Nâng cao hiệu quả, giá trị hải sản sau khai thác

.

Đầu tư hầm bảo quản bằng các chất liệu, vật liệu mới cùng các thiết bị, máy móc hiện đại không chỉ góp phần bảo quản chất lượng hải sản mà còn nâng cao giá trị sản phẩm sau khai thác, giúp giảm chi phí mỗi chuyến vươn khơi đánh bắt, mang lại hiệu quả kinh tế cho ngư dân.

Đầu tư xây dựng hầm bảo quản bằng vật liệu mới cùng với trang thiết bị, máy móc hiện đại góp phần nâng cao giá trị của hải sản sau khai thác. Ảnh: VĂN HOÀNG
Đầu tư xây dựng hầm bảo quản bằng vật liệu mới cùng với trang thiết bị, máy móc hiện đại góp phần nâng cao giá trị của hải sản sau khai thác. Ảnh: VĂN HOÀNG

Năm 2018, gia đình anh Nguyễn Văn Bình (phường Thọ Quang, quận Sơn Trà) đóng mới 3 tàu cá, trong đó, có 2 tàu được đầu tư hầm bảo quản bằng vật liệu Polyurethane (PU). Anh Bình cho biết, từ khi tàu được trang bị hầm PU, anh yên tâm đánh bắt trên biển dài ngày hơn bởi so với hầm bảo quản truyền thống, hải sản được bảo quản trong hầm PU giữ được chất lượng lâu hơn, lượng đá tiêu hao ít hơn khoảng 30%. Vì được bảo quản tốt nên khi đưa hải sản vào chợ đầu mối, giá ổn định hơn trước.

Khác với những tàu cá đầu tư hầm bảo quản PU, tàu cá ĐNa 90888 TS của ngư dân Lê Văn Thiên (phường Thuận Phước, quận Hải Châu) bảo quản hải sản bằng thiết bị làm đá lạnh từ nước biển và ứng dụng kỹ thuật bảo quản tiên tiến của Nhật Bản để nâng chất lượng sản phẩm lên mức tối đa. Được biết, đây là thiết bị và kỹ thuật được Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tài trợ từ tháng 10-2019. Mỗi khi ra vùng biển sâu, thiết bị sẽ hút nước biển và đông lạnh thành nước đá bơm xuống hầm tàu để bảo quản hải sản.

“Nhờ ứng dụng công nghệ tiên tiến cùng kỹ thuật bảo quản mới mà hải sản luôn bảo đảm độ tươi ngon, được nhiều thương lái săn đón khi cập bờ. Mỗi chuyến vươn khơi, tàu của tôi lãi 100-150 triệu đồng, mang lại thu nhập ổn định cho các lao động trên tàu. Ngày 18-4, chúng tôi sẽ tiếp tục vươn khơi đánh bắt chuyến thứ 4 trong năm nay, hy vọng sẽ bội thu cá tôm”, ông Thiên kỳ vọng.

Phó Chi cục Thủy sản thành phố Đặng Duy Hải cho rằng, để nâng cao giá trị của hải sản sau khai thác, vấn đề đầu tiên ngư dân cần chú trọng là bảo quản sản phẩm tốt. Hiện nhiều tàu trên địa bàn vẫn đang sử dụng dạng hầm bảo quản cũ, chủ yếu là dùng đá xay, ướp muối bảo quản hải sản sau khi đánh bắt. Nếu chuyến biển kéo dài, thời gian vận chuyển chậm sẽ dẫn đến hao hụt lớn, gây lãng phí nguồn lợi và hiệu quả kinh tế thấp. Chính vì vậy, các chủ tàu cần đầu tư hầm bảo quản hiện đại, thực hiện bảo dưỡng tàu định kỳ để chất lượng hải sản sau khai thác được giữ lâu hơn.

Hỗ trợ ngư dân nâng cao giá trị hải sản

Trước định hướng phát triển ngành thủy sản của thành phố là nâng cao chất lượng sản phẩm khai thác, giảm tổn thất sau thu hoạch và nhu cầu thực tế của ngư dân trong tổ chức hoạt động khai thác hải sản, HĐND thành phố đã ban hành Nghị quyết số 255/2019/NQ-HĐND ngày 11-7-2019 về “Quy định chính sách hỗ trợ phát triển khai thác hải sản trên địa bàn thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2019-2025”.

Theo đó, thành phố hỗ trợ cho chủ tàu cá trên địa bàn 100% kinh phí để mua thiết bị giám sát hành trình lắp đặt trên tàu cá và kinh phí thuê bao năm đầu tiên; 50% kinh phí để trang bị máy, thiết bị dùng trong bảo quản sản phẩm và khai thác thủy sản với tổng mức hỗ trợ tối đa một lần hoặc cộng dồn không quá 500 triệu đồng/tàu và hỗ trợ 100% phí thẩm định giá...

Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến ngư nông lâm Ngô Thị Kim Cương cho biết, hầm bảo quản bằng những vật liệu, chất liệu mới như PU khắc phục được nhiều khó khăn về bảo quản chất lượng sản phẩm so với vật liệu cũ. Với dạng hầm này, thời gian bảo quản tăng, sản phẩm vẫn đạt các tiêu chuẩn về chất lượng. Các tàu khi quay về bờ cũng không cần chạy nhanh mà chỉ chạy tốc độ vừa phải, giúp giảm chi phí nguyên liệu. Tuy nhiên, tại Đà Nẵng, dạng hầm bảo quản này đa phần chỉ được các tàu đóng mới xây dựng. Muốn xây dựng hầm bảo quản hải sản bằng vật liệu PU đòi hỏi phải có nguồn vốn lên đến vài trăm triệu đồng, trong khi khả năng huy động vốn của ngư dân còn hạn chế. Mặc khác, do tình hình đánh bắt không ổn định, gặp nhiều khó khăn nên ngư dân chưa dám mạnh dạn đầu tư.

Cũng theo bà Ngô Thị Kim Cương, hiện nay, Tổng cục Thủy sản đang có góp ý dự thảo đề án “Quy hoạch bảo vệ và khai thác nguồn lợi thủy sản thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050” với mục tiêu đưa Việt Nam trở thành quốc gia có nghề cá phát triển bền vững, hiện đại; hướng đến bảo tồn đa dạng sinh học với sự phong phú về nguồn gen, các loài sinh vật và hệ sinh thái trong tự nhiên; nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân; góp phần bảo đảm an sinh xã hội; giữ vững độc lập, chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc. Theo đó, dự thảo tập trung vào 3 nội dung lớn gồm: tạo dựng ngư trường trù phú; phát triển đội tàu thông minh; hiện đại hóa các cảng cá. Việc đầu tư tàu cá với trang thiết bị, hầm bảo quản hiện đại sẽ là một trong nhiều yếu tố góp phần tạo nên đội tàu thông minh.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, thời gian tới sẽ tập trung vào việc đầu tư nâng cấp cảng cá Thọ Quang, phát triển dịch vụ hậu cần nghề cá, khai thác hải sản xa bờ gắn với chủ quyền biển, đảo; ứng dụng công nghệ cao và hiện đại hóa nghề cá nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất và thân thiện môi trường, bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Đồng thời tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp theo các chương trình, nghị quyết của Thành ủy, HĐND, UBND thành phố đã ban hành để hỗ trợ ngư dân nâng cao hiệu quả khai thác, yên tâm vươn khơi bám biển...

Tính đến cuối tháng 3-2022, toàn thành phố có 1.229 chiếc tàu cá, trong đó có 320 chiếc tàu từ 12-15m đánh bắt vùng lộng, 584 chiếc tàu từ 15m trở lên đánh bắt vùng khơi. Trong quý 1-2022, tổng sản lượng khai thác thủy sản của các tàu cá Đà Nẵng ước khoảng 9.098 tấn, đạt 35% chỉ tiêu năm 2022 (37.000 tấn), giảm 356 tấn so với cùng kỳ năm 2021.

VĂN HOÀNG

;
;
.
.
.
.
.
Liên kết hữu ích