Kinh tế
Làm mới sản phẩm
Thời điểm này, ngành du lịch thành phố đang đẩy mạnh các hoạt động truyền thông, cùng với đó là chuẩn bị điều kiện tốt nhất về cơ sở vật chất cũng như nhân lực để đón du khách đến Đà Nẵng.
Khách đến tham quan, vui chơi tại cầu Tình yêu. Ảnh: NHẬT HẠ |
Là một trong những điểm đến thu hút du khách của thành phố, Khu du lịch Sun World Bà Nà Hills đã sẵn sàng mở cửa trở lại vào ngày 18-3 tới. Ông Nguyễn Lâm An, Giám đốc Khu du lịch Sun World Bà Nà Hills cho biết, bên cạnh việc trùng tu, bảo dưỡng, làm đẹp cảnh quan, khu du lịch đang tăng cường tuyển dụng nhiều vị trí nhân sự để tăng chất lượng dịch vụ.
Hiện khu du lịch đang gấp rút hoàn thiện nhiều hạng mục, công trình mới như lâu đài Bà Nà phục vụ các buổi biểu diễn và tuyến đường Carnival để đưa vào vận hành dịp 30-4. Đồng thời để thu hút du khách, giá vé tham quan cũng giảm. Trong khi đó, nhiều khu du lịch, nghỉ dưỡng trên địa bàn thành phố cũng giảm giá vé trong tháng 3 như: Công viên nước Mikazuki (Đà Nẵng Mikazuki Resort & Spa), Suối khoáng nóng Núi Thần Tài… để có nhiều du khách tới trải nghiệm dịch vụ.
Không chỉ các khu du lịch trọng điểm, nhiều điểm đến mới và các dịch vụ phục vụ người dân địa phương và du khách cũng đang triển khai để mang lại không khí mới cho du lịch Đà Nẵng; có thể kể đến như Công viên vườn tượng APEC (quận Hải Châu), nhiều hạng mục được doanh nghiệp đầu tư tại Khu du lịch Yên Retreat (xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang)… Bên cạnh đó, Khu danh thắng Ngũ Hành Sơn, Bảo tàng Đà Nẵng, Bảo tàng Điêu khắc Chăm, Bảo tàng Mỹ thuật, Nhà trưng bày Hoàng Sa... đang miễn phí vé tham quan đến hết năm 2022.
Theo Sở Du lịch, hiện có khoảng 50% cơ sở lưu trú tại thành phố mở cửa phục vụ khách, trong đó có hơn 40 khách sạn từ 3 sao trở lên mở cửa trở lại và giảm 20-50% giá tiền phòng kèm nhiều ưu đãi đặc biệt khác tặng du khách. Đồng thời, thành phố đã thẩm định, lựa chọn 47 đơn vị tham gia phục vụ du khách quốc tế theo chương trình thí điểm gồm: 16 cơ sở lưu trú, 3 khu điểm du lịch, 25 đơn vị vận chuyển, 1 cơ sở ăn uống, 1 khu vui chơi giải trí và 1 sân golf.
Ông Nguyễn Xuân Bình, Phó Giám đốc Sở Du lịch cho hay, ngành du lịch thành phố đang phát triển theo hướng tăng giá trị - tăng trải nghiệm - tăng tiện ích. Cụ thể, Sở Du lịch đang triển khai các hoạt động truyền thông, xúc tiến thị trường bằng nhiều hình thức đa dạng bắt kịp xu hướng, thị hiếu du khách, tận dụng nền tảng trực tuyến Danang Fantascity, tổ chức các chương trình kích cầu du lịch phù hợp để kích hoạt trở lại các thị trường khách.
Bên cạnh các sản phẩm nghỉ dưỡng biển cao cấp, sản phẩm văn hóa, lịch sử và du lịch đô thị, Sở Du lịch đã chuẩn bị các gói hỗ trợ cho các đoàn khách MICE (du lịch hội nghị, hội thảo) đến Đà Nẵng từ tháng 3-2022. Có 5 nhóm chính sách chính về chào đón đoàn, quà lưu niệm, truyền thông, vé tham quan và tư vấn nhằm hỗ trợ các đoàn có quy mô từ 50 khách, từ 150 khách, từ 300 khách và từ 700 khách trở lên.
Ngoài ra, nhằm gia tăng sức hấp dẫn của chương trình du lịch, tạo lợi thế điểm đến trong bối cảnh cạnh tranh với các điểm đến trong khu vực, Đà Nẵng đã phối hợp tỉnh Quảng Nam đề xuất Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về chủ trương cho phép hai địa phương được kết nối các cơ sở cung ứng dịch vụ đủ điều kiện đón và phục vụ khách du lịch quốc tế. Qua đó các công ty lữ hành đưa vào khai thác phục vụ khách theo chương trình du lịch khép kín dưới 7 ngày bắt đầu từ đầu năm 2022. Song song đó, thành phố cũng xúc tiến thành công quyền đăng cai chính thức sự kiện diễn đàn “Phát triển đường bay châu Á 2022 (Routes Asia) “vào tháng 6-2022.
Theo Sở Du lịch, năm 2022 dự báo sẽ là năm hồi phục và tạo dấu ấn của du lịch Việt Nam nói chung và du lịch Đà Nẵng nói riêng. Với kịch bản khả quan, tổng lượng khách lưu trú năm 2022 dự kiến ước đạt 3,5 triệu lượt khách, tăng 3 lần so với năm 2021; trong đó, khách quốc tế ước đạt 180.000 lượt, tăng 1,6 lần và khách nội địa ước đạt hơn 3,32 triệu lượt, tăng 3 lần.
|
MAI QUẾ