Kinh tế
Xăng dầu, gas đồng loạt tăng cao: Tác động lớn đến đời sống, sản xuất, kinh doanh
Liên Bộ Công Thương - Tài chính đã điều chỉnh giá bán lẻ các mặt hàng xăng dầu, áp dụng từ 15 giờ ngày 1-3. Như vậy, giá xăng dầu trong nước đã có lần tăng giá thứ 6 liên tiếp và đây là mức giá xăng cao nhất từ trước đến nay.
Giá xăng dầu tăng cao tác động lớn đến đời sống, sản xuất, kinh doanh. TRONG ẢNH: Người dân đổ xăng tại một cây xăng trên đường Nguyễn Văn Thoại (quận Ngũ Hành Sơn) chiều 1-3. Ảnh: QUỲNH TRANG |
Trong khi thu nhập của nhiều người tiêu dùng vẫn đang bị ảnh hưởng lớn bởi Covid-19, việc xăng dầu tiếp tục tăng giá và trước đó giá gas tăng cao, kéo theo giá một số loại thực phẩm lại đồng loạt tăng giá, tác động lớn đến đời sống và sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
Giá xăng cao nhất lịch sử
Chiều 1-3, Liên Bộ Công Thương - Tài chính điều chỉnh giá bán lẻ các mặt hàng xăng dầu, áp dụng từ 15 giờ cùng ngày. Theo đó, giá xăng RON95 tăng 550 đồng/lít, lên mức 26.830 đồng/lít; xăng E5 RON92 tăng 540 đồng/lít, lên mức 26.070 đồng/lít. Như vậy, giá xăng dầu trong nước đã có lần tăng giá thứ 6 liên tiếp từ thời điểm tháng 12-2021 đến nay. Giá bán cả hai mặt hàng xăng RON 95 và E5 RON 92 đều ở mức cao nhất lịch sử.
Ngay khi nhận tin giá xăng lại tăng liên tiếp chỉ trong thời gian ngắn, anh Nguyễn Văn Huy (giáo viên dạy lái xe, trú quận Sơn Trà) bày tỏ lo lắng: “Giá xăng tăng liên tục gây khó khăn đối với những người làm nghề liên quan đến dịch vụ vận tải như chúng tôi. Bình quân mỗi tháng, tôi đổ gần 100 lít xăng, tính ra chi phí rất lớn. Về phía người dân tôi mong muốn Bộ Công Thương cần sớm có giải pháp bình ổn giá xăng, dầu nhằm giảm bớt khó khăn cho người dân và doanh nghiệp vận tải”. Đến mua xăng tại cửa hàng xăng dầu số 6, Công ty Xăng dầu khu vực V - TNHH MTV (đường Trần Phú, phường Thạch Thang, quận Hải Châu), chị Huỳnh Thị Hạnh (trú phường An Hải Bắc, quận Sơn Trà) chia sẻ: “Biết giá xăng sẽ tăng nên tôi tranh thủ đi mua trước đó mấy chục phút. Hy vọng đợt điều chỉnh tới đây, giá xăng sẽ giảm trở lại để người dân bớt gánh nặng chi phí các mặt hàng ăn theo giá xăng”.
Giá gas tăng mạnh
Trong khi đó, ghi nhận tại các cửa hàng kinh doanh gas trong sáng 1-3, hầu hết các cửa hàng đã điều chỉnh mức giá gas mới. Cụ thể, giá gas Petrolimex bán lẻ (đã bao gồm VAT) 500.000 đồng/bình 12kg, tăng 45.000 đồng/bình so với giá bán tháng 2; giá gas Petro Việt Nam bán lẻ (đã bao gồm VAT) 473.000 đồng/bình 12kg, tăng 42.000 đồng/bình so với giá bán tháng 2. Giá gas tăng cao khiến tiêu dùng của nhiều bà nội trợ, nhất là công nhân, người lao động thêm phần khó khăn.
Chị Hoàng Thị Yến (giáo viên mầm non trú tại phường Mỹ An, quận Ngũ Hành Sơn) cho biết, trước đây, 5-6 tháng gia đình mới đổi bình gas một lần nhưng thời gian này chị thất nghiệp, hai con học online tại nhà nên cỡ 3 tháng đã phải đổi bình gas. “Dịch bệnh kéo dài khiến thời gian cả gia đình sinh hoạt tại nhà tăng lên, do đó, chi phí tiền điện, tiền nước, tiền gas, tiền ăn lại tăng thêm gấp đôi, thậm chí gấp 3 lần so với khi ba mẹ đi làm, con đi học”, chị Yến bày tỏ. Tương tự, bà Hồ Thị Hương (bán bún vỉa hè tuyến đường Thủ Khoa Huân, quận Sơn Trà) nói: “Sáng nay, khi tôi điện thoại đến đại lý quen để yêu cầu đổi bình gas, nghe nhân viên báo giá gần 500.000 đồng/bình khiến tôi không khỏi giật mình. Trung bình cứ 2 tháng nhà tôi dùng hết 1 bình gas mà bán buôn thì mỗi ngày mỗi khó, giá cứ tăng liên tục thì làm gì còn lời”. Đại diện cửa hàng gas Hưng Việt (đường Nguyễn Hữu Hào, quận Ngũ Hành Sơn) giải thích: “Giá gas tăng mạnh từ ngày 1-3 nhưng với những khách hàng thân thiết, lượng gas tồn nhập với giá cũ thì chúng tôi vẫn để giá cũ cho khách trong một vài ngày tới chứ chưa tăng đột ngột”.
Giá gas tăng ngay ngày đầu tháng 3 đẩy chi phí tiêu dùng lên cao khiến công nhân, người lao động khó càng thêm khó. (Ảnh chụp tại cửa hàng gas Anh Bửu, đường Ngô Quyền, quận Sơn Trà). Ảnh: QUỲNH TRANG |
Tác động đến chi phí sản xuất, kinh doanh
Xăng, dầu là nguyên liệu đầu vào quan trọng của nhiều ngành sản xuất, cho nên giá cả mặt hàng này tăng cao sẽ có những ảnh hưởng nhất định đến chi phí sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp. Thế nên, nhiều người tỏ ra lo ngại, một khi giá nhiên liệu đầu vào tăng sẽ gây áp lực lớn buộc các nhà sản xuất, kinh doanh phải tăng giá sản phẩm hàng hóa nhưng điểm đến cuối cùng của hàng hóa là người tiêu dùng. Điều này đồng nghĩa với việc người tiêu dùng sẽ phải gánh chịu những chi phí gia tăng do giá xăng, dầu tăng cao.
TS Trần Xuân Quỳnh (giảng viên Khoa Thương mại điện tử, Trường Đại học Kinh tế, Đại học Đà Nẵng) nhìn nhận, trong ngắn hạn cho thấy rằng giá xăng vẫn duy trì ở mức cao trong thời gian tới vì hai nguyên nhân chính: thứ nhất là xung đột tại Ukraine dẫn đến sự bất ổn về nguồn cung xăng dầu; thứ hai là sự ngắt quãng về hoạt động sản xuất của nhà máy lọc dầu Nghi Sơn làm giảm sản lượng cung ứng xăng, dầu trong nước (Nghi Sơn và Dung Quất là 2 nhà máy cung ứng lượng lớn xăng, dầu trong nước, còn lại phải nhập khẩu). Vì vậy, mặc dù giá xăng có thể điều chỉnh giảm một biên độ nào đó nhưng trên cơ bản vẫn sẽ duy trì ở đà tăng và mức cao.
“Dưới góc độ người tiêu dùng, giá xăng tăng đẩy chỉ số giá tiêu dùng CPI tăng theo, khiến chi phí sinh hoạt của người dân cũng tăng theo. Điều này có thể gây tâm lý e ngại và giảm bớt nhu cầu tiêu dùng ở những mảng dịch vụ không cần thiết, nguy cơ gây lạm phát, tác động xấu đến tăng trưởng bán lẻ nói riêng và nền kinh tế nói chung. Lạm phát sẽ kéo theo các biến động lớn trong lĩnh vực thương mại nói chung và bán lẻ nói riêng, từ tái cơ cấu các mặt hàng (như giảm chi tiêu cho hàng xa xỉ), tái cơ cấu nguồn cung (giảm chi phí vận tải và năng lượng), xem xét lại các dự án mở rộng đầu tư kinh doanh... Trong thời gian sắp đến, lạm phát sẽ là nguy cơ thường trực làm dư địa cho các chính sách điều tiết vĩ mô của Nhà nước sẽ càng thu hẹp hơn. Về mặt lâu dài, các cân đối về kinh tế vĩ mô cần thận trọng mới bảo đảm cân bằng giữa các giải pháp kích thích kinh tế và duy trì mức lạm phát hợp lý, giữ ổn định kinh tế vĩ mô”, TS Trần Xuân Quỳnh phân tích thêm.
Việc các mặt hàng thiết yếu liên tục tăng giá trong suốt thời gian qua là nỗi trăn trở chung của nhiều người, bởi Covid-19 vẫn đang tác động tiêu cực đến việc làm, thu nhập của không ít người dân. Mỗi khoản chi phát sinh thêm một ít nhưng gộp lại sẽ thành một khoản không hề nhỏ và tạo nên gánh nặng trong chi tiêu và cuộc sống của mỗi gia đình.
Giám sát chặt thị trường, giá cả hàng hóa thiết yếu Ngày 1-3, Bộ Công Thương ban hành công điện về tăng cường kiểm tra, giám sát thị trường trước tình hình ảnh hưởng của Covid-19 và xung đột tại Ukraine. Theo đó, yêu cầu Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) chỉ đạo toàn lực lượng QLTT tăng cường công tác giám sát, quản lý theo địa bàn, phối hợp các lực lượng chức năng tiến hành kiểm tra, giám sát chặt chẽ các tổ chức, cá nhân có hành vi lợi dụng thị trường có biến động về cung - cầu, giá cả hàng hóa do dịch bệnh hoặc diễn biến bất thường khác để thu lời bất chính. Đồng thời tổng hợp, báo cáo Bộ Công Thương về tình hình biến động của thị trường hàng hóa thiết yếu phục vụ nhu cầu sản xuất, kinh doanh và đời sống nhân dân, đặc biệt là những mặt hàng bị ảnh hưởng trực tiếp do Covid-19 và xung đột vũ trang tại Ukraine; phối hợp trao đổi thông tin với các cơ quan chức năng khác trong Ban chỉ đạo 389 các cấp để kịp thời phát hiện, xử lý các tổ chức, cá nhân có hành vi lợi dụng thị trường có biến động về cung - cầu, giá cả hàng hóa do dịch bệnh hoặc diễn biến bất thường khác để thu lời bất chính. Công điện nhấn mạnh nhiệm vụ xử lý nghiêm mọi hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật; không được để xảy ra tình trạng quan liêu, bao che, dung túng, thiếu trách nhiệm, buông lỏng quản lý, tham nhũng, hối lộ trong công tác QLTT. Lãnh đạo Cục QLTT phải chịu trách nhiệm trước pháp luật và trước bộ trưởng nếu để đơn vị mình có những vi phạm trong hoạt động công vụ hoặc để xảy ra các hành vi gian lận thương mại bị các cơ quan chức năng hay người dân phản ánh, phát hiện mà không được xử lý. |
QUỲNH TRANG