Kết nối giao thương giúp doanh nghiệp phục hồi sản xuất

.

Hai năm qua, các hoạt động giao thương được Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại (Sở Công Thương) triển khai bằng hình thức trực tuyến hoặc vừa trực tiếp vừa trực tuyến.

Thành phố đang nhanh chóng khôi phục lại hoạt động xúc tiến thương mại, giao thương trực tiếp để tăng hiệu quả kết nối. Trong ảnh: Hoạt động giới thiệu sản phẩm tại hội nghị kết nối giao thương giữa Đà Nẵng và tỉnh Quảng Trị ngày 25-3. Ảnh: QUỲNH TRANG
Thành phố đang nhanh chóng khôi phục lại hoạt động xúc tiến thương mại, giao thương trực tiếp để tăng hiệu quả kết nối. TRONG ẢNH: Hoạt động giới thiệu sản phẩm tại hội nghị kết nối giao thương giữa Đà Nẵng và tỉnh Quảng Trị ngày 25-3. Ảnh: QUỲNH TRANG

Năm 2022, với việc tiêm phủ vắc-xin phòng Covid-19, cùng các địa phương trên cả nước, Đà Nẵng đang nhanh chóng khôi phục lại hoạt động xúc tiến thương mại, giao thương trực tiếp để tăng hiệu quả kết nối, giúp doanh nghiệp nhanh chóng phục hồi sau dịch bệnh.

Ông Huỳnh Văn Mười, Giám đốc HTX Sản xuất thương mại và dịch vụ tổng hợp Kim Thanh (quận Thanh Khê) cho biết, các sản phẩm của công ty như: bào ngư rim, nấm muối, mứt nấm, nước mắm từ nấm, nấm rơm hấp, nấm linh chi xay bột, rượu nấm linh chi… hầu hết được sản xuất theo quy trình VietGAP, được Sở Y tế cấp giấy chứng nhận phù hợp tiêu chuẩn sản xuất an toàn thực phẩm và Cục sở hữu trí tuệ chứng nhận đăng ký nhãn hiệu.

Tuy nhiên, vì là sản phẩm mới nên chưa được nhiều người tiêu dùng biết đến nên mặc dù có tham gia nhiều chương trình kết nối trực tuyến nhưng kết quả không cao. Nhà phân phối và tâm lý người tiêu dùng đối với thực phẩm đều phải là nhìn thấy và dùng thử cảm nhận. “Chúng tôi đã tham gia một số chương trình kết nối giao thương với các địa phương lân cận do Đà Nẵng tổ chức thời gian qua và sau mỗi sự kiện, đối tượng khách hàng của chúng tôi được mở rộng hơn. Thời gian tới, chúng tôi muốn tham gia nhiều hội nghị kết nối giao thương để gặp gỡ những khách hàng tiềm năng, tạo mối quan hệ tốt với các nhà phân phối”, ông Mười bày tỏ. Là đơn vị cung cấp thực phẩm cho bếp ăn công nghiệp, bà Đinh Thị Thanh (hộ kinh doanh tại chợ đầu mối Hòa Cường) cho rằng, việc kết nối trực tiếp sẽ giúp đơn vị trao đổi thông tin cũng như lựa chọn sản phẩm, đàm phán giá cả thuận lợi và hiệu quả hơn.

Ưu thế của xúc tiến thương mại trực tuyến là tiết kiệm chi phí nhưng đối với mặt hàng thực phẩm, khách hàng cần trải nghiệm trực tiếp, dùng thử thì hiệu quả thương mại sẽ cao hơn là nhận định của nhiều đại diện nhà phân phối, siêu thị trên địa bàn. Bà Võ Thị Yến Xuân, Trưởng bộ phận thu mua của siêu thị Go! nhận định, mặc dù xúc tiến thương mại trực tuyến mang lại hiệu quả nhất định nhưng vẫn chủ yếu mang tính giới thiệu. Tại các hội nghị kết nối giao thương trực tiếp, phạm vi tìm kiếm đối tác, nhà phân phối rộng hơn, đơn vị sản xuất có cơ hội lớn hơn trong tiếp cận, giới thiệu và giải đáp các thắc mắc đến các nhà phân phối.

Đơn cử như tại hệ thống siêu thị Go! hiện rất thiếu các sản phẩm hữu cơ và đơn vị đang tìm kiếm nguồn sản phẩm này để bày bán tại siêu thị. “Với tư cách người phụ trách thu mua của hệ thống, tôi cần tận mắt nhìn thấy và dùng thử sản phẩm thì mới tin tưởng để đàm phán, ký kết về sau”, bà Võ Thị Yến Xuân cho biết. Tương tự, theo bà Phan Như Yến, Giám đốc siêu thị Danavi mart, tham gia các hội nghị kết nối cung cầu là cơ hội để đơn vị sản xuất và đơn vị phân phối “tìm thấy” nhau. “Chúng tôi luôn sẵn sàng tham gia các hội nghị kết nối giao thương để tìm kiếm nguồn hàng và tiếp cận được nguồn hàng có chất lượng đã được sự bảo trợ của ngành công thương các tỉnh, thành phố”, bà Yến nói.

Theo ông Nguyễn Hữu Bình, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại thành phố, Covid-19 ảnh hưởng rất lớn đến doanh nghiệp, đặc biệt là ảnh hưởng đến hoạt động xúc tiến thương mại của doanh nghiệp, của trung tâm xúc tiến. Mặc dù xúc tiến trực tuyến mang lại hiệu quả nhất định nhưng vẫn còn chủ yếu mang tính giới thiệu. Vì vậy, sau khi tình hình dịch bệnh kiểm soát tốt, trung tâm đã có kế hoạch khôi phục lại hoạt động kết nối giao thương trực tiếp, hỗ trợ doanh nghiệp đưa sản phẩm đến các địa phương bạn xúc tiến thương mại, tìm kiếm đối tác, đầu ra cho sản phẩm.

Trong năm 2022, đơn vị sẽ đẩy mạnh nhiều chương trình xúc tiến thương mại trực tiếp để tạo cơ hội giao thương cho doanh nghiệp. Những ngày cuối tháng 3, Đà Nẵng đã chủ trì 2 sự kiện là kết nối giao thương với tỉnh Quảng Trị (ngày 25-3) và kết nối giao thương trực tiếp với 3 địa phương: Gia Lai, Kon Tum, Đắk Lắk (ngày 29-3). Hội nghị kết nối cung cầu Đà Nẵng năm 2022 cũng sẽ được tổ chức bằng hình thức trực tiếp thay vì trực tuyến như năm 2021.

Để hoạt động kết nối giao thương đi vào chiều sâu, tại các hội nghị, các đơn vị tham gia không chỉ trưng bày, quảng bá sản phẩm mà còn ký kết hợp tác với các đại lý, nhà phân phối tham gia sự kiện. Đơn cử như tại hội nghị kết nối giao thương Đà Nẵng - Quảng Trị vừa qua, gần 20 biên bản ký kết ghi nhớ hợp tác đã được kết nối thành công. Trong khi đó, tại hội nghị kết nối giao thương Đà Nẵng với các tỉnh Đắk Lắk, Gia Lai, Kon Tum, lãnh đạo Sở Công Thương Đà Nẵng cùng lãnh đạo Sở Công Thương các tỉnh Đắk Lắk, Gia Lai và Kon Tum ký kết hợp tác giữa 4 địa phương.  Bà Hoàng Thị Ngát, chủ cơ sở Trà thảo mộc Cô Ngát Natural (tỉnh Đắk Lắk) chia sẻ: “Thành phố Đà Nẵng là thị trường rộng lớn, còn nhiều dư địa, vì vậy, thông qua các hoạt động xúc tiến thương mại giữa Đà Nẵng và các tỉnh Tây Nguyên, hy vọng các sản phẩm của chúng tôi được nhiều người tiêu dùng thành phố biết đến”.

Nhấn mạnh về công tác xúc tiến thương mại, bà Lê Thị Kim Phương, Giám đốc Sở Công Thương thành phố cho biết, trong giai đoạn phục hồi kinh tế, việc tổ chức các hoạt động kết nối giao thương trực tiếp là giải pháp tất yếu, căn cơ nhằm bảo đảm lưu thông hàng hóa, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Ngành công thương thành phố sẽ tiếp tục tập trung hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư, xây dựng thương hiệu, mở rộng thị trường thông qua các hoạt động kết nối giao thương, tiến tới xây dựng chuỗi cung ứng an toàn, bền vững sau dịch bệnh.

QUỲNH TRANG

;
;
.
.
.
.
.
Liên kết hữu ích