150.000-200.000 đồng/m3, cát xây tô (dùng để trộn bê-tông) khoảng 400.000-450.000 đồng/m3; gạch ống khoảng 1.300-1.400 đồng/viên; các loại đá xây dựng như đá đen, đá xanh khoảng 310.000 đồng/m3; giá sắt hộp, tôn cuộn tăng thêm khoảng 500 đồng/kg...

Tương tự, nhiều doanh nghiệp lớn ngành chăn nuôi vừa thông báo điều chỉnh tăng giá thức ăn chăn nuôi. Theo đó, Công ty CP MMS Feed (hệ thống Nhà máy Proconco & Anco) thông báo đến khách hàng tăng giá bán thức ăn nuôi heo và gà thịt thêm 300 đồng/kg, thức ăn gia cầm và heo con tăng 240 đồng/kg, các loại khác tăng 200 đồng/kg;

Công ty TNHH De Heus cũng thông báo tăng giá bán 300 đồng/kg với các sản phẩm thức ăn đậm đặc dành cho lợn và gà; tăng 240 đồng/kg thức ăn dành cho lợn con và gia cầm đẻ; tăng 200 đồng/kg cho các loại thức ăn còn lại (không áp dụng cho thức ăn thủy sản). Mức tăng này áp dụng cho khách hàng miền Trung và miền Nam.

Bình ổn thị trường

Nhiều siêu thị tại thành phố đang nỗ lực giữ hoặc giảm giá, góp phần giúp giá hàng hóa không biến động bất thường để người dân yên tâm mua sắm. Giá một số loại thực phẩm trong siêu thị rẻ hơn chợ truyền thống là khẳng định của nhiều người tiêu dùng hiện nay.

Bà Lương Thị Xuân (trú phường An Hải Đông, quận Sơn Trà) bày tỏ: “Ở chợ, các mặt hàng từ bún, gạo, dầu ăn đến rau, củ đều tăng 3.000 đến 5.000 đồng. Tiểu thương cho biết, chi phí vận chuyển tăng đẩy giá hàng hóa lên cao. Ðến siêu thị mua hàng, tôi thấy giá lại rẻ hơn. Do vậy, các ngành chức năng cần tổ chức các điểm bình ổn giá tại các khu đông dân cư, khu công nghiệp, bảo đảm kiểm soát giá để người dân yên tâm mua sắm”.

Xăng, dầu là mặt hàng nhiên liệu đầu vào rất quan trọng đối với nền kinh tế. Trong điều kiện nguồn cung mặt hàng này còn nhiều biến động, tất yếu giá cả tiêu dùng trong nước sẽ “nhảy múa” theo, lạm phát là điều đã được dự đoán. Để bảo đảm cân đối cung - cầu, bình ổn thị trường, Sở Công Thương đã có văn bản đề nghị Cục Quản lý thị trường tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, trong đó tập trung kiểm tra các hoạt động đăng ký, kê khai, niêm yết giá hàng hóa, dịch vụ và bán theo giá niêm yết các mặt hàng thiết yếu tại các trung tâm thương mại, siêu thị, chợ, doanh nghiệp… để kịp thời phát hiện hành vi đầu cơ găm hàng, tăng giá bất hợp lý và thu lợi bất chính, các tin đồn thất thiệt gây khan hiếm hàng hóa, dịch vụ, làm bất ổn thị trường.

Sở cũng yêu cầu các trung tâm thương mại, siêu thị, chuỗi cửa hàng tiện lợi, các công ty thương mại đầu mối lớn cung ứng lương thực, thực phẩm và một số hàng hóa thiết yếu tăng cường dự trữ, cung ứng hàng hóa theo kế hoạch, bảo đảm xuyên suốt, cung ứng kịp thời hàng hóa thiết yếu với giá cả hợp lý cho người dân; tránh đứt gãy chuỗi cung ứng, sẵn sàng nguồn hàng phục vụ nhân dân.

Trong khi đó, ở góc độ phân tích vĩ mô, giảng viên Trần Xuân Quỳnh (khoa Thương mại điện tử, Đại học Kinh tế - Đại học Đà Nẵng) đề xuất: “Giải pháp ở đây tập trung vào câu chuyện vĩ mô, vai trò của Nhà nước trong việc kiểm soát nguồn cung xăng dầu trong nước. Các công cụ quản lý vĩ mô khác như: chính sách tiền tệ, lãi suất có thể được sử dụng hợp lý để kìm hãm mức lạm phát.

Bên cạnh đó, vai trò của chính quyền địa phương, cơ quan quản lý thị trường cần được phát huy, để bảo đảm chuỗi cung ứng hàng hóa được trôi chảy, thông suốt, tránh đầu cơ, găm hàng, tăng giá bất hợp lý. Dưới góc độ doanh nghiệp, vai trò của công nghệ cần được chú trọng trong hoạt động điều hành nhằm giảm về chi phí và tối đa hóa hiệu quả kinh doanh”.

QUỲNH TRANG

;
;
.
.
.
.
.