Kinh tế

Tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn, khơi thông nguồn lực cho doanh nghiệp Nhà nước

16:50, 24/03/2022 (GMT+7)

ĐNO - Ngày 24-3, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc với doanh nghiệp Nhà nước về “Tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động nhằm huy động nguồn lực của doanh nghiệp Nhà nước trong phát triển kinh tế - xã hội”. 

Hội nghị được tổ chức 2 phiên sáng và chiều. Chủ tịch UBND thành phố Lê Trung Chinh và Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hồ Kỳ Minh chủ trì tại điểm cầu Đà Nẵng. 

Chủ tịch UBND thành phố Lê Chung Trinh chủ trì điểm cầu Đà Nẵng. Ảnh: M.QUẾ
Chủ tịch UBND thành phố Lê Trung Trinh chủ trì điểm cầu Đà Nẵng. Ảnh: M.QUẾ

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp Nhà nước được Đảng, Nhà nước rất quan tâm và được xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của các cấp, các ngành, các địa phương và của doanh nghiệp Nhà nước.

Doanh nghiệp Nhà nước được xác định giữ vị trí then chốt và là một lực lượng vật chất quan trọng của kinh tế Nhà nước, góp phần quan trọng ổn định kinh tế vĩ mô và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Điều này đã được thể hiện trong các chủ trương, nghị quyết, chương trình, văn bản của Đảng, Quốc hội, Chính phủ. 

Với những quan điểm chỉ đạo xuyên suốt của Đảng, nhất là trong hơn 35 năm đổi mới, cộng đồng doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp Nhà nước nói riêng đã nỗ lực không ngừng, vượt qua khó khăn, thách thức, tiếp tục nỗ lực vươn lên góp phần quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc

Chỉ riêng các doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước đang nắm giữ, mặc dù chỉ chiếm một tỷ lệ nhỏ trong nền kinh tế (khoảng 0,08% số doanh nghiệp hoạt động tại thời điểm 31-12-2020) nhưng lại nắm giữ nguồn lực lớn của nền kinh tế: khoảng 7% tổng tài sản và 10% vốn chủ sở hữu của toàn bộ doanh nghiệp trên thị trường, chiếm khoảng 25,78% tổng vốn sản xuất, kinh doanh và 23,4% giá trị tài sản cố định và đầu tư tài chính dài hạn của các doanh nghiệp đang hoạt động có kết quả sản xuất, kinh doanh.

Để thúc đẩy doanh nghiệp Nhà nước phát triển bền vững, phát huy được thế mạnh, tiềm năng của mình, thực sự là “lực lượng vật chất quan trọng của kinh tế Nhà nước”, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh cần nhận diện những điểm nghẽn trong cơ chế, chính sách đối với khu vực doanh nghiệp này và những tồn tại hạn chế trong chính doanh nghiệp để từ đó đưa ra các định hướng, giải pháp đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động nhằm huy động nguồn lực của doanh nghiệp Nhà nước trong phát triển kinh tế - xã hội thời gian tới. 

Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đến hết năm 2020, Việt Nam còn khoảng gần 500 doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ và gần 200 doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ cổ phần chi phối (trong số 350 doanh nghiệp có vốn góp của Nhà nước)....

Riêng tại thành phố Đà Nẵng, hiện UBND thành phố đang làm đại diện chủ sở hữu tại 4 doanh nghiệp do Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ và 5 doanh nghiệp có vốn Nhà nước (trong đó có 2 công ty cổ phần Nhà nước nắm giữ trên 51% vốn điều lệ).

Nhìn chung, các doanh nghiệp hoàn thành kế hoạch sản xuất, kinh doanh được UBND thành phố giao; đa phần kinh doanh có lãi, bảo toàn và phát triển vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp.

Kết quả giám sát hoạt động tài chính qua các năm, các doanh nghiệp đều đang bảo đảm an toàn về tài chính, chưa có trường hợp doanh nghiệp phải thực hiện giám sát đặc biệt.

Các doanh nghiệp đều hoạt động ổn định, đóng vai trò chủ yếu trong thực hiện nhiệm vụ cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích phục vụ an sinh xã hội và giải quyết việc làm cho khoảng 2.000 lao động.

Đặc biệt, các doanh nghiệp sau khi chuyển đổi thành công ty cổ phần đã đổi mới công tác quản trị doanh nghiệp, nâng cao hiệu quả hoạt động đáng kể so với trước thời điểm chuyển đổi, cả về chất lượng dịch vụ và hiệu quả sử dụng vốn.

MAI QUẾ

.